Chuyện ghi ở Tòa án nơi đầu sóng

Nguyễn Trung Thành| 23/02/2015 07:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đến tận trước 15/9/2014 vừa qua, Lý Sơn - hòn đảo được hình thành sau quá trình trào phun rồi đồng kết của 5 ngọn núi lửa từ hàng ngàn, hàng triệu năm về trước - vẫn chưa có điện, sóng điện thoại thì chập chờn, chỗ có chỗ không, vẫn là mịt mù hoang đảo.

Giờ, đứng bên bờ biển Sa Kỳ, người ta có thể nhìn thấy 5 cái miệng núi lửa ấy và các cột ba - zan đông kết tạo ra những khối đá đen xì nhóng nhánh tuôn chảy ra mãi về phía biển. Khắp đảo chỉ toàn đá là đá với bời bời cát trắng. Hoang vu như thế, đất đai trơ khấc, bạc màu như thế nên cuộc sống của người dân cũng như những cán bộ công tác ở đây từ xưa đến nay chưa bao giờ thôi khốn khó. Trong đó có tập thể cán bộ, công chức TAND huyện Lý Sơn...

Gian khó những ngày đầu thành lập

Cách đây đúng 21 năm (1/1/1993), khi Tòa án huyện Lý Sơn được thành lập, chị Đinh Thị Thu Thanh là một trong ba cán bộ đầu tiên xung phong ra đây công tác. Khi đó, huyện mới chia tách, lại nghèo, nên trụ sở Tòa án chỉ là căn nhà cấp 4 mượn tạm của Hợp tác xã An Hải, xập xệ, bé nhỏ, mong manh. Trong cái không gian chừng vài mươi mét vuông ấy, chị Thanh cùng với hai đồng nghiệp của mình phải sắp đặt sao cho vừa có Hội trường xét xử, vừa có phòng làm việc.

Chuyện ghi ở Tòa án nơi đầu sóng

Chánh án Phạm Văn Biểu (bên trái) trao đổi với phóng viên

Trụ sở đã vậy, nhà ở cũng không, tất thảy mấy anh chị em trong cơ quan đều phải đi tá túc nhà dân. Một thân một mình còn đỡ, chứ lúc bấy giờ hai đứa con chị Thanh còn nhỏ, bố mẹ chị thì mất sớm, chị đành phải đem theo cả hai con ra đảo. May mà mấy mẹ con xin ở nhờ được một gia đình gần đó, dù là tranh tre nứa lá nhưng dù sao cũng có chỗ nương thân. Phải mấy năm sau, chị mới vay mượn được ít tiền để mua được một xuất đất gần cơ quan, rồi dựng lên cái nhà nho nhỏ. Nhưng năm 2007, đứa con thứ hai lâm bệnh nặng, chị đã phải bán đi để lấy tiền chữa trị cho con. Giờ ba mẹ con lại tiếp tục “kiếp ở nhờ”.

Lý Sơn hiếm khi mưa thuận gió hòa. Nắng thì quánh quéo, mưa thì thối đất thối cát, từ sáng đến chiều vẫn một màu trời âm u đùng đục, đầu đêm đến cuối đêm một thứ âm thanh rả rích. Trung bình mỗi năm, hòn đảo như nét chấm vội giữa biển khơi này phải hứng chịu đến hàng chục cơn bão. Cứ trước mỗi mùa mưa bão, anh em trong cơ quan lại hè nhau trèo lên chằng buộc lại mái để đề phòng gió giật. Tính toán chu toàn là vậy mà không ít lần mưa gió vẫn vần vũ nhấc bổng mái nhà ném đi đâu đó. Phải mãi tới tháng 8/2012, tức là sau gần 20 năm thành lập, Tòa án huyện mới được cấp trên đầu tư, cấp kinh phí xây dựng trụ sở mới ở xã An Vĩnh, gần trung tâm huyện.

Kể từ ngày chuyển sang trụ sở mới, phòng ốc khang trang, không còn phải đối mặt với nỗi lo về giông gió nữa, nhưng anh em trong cơ quan vẫn phải đối mặt với muôn vàn cái khó khác. Cái khó hắt lên từ vài ba món đồ đạc cũ càng trong mấy căn phòng trống hoác. Ngay đến phòng làm việc của Chánh án Phạm Văn Biểu cũng chỉ có duy nhất chiếc tủ đựng hồ sơ với một bộ bàn ghế. Bộ bàn ghế ấy, cũng là đồ người ta thanh lý, anh Biểu mua về dùng tạm, chứ mỗi khi ngồi lên nó lắc lư, kẽo kẹt chả khác gì đưa võng. Phòng rộng chừng hai chục mét vuông, không có đồ đạc kê vào nên nó cứ thênh thang ra mãi, gió đuổi nhau chạy sầm sập trên nền gạch.

Nhìn trụ sở bề ngoài tinh tươm là thế, nhưng bên trong gần như phòng nào cũng giống nhau, trống huơ trống hoác. Cả cơ quan có mỗi 4 chiếc máy tính dùng chung cho cả 7 cán bộ, nhân viên. Nhưng trong 4 chiếc ấy cũng chỉ có hai chiếc là thường xuyên dùng được, 2 chiếc còn lại thì tậm tịt, lúc chạy, lúc không. Không chỉ máy tính mà hầu như tất cả các thiết bị điện tử, máy móc ở đây đều bị bầu không khí nhiễm mặn làm cho bong tróc, gỉ sét, hư hao nhanh chóng. Đến mấy chiếc xe máy của anh em cơ quan chăm chút duy tu, bảo dưỡng là thế mà cũng chỉ sử dụng được hơn năm là đã bong tróc gần hết lớp mạ bên ngoài.

Hiểm nguy chực chờ từ biển

Ngồi cạn một buổi chiều hanh hao gió cát, anh Biểu trăn trở mãi về cái khó, cái khổ của người dân Lý Sơn, cũng như của anh em trong Tòa án huyện. Ngoài thiếu điện, Lý Sơn còn phải chịu nỗi lo kinh niên là thiếu nước. Có lẽ chưa ở đâu lại có nghề phu nước như ở Lý Sơn. Khắp đảo, đào đâu cũng chỉ có nước nhiễm mặn. Nước trời thì hiếm quá.

Nhiều khi người ta phải bỏ tiền ra mua với mỗi mét khối nước giá hàng trăm ngàn đồng. Nước thiếu đến nỗi không ai giàu để dám tắm mỗi lần quá một, hai xô. Biển cả bao la. Nước xanh rợn ngợp mênh mông xung quanh mà một giọt nước cũng phải moi tiền ra mua. Người Lý Sơn bị khốn khó bủa vây giữa bốn bề tám bên là nước. Nhưng cũng may, có lẽ trời chưa tước đi sinh kế cuối cùng của người Lý Sơn nên ban cho hòn đảo này một cái giếng lúc nào cũng ắp đầy nước ngọt. Giếng đó gọi là giếng vua Gia Long, nằm gần tượng đài tưởng niệm Đội hải binh Hoàng Sa, cách mép biển vài chục sải tay.

Ngày chuyển sang trụ sở mới, anh Biểu cũng đã thuê thợ khoan cho một cái giếng phía sau, nhưng điện không có, phải chạy máy nổ. Có khi máy chạy ình ình cả tiếng đồng hồ cũng chỉ đủ hút lên từ lòng đất vài xô nước nhiễm phèn nhờ nhợ. Mỗi khi máy hỏng, mấy anh em trong cơ quan lại thay nhau mang can nhựa ra thồ nước về từ giếng Gia Long. Tuy có vất vả đôi chút nhưng nếu mua lại của “phu” thì mỗi can 30 lít cũng có giá lên đến cả chục ngàn, nên anh em thường động viên nhau: Tiết kiệm được chút nào hay chút đó.

Nhưng ở Lý Sơn, có những thứ muốn tiết kiệm cũng không thể được. Đó là tiền vé đi tàu cao tốc. Cơ quan có 7 cán bộ nhân viên thì có đến 4 người gốc gác đất liền. Vậy là cứ mỗi tuần, anh em đều đặn phải mất hai lượt đi và về bằng tàu cao tốc. Giá vé đồng hạng 110.000 đồng/ lượt, vị chi cả tháng mất gần triệu bạc. Vậy là ngoài chuyện phải chịu giá cả leo thang do các mặt hàng trên đảo đều cao hơn ở đất liền do công vận chuyển, đồng lương của anh em lại phải cõng thêm khoản vé tàu.

Đấy là chưa kể mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu từ Sa Kỳ ra đảo và ngược lại. Nhiều khi gia đình có công việc đột xuất như vợ ốm, con đau, tàu không có, anh em cũng đành phải chịu, chứ chả mấy ai dám đi nhờ thuyền cá của ngư dân. Bởi, kể từ sau đận anh Dương Văn Thiệt, cán bộ trong cơ quan đi nhờ vào đất liền lĩnh lương rồi bị sóng đánh trôi dạt trên biển đến cả tuần, vào tít mãi tận Bình Định, thì giờ không ai còn dám đánh cược sinh mạng mình vào những chuyến đi dằng dặc hiểm nguy chực chờ như thế.

Đến giờ, mỗi khi nhắc nhớ lại chuyến đi bão táp ấy, anh Thiệt vẫn cảm thấy rùng mình. Hôm đó, do phải vào đất liền để lĩnh lương cho tất cả cơ quan nên anh Thiệt đi nhờ tàu cá của một ngư dân khi họ đi mua hàng hóa. Lúc trở về, mới rời cảng Sa Kỳ được vài hải lý thì bất ngờ giông gió nổi lên, sóng cuộn bề bề. Tất cả những người có mặt trên chuyến đi hôm ấy, không ai dám tin mình còn sống. Họ bị trồi thụt, chao đảo, quăng quật, ngả nghiêng. Thuyền như chiếc lá tre bị gió cuốn đi ném ra giữa mênh mông sóng nước.

Suốt gần một tuần trời lênh đênh trên biển, anh Thiệt cùng bạn thuyền đã phải vận dụng tất cả những kỹ năng của người đi biển để duy trì sự sống. Đến ngày thứ 7, khi tất cả số lương thực và nước ngọt dự trữ trên thuyền đã cạn thì ngay cả người can trường và lạc quan nhất cũng nghĩ mình sẽ phải bỏ mạng vĩnh viễn giữa đại dương. Đúng lúc đó thì thuyền của anh Thiệt được tàu tuần tra của lực lượng biên phòng Bình Định phát hiện và cứu sống.

Có lẽ, sau lần trở về từ cõi chết ấy, anh đã không còn đủ dũng khí để lần nữa phó mặc số phận mình cho biển.

Công cuộc “xóa mù pháp luật”

Người dân ở Lý Sơn gần như quanh năm suốt tháng bị miếng cơm manh áo ghì sát đất, ít có điều kiện học hành và tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên mọi kiến thức nói chung cũng như kiến thức về pháp luật nói riêng còn rất mù mờ. Thế cho nên, thoảng hoặc vẫn còn có những ông chồng ham hố đèo bòng vợ nọ con kia. Thậm chí có ông còn ngang nhiên mang cả vợ bé về sinh con đẻ cái như trêu ngươi vợ cả. Cũng có nhiều bà vợ vì giận chồng mà toan đến Tòa mong giải thoát cho mình, thế nhưng chỉ cần nghĩ đến cảnh phải băng qua hàng nghìn con sóng dữ trên những chiếc thuyền câu để đến chốn công đường, họ đành ngậm ngùi cam phận.

Đàn bà Lý Sơn không được đi biển bao giờ, luật tục từ nghìn xưa đã thế, công việc chính của họ là quán xuyến việc nhà và ngồi tựa cửa chờ chồng. Và đến khi chồng về thì cố gắng sinh được những đứa con trai, để đi biển. Hàng ngàn năm nay vẫn vậy. Nhưng cái cách mà họ ngồi chờ chồng, và chung thuỷ, sự can đảm và cái tâm thế chấp nhận những người đàn ông có thể một ngày không trở về có lẽ cũng là một thứ truyền thống ngàn năm sinh ra từ sự nghiệt ngã và nham hiểm của biển cả. Đàn ông Lý Sơn nói biển là biển bạc. Biển bạc hôm nay cho họ cá tôm, ngày mai sẵn sàng đòi của họ thứ quý giá nhất là mạng sống. Đàn bà Lý Sơn nói biển là biển giả. Biển cho họ miếng ăn nhưng biển một ngày nào đó cướp đi của họ tất cả. Có người phụ nữ nào còn muốn sống khi biển cướp đi của họ cả cha, cả chồng, và cả những đứa con trai.

Thế cho nên, cũng chả biết do vô tình hay hữu ý mà năm 1993, vụ việc đầu tiên Tòa án huyện Lý Sơn thụ lý là vụ vi phạm chế độ một vợ một chồng. Kể từ đó, tình trạng “đa thê” mới bắt đầu thuyên giảm. Không chỉ vậy, trong nhiều năm liền, bằng những cố gắng không biết mệt mỏi, tập thể cán bộ, công chức Tòa án huyện đã góp phần rất lớn trong việc xóa đi “những khoảng trống mênh mông về pháp luật” cho những người dân xứ đảo. Nhờ thế, tình hình an ninh chính trị trên đảo cũng ngày được tốt hơn, tình trạng vi phạm pháp luật cũng ngày càng thuyên giảm. Nhắc đến những cam khó chực chờ phía trước, nhiều anh em trong cơ quan quả quyết rằng, dù có khó khăn thế nào họ cũng có thể cố gắng vượt qua. Giờ, điều họ cần và mong mỏi nhất là những cái ngoái nhìn từ phía đất liền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ghi ở Tòa án nơi đầu sóng