30 năm lặng lẽ đưa đò

Duy Ngợi| 21/09/2014 08:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông ngồi đó, khuôn mặt vẫn đăm chiêu và nhìn về phía xa nơi, không lâu nữa sẽ có một chiếc cầu nối hai bờ sông Đuống. Ngót nghét đã 3 thập kỷ trôi qua, với một người lái đò bên cạnh niềm vui chung dường như vẫn còn đó những ưu tư, trăn trở.

Chúng tôi tìm về bến đò Châu Cầu I, thôn Châu Cầu, xã Châu Phong (Quế Võ, Bắc Ninh) vào một ngày cuối tháng Tám, nơi ông Nguyễn Hữu Thuần và nhân viên bất kể ngày đêm vẫn chèo lái những con đò đưa khách cập bến an toàn.

Trên bến đò này, cứ 5-10 phút lại có người lên, xuống đò. Kẻ đi xe máy, người xe đạp, thậm chí có những chiếc xe kéo chở hàng cồng kềnh đi đến chờ xuống đò sang sông. Ngồi vừa rót trà mời khách, ông Thuần vừa nhớ lại: “Ông cụ thân sinh tôi chèo đò tại khúc sông này từ năm 1966. Cả cuộc đời gắn với sông nước, đến lúc cụ nhắm mắt xuôi tay cũng tại bến đò này”. Ông nhớ ngày còn bé được bố cho ra đây tập bơi lội. Càng lớn dần lên, ông được học cách cầm cán chèo và làm quen với từng con sóng, bãi cát, bờ tre của khúc sông quê. Sau 3 năm đi bộ đội bị mất một ngón tay cái trong một lần gỡ mìn, đến năm 1982, ông Thuần xuất ngũ và bắt đầu nối nghiệp bố làm “người đưa khách sang sông”. Sáu năm sau, chàng trai lái đò lập gia đình cùng với một cô gái cùng thôn, từ đó hai vợ chồng mỗi người trông coi một bến đò.

Năm tháng qua đi, cậu bé Thuần ngày xưa giờ đã bước vào tuổi ngũ tuần với thâm niên 30 năm chèo đò đưa khách qua sông. Với ông, niềm vui cũng nhiều mà nỗi buồn cũng không ít. Cuộc đời ông hầu như quanh năm, suốt tháng chỉ biết sống với bến đò, khúc sông. Xa nó, ông không khỏi bồi hồi.

30 năm lặng lẽ đưa đò

Chân dung ông lái đò Nguyễn Hữu Thuần. Ảnh Duy Ngợi

Ngần ấy năm với bao sóng gió dập vùi, ngoài việc đưa khách sang sông, ông Thuần còn là vị cứu tinh của những thuyền bè, nạn nhân chới với giữa dòng nước xiết. Một buổi tối năm 2004, có một bà ngoài 60 lên đò ra đến giữa sông thì lao xuống giữa dòng nước xiết. Bà này nặng lắm, ông Thuần cùng mấy thanh niên trên đò hì hục mãi, vừa ném phao can, vừa vùng vẫy một hồi lâu dưới nước mới đưa được bà ấy lên. Một lần khác trong giấc ngủ chập chờn thì giật mình nghe tiếng kêu thất thanh của một người vạn chài. Lập tức ông vùng dậy, dùng đèn pha chèo đò ra nơi phát ra tiếng kêu cứu. Chiếc thuyền tre thủng mạn chìm dần, vợ và con người vạn chài không biết bơi, ông phải ném can nhựa xuống để họ bám chặt chiếc can rồi lựa thế kéo lên. “Khi cứu người yêu cầu quan trọng nhất là phải nhanh nhưng đồng thời cũng phải lựa thế, không được làm ẩu để phương tiện bị nạn tránh được mũi đò, nếu đâm trực diện, không những không cứu được người ta mà còn giết họ nữa!”

Hiện giờ, ông Thuần có 3 chiếc đò, trong đó có 2 chiếc lớn (mỗi chiếc trị giá 260 triệu) chuyên chở hành khách và hàng hóa. Chiếc còn lại thì thường neo đậu ở bến chỉ để những lúc cấp bách là ông chèo lái ra sông. Đội lái đò của ông giờ có hai người, đó là những người ông tuyển chọn và đào tạo rất kỹ lưỡng. “Trong việc tuyển lái đò, dù có bằng mà khi chạy thử không đúng ý là ông không nhận đâu. Với nghề lái đò, đừng bao giờ nói chuyện rút kinh nghiệm vì sơ suất chút là ân hận suốt đời!”, anh Nguyễn Văn Trung, người hơn một năm lái đò cho ông Thuần cho biết. Hai thợ chèo đò của ông Thuần người trẻ nhất cũng đã trên 30 tuổi mà đầu đã 2 thứ tóc, mặt sạm đen vì sông nước.

Nỗi lòng ông lái đò

Qua quan sát của chúng tôi, dọc bờ Bắc sông Đuống từ xã Đức Long tới Châu Phong chỉ độ 5km mà có tới 4 bến đò ngang hoạt động. Hằng ngày, hàng ngàn lượt người từ xã Châu Phong sang xã Thái Bảo, Vạn Ninh (huyện Gia Bình) qua lại nên an toàn trên từng chuyến đò luôn là mục tiêu hàng đầu đối với những người lái đò trên khúc sông nối hai bờ sông Đuống. Ba thế kỷ trôi qua, ông Thuần cũng không nhớ rõ đã đưa bao nhiêu người qua sông để buôn bán, học hành, làm việc... Trong số những người khách ấy, có những người ông nhớ mặt, nhớ tên. Mỗi khi có người quen đi đến, ông đã nhanh miệng hỏi thăm “Hôm nay đi đâu về mà muộn vậy, chồng con đang chờ sốt vó ở nhà” hay “Chiều nay lên chợ mua được những gì hở bác?”. Cứ mỗi chuyến đò qua sông an toàn, trên khuôn mặt sạm đầy sương gió của ông lại ánh lên niềm vui.

30 năm tròng trành nơi sóng nước, ông Thuần dường như đã thuộc nằm lòng từng ngõ ngách trên khúc sông này. Với người lái đò, trách nhiệm rất nặng nề vì mỗi lượt qua sông, hàng chục sinh mạng đều trông đợi ở sự cẩn trọng và thông thạo sông nước của mình. Theo ông, khó khăn nhất là khoảng tháng 6 đến tháng 9, khi đó, nước sông Đuống dâng cao và nhiều đoạn chảy xiết, chỉ cần một chút sơ sẩy, đò có thể sa vào vùng nước xoáy, lúc đó hậu quả không lường. Do vậy, ông cùng với những người lái đò của mình phải luôn biết cách chế ngự, lựa dòng, gối sóng thoát hiểm. Ngày trước, dòng sông Đuống còn hiền hòa với những rặng tre râm mát hai bên bờ nhưng từ khi có những chiếc thuyền hút cát liên tục hoạt động, dòng chảy, độ sâu của sông ngày càng khó lường.

30 năm lặng lẽ đưa đò

Bao năm qua, bến đò Châu Cầu luôn nhộn nhịp khách lại qua nhưng vẫn an toàn. Ảnh Duy Ngợi

Với những đóng góp của mình, ông đã được Cục Đường thủy nội địa tặng giấy khen vì “Đã có thành tích nhiều năm phục vụ tốt an toàn giao thông đường thủy nội địa” năm 2006. Ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết: “Ông Nguyễn Hữu Thuần là một người luôn nhiệt tình, có trách nhiệm cao trong công việc. Trong hàng chục năm qua, chính quyền địa phương đánh giá cao về công việc và những đóng góp của ông trong việc vận chuyển người và hàng hóa qua lại giữa hai bên bờ sông Đuống đoạn qua thôn Châu Cầu mà không để xảy ra tai nạn nào đáng tiếc. Hàng năm, bến đò Châu Cầu I do ông Thuần làm chủ luôn được Ban An toàn giao thông đường thủy nội địa Tỉnh đánh giá đủ tiêu chuẩn hoạt động. Bến đò Châu Cầu I nhiều năm liền được công nhận là bến đò kiểu mẫu của tỉnh Bắc Ninh về sự an toàn cũng như thái độ phục vụ hành khách qua lại”.

Từ giã bến đò Châu Cầu I, chúng tôi chợt nhớ tới câu hát: “Gọi đò ơi! Cớ sao không có ai đưa đò?”.  Năm năm nữa hay sớm hơn, chiếc cầu nối hai bờ sông Đuống trên khúc sông này sẽ hoàn thiện, khi đó, những bến đò như Châu Cầu I sẽ còn chỉ là dĩ vãng. Nhưng hiện tại, việc làm thầm lặng của ông lái đò Nguyễn Hữu Thuần vẫn là một “chiếc cầu phao” để bà con qua lại giữa dòng nước cuộn trôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
30 năm lặng lẽ đưa đò