Chuyện chưa kể về con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc (Kỳ cuối): Gửi tuổi xuân vào đá

Họ Phan| 31/03/2015 07:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những nữ công nhân ở công trường Hạnh Phúc ngày ấy, bây giờ đã có nhiều đổi khác. Dù thời gian có làm cho đôi mắt mờ đi, cho đôi chân chậm lại thì họ, những nữ thanh niên xung phong năm nào vẫn sống trọn với ký ức về một con đường mang tên Hạnh Phúc.

Ngày ấy-bây giờ

Nhiều cựu thanh niên xung phong đoàn tụ trong ngày kỉ niệm 50 năm con đường Hạnh Phúc, ngồi lại với nhau kể chuyện ngày xưa, trong số đó có cả những nữ cựu TNXP, thời đó họ đang ở độ tuổi trăng rằm, nghe theo tiếng gọi của Đảng, quyết tâm lên đường đến với cao nguyên đá để làm nên một con đường đi tới tương lai.

Tôi nhớ nhiều về cuộc trò chuyện với các đồng chí đang công tác ở phòng Tư pháp huyện Yên Minh, họ nói về những người đã đánh đổi cả tính mạng của mình để xây dựng nên con đường mang tên Hạnh Phúc ấy.

Hồi đó, có cả một đội tiên phong sẵn sàng “cảm tử” để mở đường cho các đơn vị phía sau làm đường được thuận lợi, dễ dàng hơn. Họ là những nam, nữ thanh niên xung phong đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, tình nguyện gửi tuổi thanh xuân vào đá để làm nên trang sử mới cho mảnh đất địa đầu.

Chuyện chưa kể về con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc (Kỳ cuối): Gửi tuổi xuân vào đá

Bà Nguyễn Thị Mai

Bà Nguyễn Thị Mai (70 tuổi trú tại thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, Hà Giang) là một trong những nữ thanh niên xung phong lên Hà Giang làm đường, dù đã 50 năm trôi qua nhưng bà vẫn nhớ như in từng thời khắc gian khổ lúc bấy giờ. Bà kể: “Ngày đó khó khăn vô cùng, thiếu thốn trăm bề, nhưng chúng tôi vẫn hừng hực khí thế quyết làm cho bằng được con đường Hạnh Phúc. Cho đến bây giờ, khi con đường ấy đã trở thành huyền thoại, trở thành điều kỳ diệu đối với bà con dân bản nơi đây thì nhiều lúc tôi vẫn tự hỏi tại sao ngày ấy chúng tôi lại làm nên kỳ tích đó”.

Bà Mai nhớ lại những ký ức và bảo rằng, năm đó, người yêu bà đang dạy học ở một bản xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang, ý nghĩ muốn góp sức mình để làm nên con đường cho người yêu đi dạy học đỡ vất vả, đã đưa bà lên với tỉnh Hà Giang đá nhiều hơn đất này.

Vậy là năm 1964, bà Mai đã xung phong lên Hà Giang làm đường trong sự ngăn cản, phản đối quyết liệt của gia đình ở Thái Bình. Nhưng, ngoài tình yêu đôi lứa, còn có tình yêu với đất nước, bà quyết tâm khăn áo lên đường. Lên đến công trường Hạnh Phúc, bà Mai được giao nhiệm vụ lo cơm nước cho anh em công nhân, ngoài ra, bà còn đập đá, bắn mìn.

Còn với bà Ngô Thị Sóc (sinh năm 1943), trở về từ công trường Hạnh Phúc, bà ở vậy cho tới tận bây giờ. Căn nhà nhỏ cũ kỹ, ọp ẹp ở thị trấn Mèo Vạc dường như quá sức, khi phải chứa đựng bao nỗi lo âu, buồn phiền của bà những năm qua. Trên gương mặt của người nữ thanh niên xung phong ngày ấy hằn lên vết thời gian, bà buồn tủi khi nhắc đến chuyện xưa, chuyện gia đình ép duyên.

Không bằng lòng với việc phải chung sống với người mà mình không yêu thương, bà bỏ nhà lên công trường Hạnh Phúc làm công nhân. Cuộc sống tuy vất vả, thiếu thốn nhưng tinh thần bà được thoải mái và bà yêu công việc ấy, yêu đến độ khi con đường Hạnh Phúc hoàn thành, bà đã quyết gắn cuộc đời mình với mảnh đất nhiều khó khăn này.  

Họ là những nữ anh hùng

Những cựu thanh niên xung phong làm đường cho biết, kể từ khi khởi công cho đến khi con đường được đưa vào sử dụng, đã có rất nhiều nữ thanh niên xung phong đang ở độ tuổi trăng rằm mãi mãi không trở về. Những cái tên như Nguyễn Thị Ranh (SN 1941, ở huyện Quản Bạ, Hà Giang) và Bạch Kim Hiển (SN 1943, ở Chi Lăng, Lạng Sơn) vẫn thường xuyên được nhắc đến dù họ đã vĩnh viễn nằm lại trong đá.

Chị Hiển là nữ thanh niên xung phong nằm trong đội “cảm tử”, đi trước mở đường, nhưng vì không may mà rơi xuống vực sâu rồi hy sinh. Chính những tấm gương ấy đã khiến những nữ thanh niên xung phong quyết tâm bám trụ với mảnh đất đầy gian khó này cho đến khi công trình được hoàn thành.

Chuyện chưa kể về con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc (Kỳ cuối): Gửi tuổi xuân vào đá

Bà Sóc kể chuyện về những ngày gian khổ trên công trường Hạnh Phúc

“Thời gian làm công trường ở đây đối với bất kỳ một nữ thanh niên xung phong nào cũng thế, phải nói là rất cực nhọc. Có những cô gái vì nhiệt huyết của tuổi trẻ, có những người vì tình yêu và cũng có người có hoàn cảnh như tôi mà quần tụ về chốn này. Chúng tôi làm việc không ngừng nghỉ một ngày, mặc dù thiếu thốn đủ bề nhưng vẫn quyết tâm làm đến khi nào con đường hoàn thành mới thôi”, bà Sóc tâm sự.

Những nữ thanh niên xung phong vẫn nhớ như in rằng, khi con đường được mở đến Đồng Văn, lãnh đạo khu ủy Việt Bắc có Chỉ thị và cũng đặt ra câu hỏi xem những ai còn tình nguyện ở lại làm tiếp đoạn đường gian nan nhất, từ Đồng Văn xuống Mèo Vạc, chạy qua đỉnh Mã Pì Lèng thì xung phong, khi ấy đã không còn nhiều cánh tay giơ lên...

Bà Sóc cho biết, đã có quá nhiều người hy sinh trên cung đường này, vì thế mà xuất hiện tâm lý lo lắng, nhưng không vì thế mà mọi người nản chí. Trên công trường không có việc gì là chị em phụ nữ không làm được từ xách nước, đào đá, đục đá cho tới nhiệm vụ nổ mìn phá đá.

Năm tháng đã lùi xa, những nữ thanh niên xung phong thời đó vẫn nhớ về những ngày gian nan mở đường, khi con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc hoàn thành cũng đã se duyên cho biết bao đôi lứa. Những nữ TNXP ngày đó đã dành trọn cuộc đời mình cho cung đường huyền thoại, có người đã trở về, có người đã hòa mình vào đá, nhưng họ thật sự là những người anh hùng, sống hết mình vì tình yêu quê hương, đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện chưa kể về con đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc (Kỳ cuối): Gửi tuổi xuân vào đá