Chuyện về một vị tướng biên phòng

Tuệ Lâm| 04/04/2014 21:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều Vũng Tàu rực rỡ với biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Chiếc xe U-oát màu cỏ úa của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa chúng tôi về xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa, quê hương của Thiếu tướng Trương Văn Tài - Phó Tư lệnh bộ đội biên phòng...

Tuổi thơ khốn khó

Đón chúng tôi là chiếc cổng chào ngay đầu đường vào xã, trên có ghi dòng chữ: “Xã Hòa Long - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Chợt thấm thía một điều, chiến tranh, ly loạn luôn mang lại những mất mát đau thương không thể nào bù đắp. Nhưng cũng từ trong khói lửa chiến tranh, có biết bao người con đất Việt đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” giải phóng quê hương khỏi ách đô hộ của thực dân, đế quốc xâm lược. Như bao làng quê khác, quê hương Hòa Long của Thiếu tướng Trương Văn Tài, Phó Tư lệnh BĐBP cũng là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm. Người dân nơi đây dù là đồng bào Kinh hay đồng bào Châu Ro đều sắt son một lòng theo Đảng làm cách mạng cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.  

Nhắc đến tuổi thơ nhiều thiệt thòi của mình, trong ánh mắt Thiếu tướng Trương Văn Tài vảng vất nỗi buồn. Vị tướng biên phòng này sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cuộc sống chỉ trông vào ít ruộng rẫy khai hoang được và những lần cha luồn rừng tìm con chồn, con hoẵng. Những tháng ngày cha ông đi rừng dài đằng đẵng là những tháng ngày mẹ ông chờ đợi. Năm 1959, một cơn bệnh hiểm nghèo đã quật ngã bà khi tuổi còn rất trẻ, may mà ông vẫn kịp về để lo tang ma cho vợ. Cậu con trai thứ hai Trương Văn Tài khi ấy mới vừa tròn 3 tuổi, đâu đã hiểu chuyện đời. Nhưng mất mát quá lớn ấy đã khiến cậu cùng chị và em gái không còn được tươi vui, hoạt bát như xưa. Căn nhà tuềnh toàng cũng đành phải bán để trả nợ tiền thuốc thang cho mẹ. Từ đó, những đứa trẻ mồ côi đã phải đến ở nhờ gia đình nhà bác ruột. Nhưng, nhà bác cũng chẳng có gì đáng giá ngoài đôi bàn tay lao động, ba chị em Tài không còn cách nào khác phải đi làm mướn để đổi lấy bữa cơm hằng ngày. Dẫu xót con nhiều lắm, nhưng người cha vẫn phải nén lòng tiếp tục quay trở lại rừng...

Suốt quãng thời gian đó, trong mái đầu non nớt của cậu bé Tài luôn vọng lên câu hỏi: Không biết cha đi đâu? Sáu năm sau, cậu mới có câu trả lời. Đó cũng là lúc cậu mất đi người cha yêu quý. Ông bị giặc Mỹ bắn chết khi đang hoạt động trong rừng và được đồng đội chôn cất. Sau này, mãi đến năm 1989, gia đình, con cái mới tìm được mộ và đưa ông về quê nhà chôn cất. Cậu bé Tài mới lờ mờ hiểu rằng, cha ông đã ra đi vì nghĩa lớn. Từ đây, cậu cùng các chị em sẽ phải tự mình xoay sở lo cho cuộc sống.

Học hết cấp một trường làng, Trương Văn Tài đành phải nghỉ học để đi làm nuôi em. Đồng đất Hòa Long dẫu cằn cỗi, gieo neo nhưng biết bù đắp cho những người cần cù, chăm lao động. Cậu bé ấy đã lớn lên nhờ nghĩa tình làng xóm, nhờ củ sắn, củ mài giữa chốn quê nghèo.

Đam mê nghiệp lính

Mỗi lần về thăm lại Hòa Long, Thiếu tướng Trương Văn Tài vẫn cảm thấy bồi hồi như người chiến sĩ trẻ ngày nào lên đường nhập ngũ vào lực lượng vũ trang Công an nhân dân Đồng Nai. Ông còn nhớ rất rõ hình ảnh những người chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang nói giọng Bắc, nhưng ngữ điệu và cử chỉ lại rất đỗi ấm áp, hiền hậu đã cùng các lực lượng giải phóng miền Nam thời kỳ đó tỏa đi khắp các làng để kiểm soát địa bàn và triển khai đồn, trạm. Dù khi đó mới 19 tuổi, chưa hiểu gì nhiều về lực lượng của những chiến sĩ quân hàm xanh, nhưng Trương Văn Tài vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Và, từ đây, Tài được các chú, các anh thuộc thế hệ đi trước giải thích về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của lực lượng mà mình đang phục vụ; được sống và cống hiến hết mình; được cảm nhận tình đồng chí, đồng đội chia ngọt sẻ bùi… Ông dần trưởng thành và nhanh chóng trở thành một chiến sĩ Biên phòng quả cảm.

Có người nói rằng, những đứa trẻ mồ côi thường khát khao tình yêu thương và đôi khi ích kỷ. Nhưng ở Thiếu tướng Trương Văn Tài, từ khi còn là một cậu bé lam lũ làm thuê cuốc mướn, đến một chiến sĩ biên phòng đầy hoài bão, rồi trưởng thành dần qua từng cương vị và trở thành một vị tướng, chưa bao giờ bạn bè, đồng đội nhận thấy ở ông một chút gì tư lợi cá nhân. Ông luôn xác định tư tưởng rằng, khi cấp trên giao nhiệm vụ gì, tập thể phân công công việc gì, hoặc tự bản thân mình làm được gì có lợi cho tập thể thì đều phải nỗ lực hết sức để thực hiện.

Hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới, chính chữ “cần” đã giúp Trương Văn Tài được kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Cũng chính chữ “cần” đã thúc đẩy một chiến sĩ trẻ măng mới học hết cấp 1 trường làng nỗ lực rèn đức, luyện tài, học bổ túc văn hóa để thi vào Trường đào tạo Sĩ quan Biên phòng 2. Chỉ sau một năm học tập tại trường, với bản tính cần cù, chịu khó học tập và trung thực, ngay thẳng, dễ hòa nhập… Trương Văn Tài đã được bầu làm chiến sĩ thi đua và vinh dự đại diện cho học sinh miền Nam đi dự Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của lực lượng CANDVT lần thứ 4 tại Hà Nội.

Chuyện về một vị tướng biên phòng

Thiếu tướng Trương Văn Tài

Sau ba năm rèn luyện, ra trường với quân hàm trung úy, năm 1982, Trương Văn Tài được điều về làm Đội trưởng Đội Vận động quần chúng đồn biên phòng Bình Châu. Sau ba tháng, ông được cấp trên điều động đảm trách vai trò Đồn phó Chính trị Đồn Biên phòng Long Hải, Đồng Nai. Đây là thời điểm khá nhạy cảm bởi đầu những năm 80, các thế lực thù địch vẫn đang điên cuồng thực hiện cái gọi là “chuyển lửa về quê hương”, tìm mọi cách lật đổ chính quyền cách mạng. Đặc biệt, chúng tổ chức lôi kéo người trốn đi nước ngoài và mua chuộc cán bộ của ta tiếp tay cho chúng.

Giữa những tháng ngày đầy biến động đó, vùng biển Vũng Tàu lúc nào cũng có cảm giác nặng nề như đang có những đợt sóng ngầm âm ỉ dưới đáy sâu, chỉ chực chờ cơ hội mà dềnh lên thành bão tố. Đã có nhiều cán bộ của ta bị tiền vàng làm lóa mắt, ngấm ngầm tiếp tay cho kẻ xấu.

Để nhanh chóng ổn định tình hình, nắm bắt tư tưởng của cán bộ chiến sĩ, Trương Văn Tài đã cùng Đồn trưởng Hồ Sĩ Lâm bắt tay vào việc chấn chỉnh nội bộ, củng cố đơn vị và khảo sát, bám nắm chặt chẽ tình hình địa bàn cùng mọi di biến động của đối tượng. Dẫu thiếu cán bộ chỉ huy, song với một quyết tâm cao, vừa đấu tranh với các âm mưu thủ đoạn của đối tượng, vừa tham gia củng cố cơ sở chính trị, chính quyền địa phương, xây dựng lòng tin của nhân dân… Đồn phó Chính trị Trương Văn Tài cùng Đồn trưởng Hồ Sĩ Lâm và tập thể cán bộ chiến sĩ đã lập được nhiều thành tích ngoài mong đợi.

Vững vàng trong mọi hoàn cảnh

Nhờ có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo đơn vị, sự đoàn kết, đồng lòng của đồng đội và tấm lòng thương quý, chở che của nhân dân mà trong những tháng năm công tác tại Long Hải, Trương Văn Tài đã trực tiếp tham gia nhiều kế hoạch nghiệp vụ, nhiều chuyên án đấu tranh với các đường dây đưa người vượt biên trái phép. Nhờ có sức khỏe, có kiến thức sâu rộng mà trong hàng chục lần trực tiếp truy bắt, trong hàng ngàn cuộc làm việc cân não với các đối tượng phản động, lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động người dân rời bỏ Tổ quốc, ông đều chủ động thuyết phục, tấn công và mang lại kết quả.

Hơn ba mươi năm sau nhìn lại thực tiễn chiến đấu, công tác tại Long Hải, Thiếu tướng Trương Văn Tài vẫn tâm đắc rằng, đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời ông. Thượng tá Nguyễn Văn Thống, Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu chân thành nói với tôi: “Được làm cán bộ thuộc quyền của anh Tài, chúng tôi cảm thấy rất vững tâm. Thủ trưởng thực sự là điểm tựa để chúng tôi thêm tin tưởng vào mỗi việc mình làm, mỗi hoạt động mà Đảng bộ, Bộ Chỉ huy đề ra”. Điều anh Thống nói, tôi tin là thực lòng. Bởi, bằng cảm nhận cá nhân, trong quãng thời gian ngắn ngủi trò chuyện cùng Thiếu tướng Trương Văn Tài, tôi có cảm giác rằng, ông là mẫu người đặc trưng cho sự hồn hậu, trọng nghĩa khí của những người Việt cổ xưa trong hành trình mở cõi phương Nam. Ngoài ra, tham chiếu vào những thành tựu mà BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được trong nhiệm kỳ Trương Văn Tài làm Chỉ huy trưởng (2005 - 2013), sẽ không quá lời khi nhận định rằng, có một thủ trưởng như vậy thì không vững lòng sao được.

Chuyện về một vị tướng biên phòng

Thiếu tướng Tài thăm và chúc Tết nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Trong gần 9 năm tại nhiệm, Chỉ huy trưởng Trương Văn Tài cùng Bộ chỉ huy nơi đây đã nâng vai trò, vị trí của lực lượng BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu lên một tầm cao mới. Riêng với các lực lượng có liên quan như Cảnh sát biển, Hải quan, Cảnh sát đường thủy, Chỉ huy trưởng Trương Văn Tài chủ trương tích cực hiệp đồng tác chiến, kết hợp nhịp nhàng trong mọi hoạt động. Cũng trong thời gian này, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đạt được nhiều thành tích trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu lớn và làm được nhiều việc cho lực lượng cũng như giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc.

Trong niềm vui mới được đón nhận quân hàm cấp Tướng tại Bộ Tư lệnh BĐBP một ngày đầu năm mới, thiếu tướng Trương Văn Tài bảo rằng, ông hiểu rất rõ nhiệm vụ tới đây của mình không chỉ là vinh dự mà còn thực sự là thử thách không thể xem nhẹ. Để đi trên hành trình đó thành công, ông mang theo hành trang là lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của một lực lượng hai lần được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là tình đồng đội vững bền qua sóng gió trùng dương đã kết tinh thành muối mặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về một vị tướng biên phòng