Chuyện chưa kể về vị già làng nổi danh một thời là “đại ca lâm tặc”

Thảo Xanh| 06/06/2014 13:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hơn 30 năm trước, ông là một tay “lâm tặc” thứ thiệt, từng “một tay che cả bầu trời”, làm mưa làm gió trên những cánh rừng gần biên giới Tây Ninh. Ông đã từng là nỗi ám ảnh của các chiến sĩ bộ đội, của lực lượng kiểm lâm.

Không ai ngờ được rằng, sau ngần ấy năm ăn ở với rừng, nay ông đã hoàn lương, trở thành một vị già làng mẫu mực của ấp Thạnh Hiệp. Câu chuyện về hành trình phục thiện của ông mãi là một giai thoại giữa cánh rừng Thạnh Hiệp này.

Ký ức một thời hào hùng

Nằm tách biệt với thị xã Tây Ninh, ấp Thạnh Hiệp (xã Thạnh Tân) giáp với vùng núi Tân Biên. Ngày trước, khu vực này toàn bộ đều là rừng già, người thưa thớt và phải giành giật từng tấc đất, miếng ăn với thú dữ. Trở về ấp Thạnh Hiệp nay đã đổi khác, những cánh rừng già năm xưa được đổi bằng rừng cao su xanh bạt ngàn. Con đường nhựa ngang qua ấp mang đến cuộc sống văn minh, đời sống của người dân dần được cải thiện. Tất cả đã đổi thay, chỉ có câu chuyện về ông Lâm Văn Sít, “vị đại ca lâm tặc” một thời làm mưa làm gió vẫn còn được kể mãi, như một giai thoại đẹp giữa vùng rừng núi âm u này.

Chuyện chưa kể về vị già làng nổi danh một thời là “đại ca lâm tặc”

Già làng Sít lần mở những tấm ảnh kỷniệm

Căn nhà của già làng đang xây dang dở, vẫn lợp nguyên mái lá. Trước cửa, bày nhiều dụng cụ sửa chữa xe đạp, xe Honda, chủ yếu là bơm vá cho các em học sinh trong ấp. Trước mặt chúng tôi là người đàn ông đã bước qua tuổi 60. Thoáng chút mệt mỏi ẩn sau thân hình tráng kiện, nhắc lại chuyện xưa, giọng ông chùng xuống, căn nhà như lặng lại. “Cái thời xa lắm, dễ đến cả mấy chục năm rồi. Hồi đó, đây là rừng già hết. Toàn bộ là rừng, du kích mình tập trung trên núi Bà Đen, còn dưới này, chỉ có người Tà Mun mình mới sống nổi thôi. Mình quen với rừng rồi”, mắt ông sáng lên khi những khoảng ký ức ấy quay trở về.

Năm 1972, ông Lâm Văn Sít và vợ bỏ đất Tây Ninh (nay là thị xã Tây Ninh) về vùng đất rừng thiêng nước độc Thạnh Hiệp làm ăn. Cuộc sống khó khăn, không thể làm gì ra tiền để nuôi 8 đứa con lần lượt ra đời. Ông chỉ còn biết cách bám lấy rừng để sống. Thế là hai vợ chồng chặt cây, đốt nương làm rẫy. Từng mảng rừng được thay bằng nương ngô, bãi sắn hay lúa. Nhưng do không có kỹ thuật, lại đang trong thời kỳ chiến tranh nên hai vợ chồng chẳng bao giờ làm đủ ăn cả.

“Bí quá, tôi bèn lên rừng đốn gỗ chở ra Tây Ninh bán. Rừng già toàn gỗ quý, sồi, hương, sến… đủ cả. Cứ vài ba ngày, tôi chặt đủ xe là đánh ra ngoài bán. Kiểm lâm năm lần bảy lượt ngăn lại, tôi hỏi, dân tộc mình nghèo quá, không đốt rừng, chặt cây thì lấy gì sống bây giờ? Bắt nhiều rồi cũng ngán. Nhưng hồi đó làm gì có tiền nộp phạt, không may bị bắt thì chỉ biết ngồi tù thôi…”, ông Sít tâm sự.

Sau năm 1975, hòa bình lặp lại nhưng cuộc sống của người dân vẫn hết sức khó khăn. Để có cái ăn, ông Sít vẫn phải bám trụ rừng. Với ý niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, lại được khu rừng thiêng bao bọc với biết bao chim muông, gỗ quý, những đứa con của ông lần lượt lớn lên rồi theo gót cha, trở thành cánh tay đắc lực giúp ông trong những chuyến đi rừng. Ngày ấy, gia đình ông là “nỗi ám ảnh” lớn đối với lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng, ông Sít được mọi người gọi với cái tên “đại ca lâm tặc”. Nhưng rồi đến khoảng những năm cuối thập niên 90 thì ông không thể tiếp tục làm nghề “lâm tặc” được nữa. “Trong một chuyến chở gỗ về thị xã, xe tôi bị bắt, không có tiền nộp phạt thế là con trai bị bắt bỏ tù. Từ đấy tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định chuyển nghề khác”, ông Sít ngậm ngùi kể lại.

“Đại ca” quay đầu hoàn lương

Vốn thuộc từng mô đất nhỏ trên cánh rừng sâu, không buôn gỗ nữa ông Sít bèn chuyển qua thồ hàng lậu qua biên giới bán cho người dân. Thuốc lá, rượu, xăng cho đến gạo, mì gói… Bất kỳ thứ gì người dân yêu cầu là ông bà đều đáp ứng. Tay chỉ vào chiếc xe đạp cũ kỹ dựng ngoài sân, ông Sít bồi hồi: “Đấy, hồi đó chỉ cần cái xe đạp vậy thôi, tôi buộc đủ thứ giấu dưới yên xe. Tôi có bị bộ đội chặn lại thì bảo mình là người dân tộc, không biết gì hết. Cứ thế những chuyến hàng chở về biên giới trót lọt. Mình được bộ đội biên phòng khuyên nhủ, nhiều lần bắt được phải bỏ cả hàng lẫn xe, nhưng không đi buôn nữa thì con mình biết ăn gì. Thế là lại đi thôi”.

Nhìn những đứa con dần trở nên hư hỏng, kiếm ra tiền quá dễ nên chúng sinh ăn chơi, trác táng, ông Sít đã rất băn khoăn. Cuối cùng người đàn ông Tà Mun ấy quyết định làm lại từ đầu, dù khi ấy đầu ông đã hai thứ tóc. Sau hơn 20 năm bám trụ rừng, số đất gia đình ông khai phá được trải dài trên mấy ngọn đồi. Không buôn gỗ nữa, ông quyết định cùng các con trở lại với công việc trồng hoa màu. “Nhưng rồi con phá phách, vợ lại đau ốm liên miên. Thế là tôi phải cắn răng bán dần số đất đó”. Chỉ tay về phía đồi cao su ngay trước mặt, ông cho biết, trước kia là đất của ông, chỉ có năm chỉ vàng thôi mà giờ nó thành rừng cao su, vàng lại chảy ra từ những rừng cây đấy.

Số đất còn lại ông chia tám phần, phân hết cho những đứa con và dựng vợ, gả chồng cho chúng. Đến nay, ông bà còn lại nền đất nhỏ làm nơi trú thân. “Năm 2000, tôi mở tiệm sửa xe này. Mình có được học hành gì đâu, tự mày mò mà sửa thôi. Hồi đó trong ấp chưa có chỗ nào sửa xe nên học sinh đi học khổ lắm. Thế là mình mở tiệm, làm những việc đơn giản như bơm vá, rút căm hay chỉnh sên xe… Đã 14 năm rồi đấy chứ, thế mà nó là chỗ dựa của hai vợ chồng già về cuối đời đấy”. Thế rồi được sự tin tưởng của chính quyền địa phương và bà con người Tà Mun, ông Sít được bầu chọn làm già làng, dẫu khi đó mới bước qua tuổi 50.

Dường như đôi chân của ông Sít chưa bao giờ được ngưng nghỉ, đi hết những con đường mòn trên cánh rừng Thạnh Hiệp, nay ông lại rảo bước khắp các xóm nhỏ, đến từng gia đình trong bản khuyên giải bà con đừng nên phá rừng đốt nương, cũng không đi buôn gỗ nữa. Nhà nào con cái hư hỏng, cờ bạc, rượu chè, ông đều đến thủ thỉ tâm sự. Bà Lâm Thị Út cho biết: “Trước kia thằng con tôi quậy lắm, đầu tóc thì nhuộm xanh nhuộm đỏ, rồi cờ bạc rượu chè suốt, không chịu lên nương phụ cha mẹ. May nhờ có già làng Sít mà giờ nó mới cưới được vợ rồi biết làm ăn đấy”.

Nhắc lại những ngày tháng khi mới hoàn lương, ông bảo nhớ nhất là năm 2002, hồi đó diễn ra Đại hội các dân tộc trên toàn quốc tại Hà Nội, ông và các anh em đại diện cho 54 dân tộc đã đến Hà Nội, có cuộc gặp gỡ với các đồng chí Bí thư, Chủ tịch nước. Ông Sít bảo: “Đó là một kỷ niệm đẹp, từ ngày nhỏ tới giờ mình bám rừng mà sống, có biết cái gì đâu. Thế mà khi không phá rừng nữa, làm người bình thường thì được đi Đại hội, rồi còn được đi thăm các tỉnh Tây Nguyên nữa”. Bàn tay ông lần giở những tấm hình kỷ niệm, kể cho những đứa cháu nghe về một thời hào hùng của ông.

Già làng gương mẫu của người Tà Mun

Ông Đoàn Thái Bình, trưởng ấp Thạnh Hiệp cho biết, trong ấp có khoảng 40 hộ dân tộc Tà Mun sinh sống. Họ chủ yếu là sống tập trung tại một khu. Với những tập quán riêng biệt, thường thì người dân chỉ nghe lời vị trưởng bản của mình. Từ ngày ông Lâm Văn Sít lên làm trưởng bản đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc ổn định nếp sống, văn hóa của người dân.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện chưa kể về vị già làng nổi danh một thời là “đại ca lâm tặc”