Ba Nang “khát” điện

28/08/2013 10:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ bao năm nay, người dân xã Ba Nang, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị phải sống trong cảnh tối tăm vì không có điện. Ước mơ “được thắp sáng” của hơn 50 hộ dân ở đây mỏi mòn hết năm này qua năm khác.

Có những con người sinh ra, lớn lên và chết đi mà chưa hề được biết đến thứ ánh sáng nào khác ngoài ánh sáng đèn dầu…

 

Mỏi mòn vì điện

 

Cũng giống như các bản làng vùng cao khác, ngoài chuyện miếng cơm manh áo, người dân Alang đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với vô vàn những nỗi lo. Trong số đó, rất nhiều nỗi lo xuất phát từ nguyên nhân không có điện. Phần lớn các hộ gia đình ở đây hiện đang sống trong những căn nhà tạm bợ, trống hoác, chạy ăn từng bữa. Những con người ấy lúc nào cũng chỉ ước mơ đến một ngày nào đó được xem ti vi, được ngồi hóng gió trước cây quạt điện, trẻ con học bài không phải cắm cúi trong ánh đèn dầu.

 

Ba Nang “khát” điện

Các hộ dân sống thưa thớt 

 

Từ TP Đông Hà, sau khi vượt gần 100km đường rừng, chúng tôi có mặt tại xã Ba Nang, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị. Suốt hai bên con đường ngầu bụi là những căn nhà lụp xụp như những chiếc lá mục rơi nghiêng. Lẫn trong màu xanh ngút ngát của cây, thảng hoặc mới thấy có vài ba căn nhà kiên cố. Nằm ngay đầu bản Alang, cạnh con đường liên xã là nhà của gia đình anh Hồ Văn Khanh. Anh Khanh người dân tộc Vân Kiều, ngoài 40 tuổi, dáng người mảnh khảnh. Trong căn nhà nhỏ của hai vợ chồng anh chẳng có gì đáng giá. Nhà sàn, mái lợp lá cây, tường dựng bằng mấy tấm ván gỗ cũ, gió lồng lộng thốc vào. Thấy người lạ, mấy cha con anh cứ khấp khởi mừng, tưởng chúng tôi là cán bộ ngành điện. Anh Khanh bảo: “Cả thôn, cả xóm này ai cũng mong có điện, nên thấy cô chú, anh cứ tưởng cán bộ về kiểm tra, khảo sát để xây dựng đường điện cho dân. Trước cũng đã có mấy lượt đoàn cán bộ về rồi nhưng mãi không thấy dựng được cái cột nào”.

 

Anh Khanh cho biết, từ nhiều năm nay, người dân ở đây phải thắp sáng bằng dầu mazut, mỗi tháng được Nhà nước hỗ trợ 30.000 đồng. Hầu như gia đình nào trong bản cũng có một chiếc đèn dầu tự chế, làm từ vỏ lon bia Sài Gòn, mọi sinh hoạt của người lớn đến chuyện ăn uống, học hành của lũ trẻ đều nhờ vào thứ ánh sáng đó. Hai con trai của anh Khanh là Hồ Văn Tom (lớp 4) và Hồ Văn Tuyên (lớp 3) tối nào cũng cắm mặt vào vở, “chữ tác đè chữ tộ”, bò loằng ngoằng như rắn. Đến cái bàn học, chúng cũng không có nốt, cả anh và em đều bò dài trên đất, sách kê lên cái phên tre. Ở Ba Nang, trong khi nhiều đứa trẻ phải giúp gia đình trồng ngô, trỉa lúa trên nương thì chuyện Tom và Tuyên được bố mẹ “đầu tư” cho đi học đã là điều may mắn lắm rồi. 

 

Ba Nang “khát” điện

Hai đứa con của anh Khanh đang ngồi học

 

Đang nói chuyện, mấy đứa con anh Khanh ào lên khi thấy mẹ đi chợ về. Đứa thì đôi dép, đứa thì cuốn sách cuốn vở, còn riêng anh Khanh được vợ sắm cho đôi ủng để lên nương. Tất cả những thứ đó, vợ anh Khanh, chị Hồ Thị Dla mua bằng tiền tài trợ. Cuộc sống quá chật vật nên mỗi khi có đoàn thiện nguyện hoặc những nhà hảo tâm từ xa đến là bà con mừng lắm, bởi nhờ thế mà họ có cơ hội được nhận quà. Chị Dla tâm sự, vừa rồi gia đình chị được một công ty vàng bạc đá quý hỗ trợ một triệu đồng để mua sách vở cho lũ trẻ vào năm học mới. Lội bộ hơn chục cây số đường rừng xuống chợ, chị cũng chỉ dám tiêu có hai trăm ngàn, số còn lại để dành.

 

“Tôi cũng định mua ít thịt về cho con, nhưng nghĩ sắp tới còn nhiều khoản chi tiêu nên lại thôi. Nhớ cái đận tháng 10 năm ngoái, thằng Tuyên bị sốt vi rút, tôi chạy từ đầu bản đến cuối bản mới vay được hơn trăm ngàn. Lên đến viện chưa đủ làm cái xét nghiệm, bố nó lại phải quay ngược về đem nốt gần tạ thóc đi bán. Con khỏi ốm thì gạo trong nhà cũng hết, suốt một thời gian dài cả nhà phải khoai sắn qua ngày. Người lớn thì không sao, trẻ con ăn vài bữa bụng nóng như hòn than, sôi òng ọc. Nhiều lúc nghĩ cũng thương con, nhưng tôi chẳng biết phải làm sao, chỉ tại mình nghèo quá. Kể từ đó đến giờ, ai cho tiền tôi cũng chỉ dám tiêu dè, còn lại để dành lúc ốm đau”, chị Dla ngậm ngùi.

 

Và, trường hợp nghèo như gia đình anh Khanh, chị Dla không phải là ngoại lệ ở Ba Nang. Thu nhập chính của người dân nơi đây dựa cả vào nương rẫy, bữa đói nhiều hơn bữa no, sắn ngô nhiều hơn cơm gạo. Đến Alang, vào bữa cơm trưa mà chỉ thấy lác đác vài nhà lên khói. Anh Khanh cho biết, bà con ở đây ăn ngày hai bữa, thức ăn chủ yếu là rau rừng, cá thịt thưa thớt. Với họ, được ăn cơm trắng no bụng đã là một ước mơ. Ở bản thường xuyên có mấy mối buôn lui tới nhưng vì đường xá xa xôi, giá cả hàng hóa đội lên đắt đỏ, có khi cao gấp mấy lần ở dưới xuôi, người dân có muốn mua cũng đành chịu.  

 

Khắc khoải trong hy vọng  

                      

Men theo con đường gồ ghề, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Hồ Văn My, Chủ tịch xã Ba Nang. Do đặc thù công việc, anh My phải sắm một chiếc bình ắc quy về làm nguồn điện thắp sáng trong nhà. Khổ nỗi, nhà đông người, cái bóng nhỏ, ánh sáng leo lét, chập chờn nên mọi sinh hoạt cũng chả đỡ bất tiện hơn là bao. Mà chiếc bình ắc quy đó cũng chỉ dùng thắp được một bóng đèn nhỏ, lúc nào có khách mới dám bật lâu, còn chủ yếu anh My vẫn phải dùng đèn dầu. Anh Hồ Văn Toàn, em trai anh My chia sẻ: “Đã mất tiền mua bình ắc quy lại còn tiền nạp điện nữa chứ, mỗi tháng cũng ngót nghét gần trăm ngàn, nhưng dùng có thoải mái đâu. Muốn mua tivi về xem giải trí, học tập kinh nghiệm làm ăn của bà con các nơi cũng chịu. Nói chung, không có điện, chúng tôi ở đây khổ lắm!”. 

 

Ba Nang “khát” điện

Anh Hồ Văn Toàn: “Chỉ khi nào nhà có khách, tôi mới dám dùng ắc quy để thắp bóng điện”

 

Không chỉ có điện là thiếu thốn duy nhất của ALang mà còn rất nhiều khó khăn khác đang ngày ngày đè nặng lên cuộc sống của bà con. Anh Toàn cho biết thêm: Nhiều năm qua, dù đã được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng bản ALang vẫn là bản nghèo. Ngoài chuyện chưa có điện chiếu sáng, các điều kiện sinh hoạt thiết yếu khác của người dân vẫn còn thiếu thốn, đường giao thông đi lại còn khó khăn, mỗi khi có bệnh tật, bà con phải rất vất vả mới lên được trung tâm xã, trung tâm huyện để khám bệnh.

 

Về Ba Nang, hình ảnh quen thuộc nhất vẫn là cảnh các em nhỏ gùi dứa trên nương, có đứa thì gùi củi, có đứa lại gùi măng, giữa cái nắng như thiêu như đốt, các em không có lấy cái mũ đội đầu. Mặt đứa nào cũng nhem nhuốc, đỏ ửng lên vì nắng. 

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Hồ Văn Biệt, Phó Chủ tịch xã Ba Nang cho biết: Toàn xã Ba Nang có 9 thôn thì có đến 4 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, đó là thôn Ngược, thôn Bù, thôn Cốc và Alang. Thôn xa nhất cách trung tâm xã đến 15km đường rừng. Xã có hơn 530 hộ với xấp xỉ 3.000 nhân khẩu thì phần lớn là người dân tộc Vân Kiều và Pa Cô, nên nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Đồng bào ở đây sống nhờ vào làm nương, làm rẫy, việc canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên nên bắt đầu từ tháng 8 hàng năm trở đi nhiều gia đình rơi vào cảnh thiếu ăn. 

 

Khi được hỏi vì sao Alang cách trung tâm xã chỉ chừng hơn 3km mà không có điện, anh Biệt cho hay: Đường dây điện được kéo đến trung tâm xã thì dừng lại nên điện không về tới Alang. Còn các thôn khác thì do địa bàn hiểm trở, người dân sống rải rác, không tập trung nên chi phí xây dựng dàn trải, tốn kém. UBND xã Ba Nang cũng đã có công văn gửi lên cấp trên, nhưng cũng phải chờ đợi thôi.

 

Chúng tôi rời Ba Nang khi bóng đêm dần phủ, bản làng im lìm như chìm trong giấc ngủ. Suốt một chặng đường dài, thảng hoặc mới thấy leo lét một vài đốm sáng. Hy vọng rằng, trong thời gian sắp tới, vấn đề cung cấp điện cho bà con xã Ba Nang sẽ được chính quyền các cấp quan tâm và thực hiện, để cuộc sống của những người dân nơi đây bớt đi phần u tối.

 

Đan Lê

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Nang “khát” điện