"Con đường tơ lụa" một thời trên biển Đông

Nguyễn Trung Hiếu| 24/02/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những con tàu cổ chở đầy gốm sứ, chìm sâu trong lòng biển Đông trên địa phận Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Vũng Tàu… được phát hiện trong vài năm gần đây, đã minh chứng từ ngàn xưa.

Bên cạnh con đường tơ lụa trên cạn, băng qua sa mạc với những đàn lạc đà, ngựa thồ… tiền nhân đã hình thành một con đường giao thương song song trên biển.

Những chiếc tàu gỗ, mỏng manh, dù được chèo bằng tay hay chạy bằng sức gió cũng đã dũng cảm vượt ngàn dặm xa nối kết mạch sống kinh tế các quốc gia từ đông sang tây, từ bắc xuống nam… bất chấp phong ba bão tố, hay những cuộc chiến tranh giữa các vùng, giữa các nước…

Khai quật thác G Thánh địa Mỹ Sơn, nơi tìm thấy hàng ngàn mảnh gốm sứ Trung Hoa vào thế kỷ 13

Từ con tàu trong lòng biển Cù Lao Chàm

Đầu năm 1990, trong khi đánh bắt cá ở vùng biển Hội An, ngư dân đã phát hiện một con tàu cổ chở đầy đồ gốm bị đắm ở ngoài khơi, cách đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam khoảng 20 km về phía đông. Lúc này họ không hề biết giá trị hiếm có của nó, nên mang bày bán đầy vỉa hè Hội An như những vật lưu niệm rẻ tiền. Lâu dần một số dân chơi cổ ngoạn phát hiện và ra sức lùng mua đẩy giá lên trời. Phần lớn số hiện vật gốm sứ cổ này sau đó được xác định sản xuất tại trung tâm gốm Chu Đậu – Hải Dương (Việt Nam) vào khoảng thế kỷ 15. Những ngày này, phố cổ Hội An như dậy sóng. Trên bờ thì giới buôn đồ cổ vào từng nhà, lùng từng chiếc bình gốm nhỏ mua vét đến tận cùng; dưới biển, ngư dân bỏ đánh cá, dùng lưới rê càn quét. Hàng vạn đồ gốm quý giá lành, vỡ được nâng niu và nhanh chóng đưa ra bán ở thị trường thế giới.

Ngay sau đó, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Quảng Nam… liên kết với Công ty Saga (Malaysia) tổ chức khai quật khảo cổ dưới nước. Thực tế là tổ chức khai quật trục vớt số đồ gốm Chu Đậu và con tàu đắm. Suốt hai năm khai quật (1997 - 1999), các bên đã đưa lên khỏi lòng biển xác một con tàu cổ bằng gỗ tếch dài 29,4m, nơi rộng nhất là 7,2m, đóng vào khoảng thế kỷ XV. Lòng tàu chia làm 19 khoang, là một trong những chiếc tàu đắm lớn trong lịch sử châu Á. Ngoài ra vô giá hơn cả là hơn 240.000 hiện vật nguyên vẹn, chủ yếu là đồ gốm sứ Chu Đậu đã được vớt lên, gây chấn động cả thị trường gốm sứ cổ thế giới lúc bấy giờ. Ngoài ra, trong số này còn số ít đồ gốm Trung Quốc, Thái Lan và gốm Chăm.

Việc khai quật và nghiên cứu tàu đắm Cù Lao Chàm đã góp một bằng chứng vô cùng sinh động vào việc nghiên cứu giao thương quốc tế trên vùng biển Việt Nam trong lịch sử. Đặc biệt nó đã chứng minh vào thế kỷ 15, 16, Việt Nam (Đại Việt) tham gia một cách tích cực nhất vào con đường gốm sứ mậu dịch trên biển.

Sau đó tháng 6-1999 Sở Văn hóa thể thao và du lịch Quảng Ngãi phối hợp với Cục Di sản văn hóa khảo sát con tàu chìm tại vùng biển thôn Châu Me, xã Bình Châu. Các chuyên gia lại phát hiện nhiều hiện vật gồm đồ đồng, đồ sứ, đồ đá, tiền cổ có niên đại từ thế kỷ 15 - 17. Con tàu cổ này dài khoảng 21m, rộng 3,5m. Đã từ lâu, người dân địa phương thường hay gọi xã Bình Châu là “làng cổ vật” bởi trong tủ nhà nào cũng có bình, lọ, chén, bát gốm sứ chủ yếu là Trung Hoa với nhiều niên đại khác nhau. Tiếp theo đó năm 2013, 2014 Quảng Ngãi liên kết với một doanh nghiệp liên tiếp trục vớt cả một bãi tàu cổ đắm, thu hàng vạn hiện vật gốm sứ sản xuất từ những năm thế kỷ 15-17. Ngư dân cho biết, vùng biển thôn Châu Me kéo dài qua Châu Thuận Biển có khoảng 10 chiếc tàu cổ chứa cổ vật bị đắm chìm từ nhiều thế kỷ trước.

Việt Nam có lịch sử ngàn năm mở đất và mở nước. Mở đất là cương thổ, mở nước là biển đảo và còn có cả những chuyến hải trình vạn dặm của tổ tiên ta mà các bảo vật khai quật được từ những con tàu đắm dưới đáy biển Đông đã phần nào nhắc lại nỗ lực phi thường ấy.

Mạch chảy kinh tế cổ đại

Việc phát hiện những con tàu chở đầy gốm sứ cổ kéo dài từ bờ biển Việt Nam đến Rang Kwian (vịnh Thái Lan), Turiang (Malaysia), Padanan (Philippines)… đã vẽ một bức tranh toàn cảnh và làm hiện diện một con đường giao thương giữa các quốc gia cổ đại từ bắc đến nam; từ đông qua tây (ngược lại) đã khá chặt chẽ và không ngừng nghỉ. Đặc biệt vào thế kỷ 15, khi xảy ra các cuộc chiến tranh với nước láng giềng, Trung Quốc “bế môn tỏa cảng” cấm xuất khẩu hàng hóa, trong đó chủ yếu là gốm sứ. Từ sự thiếu hụt của mặt hàng này, Việt Nam (Đại Việt lúc bấy giờ) đã nhanh chóng phát triển trung tâm gốm sứ Chu Đậu; Chămpa phát triển trung tâm gốm sức Gò Sành; phía nam có gốm sứ Cây Mai (Phù Nam) đã phát triển mạnh mẽ để bù đắp sự thiếu hụt.

Cố GS Trần Quốc Vượng từng nhận xét rằng, Trung Hoa, từ xưa đồ gốm đã được coi là loại hình nghệ thuật cấp trưởng. Và giới Đông phương học Âu Tây chỉ coi đồ gốm sứ Việt Nam là một nhánh nhỏ của cây đại thụ gốm sứ Trung Hoa. Nhưng sau khi L.R.Hobson phát hiện dòng minh văn ghi trên vai chiếc bình gốm hoa lam tuyệt đẹp cao 54cm trưng bày ở Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1933- 1934 (có dòng chữ ghi rõ “Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi thị hý bút” – năm Đại Hòa thứ 8 – 1450 đời Lê Nhân Tông – thợ gốm châu Nam Sách họ Bùi vẽ chơi) – đã mở rộng cánh cửa cho một lĩnh vực nghiên cứu mới. Từ đó, họ gọi đây là “gốm An Nam”.

Theo GS Misugi Takatoshi (Nhật Bản), con đường gốm sứ mậu dịch trên biển (hay “con đường tơ lụa” trên biển hình thành rất sớm, từ khi kỹ thuật đóng thuyền buồm vượt biển được phát triển từ đầu công nguyên, tạo điều kiện cho những lo hàng hóa trên thương thuyền cỡ lớn chuyên chở hàng lụa, hồ tiêu, hương liệu, trầm hương, sản phẩm sành sứ… thay thế dần các đoàn lữ hành bằng lạc đà trên lục địa đầy bất trắc và hoang vắng trên “con đường tơ lụa” trên cạn.

Ở phố cổ Hội An, vốn là một thương cảng sầm uất bậc nhất trong những năm thế kỷ 16-19, các nhà khảo cổ đã tìm được rất nhiều gốm sứ vùng Tây Á, Trung Đông (gốm Islam), Nhật Bản (gốm Hyzen)… Mới đây (2013), trong một dịp khảo cổ trùng tu nhóm tháp G Thánh địa Mỹ Sơn, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 13, các nhà khoa học Ý làm việc cho UNESCO đã hết sức ngạc nhiên, khi trong số hơn 5.000 hiện vật được tìm thấy, có hàng ngàn mảnh gốm sứ của các nước Tây Á, Trung Đông, Đại Việt… trong đó gốm sứ Trung Hoa đã chiếm phần lớn. Điều đó chứng tỏ, mối giao thương giữa các quốc gia trên thế giới vào những thế kỷ cổ và trung đại đã rất mạnh mẽ, đặc biệt với các nước ven bờ Thái Bình Dương, vịnh Péch xích (Persian)…

Song song đó, từ những hiện vật được tìm thấy trong các hố đào khảo cổ, bảo tàng viện… ở khắp các nước vịnh Ba Tư, Nhật Bản, Trung Hoa… cũng đã minh chứng, những năm thế kỷ IX-XI, hàng hóa từ Việt Nam, Chămpa, Phù Nam… gọi chung là “sành sứ An Nam”, đã được đưa đến các xứ Ai Cập cổ đại để mua bán, trong đó có hàng đặc biệt loại bát chén men ngọc được người vịnh Ba Tư rất ưa chuộng, xem là một dụng cụ để kiểm tra thuốc độc trong thức ăn.

Lịch sử loài người cho thấy, dù có bất kỳ sự biến đổi nào về địa lý, hình thái kinh tế xã hội… thì giao thương kinh tế vẫn là một mạch chảy không hề ngừng nghỉ. Điều đó đã được các nhà khảo cổ lịch sử chứng minh bằng các vật dùng, vết tích kiến trúc… của các dân tộc trên thế giới từ cổ chí kim đều đã hiện diện lẫn nhau trên mỗi quốc gia. Ngày nay văn hoá, xã hội vẫn giữ những bản sắc khác biệt; nhưng riêng giao thương kinh tế, thế giới đã đại đồng từ rất lâu rồi.

Từ những hiện vật được tìm thấy trong các hố đào khảo cổ, bảo tàng viện… ở khắp các nước vịnh Ba Tư, Nhật Bản, Trung Hoa… cũng đã minh chứng, những năm thế kỷ IX-XI, hàng hóa từ Việt Nam, Chămpa, Phù Nam… gọi chung là “sành sứ An Nam”, đã được đưa đến các xứ Ai Cập cổ đại để mua bán, trong đó có hàng đặc biệt là loại bát chén men ngọc được người vịnh Ba Tư rất ưa chuộng, xem là một dụng cụ để kiểm trat huốc độc trong thức ăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Con đường tơ lụa" một thời trên biển Đông