Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: GDP có thể giảm 6.000 tỷ vì cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung

Ngọc Mai| 06/06/2019 11:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Về ngắn hạn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; về dài hạn, có đánh giá cho thấy dấu hiệu tiêu cực, 5 năm tới GDP có thể giảm 6.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: GDP có thể giảm 6.000 tỷ vì cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn sáng ngày 6/6

Tại phiên chất vấn Phó thủ tướng Phạm Bình Minh sáng nay (6/6), nhiều vấn đề  liên quan đến các nước đã được đại biểu quan tâm đặt câu hỏi, trong đó có tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới Việt Nam.

GDP chịu tác động mạnh từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định sự cạnh tranh của hai cường quốc đang tác động lớn đến kinh tế thế giới và khu vực.

“Một trong bốn đám mây bao phủ nền kinh tế là cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, Phó thủ tướng dẫn lời của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Một số dự đoán cho rằng nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,5% xuống 3,2%, cung cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở tới 200% GDP thì việc chịu tác động mạnh là chắc chắn. Theo Phó thủ tướng, Chính phủ đã thành lập một ban chỉ đạo, nghiên cứu, đánh giá tình hình và kiến nghị chính sách cho nền kinh tế.

Về ngắn hạn, cuộc chiến thương mại nói trên đang thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; về dài hạn, có đánh giá cho thấy dấu hiệu tiêu cực, 5 năm tới GDP có thể giảm 6.000 tỷ đồng.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thông tin Việt Nam đã xây dựng những kịch bản với mong muốn tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển. Ông cho rằng vai trò của ổn định kinh tế vi mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo linh hoạt tỷ giá là rất quan trọng; các doanh nghiệp cũng cần được nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư.

Ngoài ra, tình hình hiện nay đang ảnh hưởng rõ rệt đến xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng cần chọn lọc những lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo chất lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao tính công nghệ.

Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sát

Ở góc độ khác liên quan tới quan hệ thương mại với Mỹ, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh việc Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sát. Chính phủ đã tính tới tình huống này chưa? Giải pháp xử lý vấn đề này thế nào?

Theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã trả lời câu hỏi này.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Mỹ và đưa ra danh sách 9 quốc gia cần được theo dõi, giám sát trong đó có Việt Nam.

Thống đốc Lê Minh Hưng giải thích theo quy định của Mỹ, có 3 tiêu chí đánh giá quốc gia có quan hệ thương mại lớn với nước này gồm: Có thặng dư thương mại với Mỹ là trên 20 tỷ USD; có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP; có can thiệp vào ngoại hối một chiều, mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục khoảng 2% GDP.

“Chúng ta thoả mãn 2 tiêu chí đầu tiên của Hoa Kỳ, tức là có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ là trên 20 tỷ USD; có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Còn can thiệp ngoại hối một chiều thì chúng ta thấp hơn ngưỡng của Hoa Kỳ đưa ra”, ông Hưng cho hay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết báo cáo của Mỹ kết luận là không có quốc gia nào trong danh sách này thực hiện thao túng tiền tệ. Chúng ta cũng khẳng định việc điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không dùng chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng. 

Thống đốc cũng nêu rõ, Báo cáo này chỉ đưa ra khuyến nghị chính sách cho Chính phủ và cho các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước. Những khuyến nghị chính sách trong Báo cáo Hoa Kỳ đưa ra cũng tương tự, tương đồng như khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế hàng năm vào đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Những khuyến nghị chính sách của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Hoa Kỳ cũng nằm trong lộ trình mà Chính phủ đang chỉ đạo bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước triển khai để hoàn thiện các chính sách và cơ chế điều hành kinh tế vĩ mô.

Trong thời gian tới, Thống đốc cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành trao đổi cung cấp thông tin cần thiết cho đối tác Hoa Kỳ, làm rõ chính sách điều hành của chúng ta cũng như diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tình hình diễn biến cán cân vãng lai, thương mại, đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: GDP có thể giảm 6.000 tỷ vì cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung