30 năm cả làng leo lét trong ánh sáng đèn dầu

Huy Hùng| 27/11/2014 07:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cách thành phố Phủ Lý (Hà Nam) chừng 15km, tuy nhiên đã gần 30 năm nay, hàng trăm hộ dân thôn Thanh Sơn (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam) vẫn phải sống trong cảnh tăm tối như thời “nguyên thuỷ”.

Thôn Thanh Sơn được thành lập năm 1985, theo chính sách kinh tế mới nội địa của tỉnh Hà Nam. Các hộ dân chủ yếu từ thôn Bồng Lạng (Xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam) vào vùng kinh tế mới khai hoang. Cũng từ đây 100 hộ dân ở thôn Thanh Sơn sống trong tối tăm, chưa một ngày có điện. 180 hộ còn lại thì có điện cũng như không, bóng đèn, tivi, nồi cơm thường xuyên chập cháy do các thiết bị bật tắt liên tục vì điện nguồn quá yếu. Cái nghèo cũng từ đây mà ra.

Không điện dần cũng quen

Chúng tôi đi qua con đường chỉ rộng 2 - 3 mét, đầy đá hộc với “ổ voi”, “ổ gà”, hai bên là khe suối sâu hun hút khoảng 6km là đến xóm 3 - Động Đình của thôn Thanh Sơn - xóm vẫn được coi là “vùng sâu vùng xa” ít được quan tâm nhất trong thôn.

Đã gần 30 năm nay, người dân trong xóm 3 gần như không biết đến ánh sáng của đèn điện. Thôn Thanh Sơn có ba xóm, xóm 3 thì hoàn toàn không có điện, còn 2 xóm với 180 hộ dân thì tiếng là có điện, nhưng điện cũng không đủ để thắp sáng.

Dường như buổi tối ở đây đến sớm hơn, nhà cửa thưa thớt, không gian yên ắng, không tiếng trẻ con cũng chẳng xe cộ đi lại. Bóng tối bao trùm núi rừng, thỉnh thoảng đâu đó mới lấp ló một mái nhà, mà cũng chỉ nhận ra được ở đó có nhà bởi cái ánh sáng le lói từ những chiếc đèn dầu đỏ lòm. Trong nhà phát ra tiếng í ới giục con trẻ học bài. Những ngọn đèn ấy được dành để thắp sáng cho không gian bàn học của bọn trẻ.

Ở đây trẻ con, học sinh từ mẫu giáo đến cấp 3 đều được gửi nhà người quen trên thôn Bồng Lạng để tiện cho việc đi học. Ai có người quen ở đâu thì gửi ở đó, không ông nội thì ông ngoại. Cả tuần bố mẹ mới đón con cái về chơi thứ 7, chủ nhật. Ðiện lúc mờ, lúc tỏ, phải thắp đèn dầu, đèn ắc - quy, quạt chỉ có sự chuyển động của cánh, chứ mát sao được khi mà thứ gió phát ra chỉ phe phẩy như đuổi muỗi. Nghĩ chạnh lòng mà cũng thấy cảm phục những con người nơi đây. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng họ vẫn cố gắng cho con em mình được đi học những mong chúng có tương lai hơn.

30 năm cả làng leo lét trong ánh sáng đèn dầu

Các cột điện ngổn ngang, dây điện vẫn nằm dài dưới đất và đầu điện cũng không hề được nối đến các trạm điện

Không gian và cuộc sống của những con người ở đây chẳng khác núi rừng Tây Bắc, nó khác biệt với cuộc sống phồn hoa, nhộn nhịp bên dưới kia, nơi có hàng loạt các nhà máy xi măng, đèn điện sáng rực trời, ô tô chạy rầm rầm suốt đêm.

Một hộ dân ở đây chia sẻ: “Bao nhiêu năm sống không có điện cũng quen rồi, tối đến thì thắp đèn dầu và nến. Nhiều khi hết nến, hết dầu thì chỉ còn cách là đi ngủ, chứ mua cũng không có mà xin cũng không được vì xa”.

Thứ quý giá nhất đối với người dân nơi này là chiếc đèn dầu và bình ắc quy. Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng đủ tiền để có thể sắm một bộ ắc quy, đèn compact. Gia đình nào khá giả lắm mới sắm được bình ắc quy tích điện và cũng chỉ dám dùng một cách dè sẻn, thắp chiếc bóng compact 5W. Gia đình nào có trẻ nhỏ, nóng lắm họ mới dùng tới quạt chạy bằng ắc quy. Rồi hàng tuần lại phải chở bình ắc quy xuống những vùng có điện để nạp một lần. 

Ở đây có gia đình ông Soát có tiếng ở khu về “độ chịu chơi” khi sắm tới 4 bình ắc quy và chiếc tivi đen trắng đã là có điều kiện nhất làng rồi. Cách mà những hộ có ti vi ở đây duy trì “nguồn năng lượng” là tuân thủ nghiêm ngặt quy định: Chỉ xem thời sự tối, nếu có phim hay lắm thì hẹn giờ để xem một ít thôi, còn giữ bình điện được lâu. Cả khu dân cư có đến gần 300 nhân khẩu cũng chỉ có chưa đến 10 chiếc ti vi để xem, nên nhà ai mà bật ti vi là cả xóm vào xem chung.

30 năm cả làng leo lét trong ánh sáng đèn dầu

Những chiếc tivi cũng chỉ để làm cảnh vì không có điện để xem, nếu có thì cũng tậm tịt, lúc bật, lúc tắt không chạy nổi

Cuộc sống của người dân nơi đây cứ thế trôi qua, sáng họ lên nương trồng ngô, trồng sắn, tối về quây quần bên mâm cơm mập mờ ánh đèn, ăn xong không có điện đi ngủ sớm, thế là hết ngày. Cái đói, cái nghèo vẫn không thể rời xa họ.

Có điện lại... bức xúc hơn không có điện

Mãi đến năm 2000, 180 hộ dân phía ngoài mới có điện thế nhưng đường điện hạ thế không được đầu tư đầy đủ. Đến năm 2010, địa bàn giao lại lưới điện hạ áp cho Công ty điện lực Hà Nam quản lý.

Được biết ngoại trừ những vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có điện thì hiện nay người dân các xóm núi Thanh Sơn cơ bản đã được kéo điện, tuy nhiên điện lại quá yếu không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Dù mang tiếng có điện, nhưng 180 hộ dân phía ngoài thôn Thanh Sơn dường như cũng chẳng thể làm gì ngoài thắp sáng chiếc bóng đèn tiết kiệm điện 15W, sạc điện thoại, nạp bình ắc quy.

Ở khu Con Phượng có nhà anh Thành, anh Thắng may mắn có điện, nhưng chỉ dùng được lúc đêm khuya hoặc sáng sớm. Tuy chỉ thắp bóng điện nhưng vẫn phải dùng ổn áp Lioa mới dùng được. Đến bữa ăn cơm, bóng điện tắt hẳn, cả nhà vẫn phải dùng nến hoặc đèn dầu. Chiếc ti vi 19 inches cũng chỉ để làm cảnh, vì điện không thể lên nổi hình, lúc bật, lúc tắt liên tục. Nhiều gia đình tích góp mua được cái nồi cơm điện nhưng đến nay 1 tháng cũng chỉ nấu được 1 - 2 bữa, hầu hết là nấu bằng bếp củi vì điện quá yếu.

30 năm cả làng leo lét trong ánh sáng đèn dầu

30 năm cả làng leo lét trong ánh sáng đèn dầu

Đến nay đã gần 30 năm ngoài ngọn nến, chiếc đèn dầu thì nhiều hộ dân nơi đây cũng chỉ có nguồn sáng duy nhất là từ chiếc đèn chạy bằng năng lượng mặt trời

Bản thân gia đình Trưởng thôn Thanh Sơn, Ngô Quang Tiến lúc nào trong nhà cũng dự trữ cả đống đèn Compact, vì điện chập chờn hay cháy chỉ vài ngày lại phải thay bóng một lần. Ông Tiến nói: "Nhiều nhà cháy cả ti vi, đầu đĩa. Không có điện thì lại không bị tức thế này. Có điện mà lúc nào cũng phải cảnh trên đèn điện, dưới đèn dầu, cơm vẫn và vào mũi thì ai mà chịu được. Nếu cứ không có điện như trước đây thì chả sao, bà con vẫn thấy bình thường - như trong khu Động Đình ấy, gần 30 năm rồi chưa một ngày có điện, họ lại không thấy bức xúc như chúng tôi đâu".

Được biết vào tháng 6 vừa qua, UBND và Sở Công Thương tỉnh Hà Nam và Công ty Philips vừa tổ chức lắp đặt gần cả ngàn bóng đèn và bộ đèn các loại cho các hộ dân, nhà văn hóa và trường mẫu giáo trong thôn xã.

Tại thôn Thanh Sơn, có khoảng 180 hộ gia đình không nằm trong hệ thống điện lưới quốc gia. Mỗi hộ thuộc khu vực này đã nhận một bộ đèn chiếu sáng trong nhà và một đèn sạc sử dụng năng lượng mặt trời từ Philips. Đối với 108 hộ khác đang trong tình trạng sử dụng nguồn điện không ổn định, mỗi hộ được trao tặng một bộ đèn sạc LED chiếu sáng khẩn cấp và các bóng đèn Compact tiết kiệm điện. Đồng thời, Philips đã lắp đặt một số đèn Green Vision với công nghệ LED sử dụng năng lượng mặt trời, giúp chiếu sáng khu vui chơi công cộng và nhà văn hóa của thôn.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là một phần giải pháp bởi lượng điện tích trữ quá ít, mới chỉ có thể thắp sáng 1 bóng đèn. Họ ngày ngày mong mỏi có điện để ổn định xây dựng và phát triển kinh tế, sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó đã đeo đẳng họ mấy mươi năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
30 năm cả làng leo lét trong ánh sáng đèn dầu