Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra buôn lậu”

Quốc Huy| 23/07/2014 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

6 tháng đầu năm, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 8.915 vụ vi phạm, trị giá vi phạm ước tính trên 168 tỷ đồng; khởi tố 33 vụ án hình sự; Bắt giữ 1 vụ buôn lậu xăng dầu tạm nhập tái xuất lớn, tịch thu 1.650 tấn, 422.000 lít và 1.640m3 dầu...

Đây là số liệu về tình trạng buôn lậu được Tổng cục Hải quan nêu ra trong báo cáo tại buổi làm việc chiều 21/7 của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2014.

Báo cáo tại buổi làm việc, ngoài những con số nêu trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Cơ quan Hải quan cũng đã xử lý 22 đơn vị lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng xuất khẩu để chiếm đoạt thuế với số thuế gian lận ước tính hơn 1.000 tỷ đồng; bắt quả tang Công ty Thực phẩm Sài Gòn khai báo sai và xuất khống nhằm chiếm đoạt 70 tỷ đồng tiền thuế VAT; chống vi phạm đối với hàng “bách hóa” vì nhiều đối tượng lợi dụng sự thông thoáng về quy trình và thủ tục hải quan đã khai báo sai số lượng, chủng loại, giá trị và làm giả hồ sơ hải quan để gian lận, trốn thuế với hàng trăm conteiner vi phạm, số tiền thuế truy thu chênh lệch lên hàng trăm tỷ đồng...

Ông Cẩn cũng cho biết, thời gian tới ngành Hải quan sẽ tập trung vào các tuyến, địa bàn, mặt hàng, đối tượng trọng điểm, lường trước những hiện tượng, tình huống phát sinh để có phương án đấu tranh phù hợp nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành cho rằng sự phối hợp giữa các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển còn chưa tốt; nhiều cơ chế, chính sách chồng chéo, bất cập gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu của các lực lượng phải ngăn chặn ngay từ biên giới. Vì vậy, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cần tập hợp những sơ hở của các chính sách này để kịp thời sửa đổi nhằm tạo ra các hành lang pháp lý mới để công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại có hiệu quả hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường, gây bức xúc lớn trong xã hội; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã và đang phá hoại nền sản xuất trong nước, làm thất thu ngân sách nhà nước. Nghiêm trọng hơn, tình trạng buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả đi liền với tiêu cực, tham nhũng, làm thoái hóa cán bộ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh đó là những chính sách chưa chặt chẽ, dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng làm thất thu ngân sách nhà nước (như kẽ hở trong chính sách hàng hóa tạm nhập tái xuất; việc DN khai khống để hoàn thuế VAT; vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa tại khu vực biên giới...).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Hải quan phải nhận thức rõ về ngành hàng, mặt hàng, đối tượng và địa bàn buôn bán hàng lậu, hàng giả để có biện pháp mạnh xử lý và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; tham mưu sớm để hoàn thiện việc xây dựng chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các sai phạm thuộc phạm vi quản lý của mình; kiên quyết xử lý cán bộ bảo kê, bao che, tiếp tay cho buôn lậu và kỷ luật nghiêm đối với những cán bộ có dư luận về tiêu cực trong công tác. Đồng thời, kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại; biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ làm tốt; sớm sửa đổi những bất cập, hạn chế của chính sách, pháp luật nhằm ngăn chặn những yếu kém trong công tác phòng chống buôn lậu hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra buôn lậu”