Phó Chủ tịch Quốc hội: Đồng tiền bát gạo của dân không thể buông lỏng

Ngọc Mai| 20/09/2018 18:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh nội dung trên trong phần phát biểu kết luận phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Đồng tiền bát gạo của dân không thể buông lỏng

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điểu khiển Phiên họp sáng 20/9

Tiếp tục Phiên họp thứ 27, sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, UBTVQH điều khiển phiên họp.

Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách

Theo Tờ trình dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, so với Tờ trình số 127/TTr - CP ngày 12.4.2018 báo cáo UBTVQH về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, dự án Luật trình Phiên họp thứ 27 lần này đã được mở rộng hơn về phạm vi, nội dung của dự thảo Luật; sửa đổi, bổ sung tới 69/108 Điều, bãi bỏ 6 Điều, bổ sung mới 4 Điều, dẫn tới kết cấu của dự thảo Luật mới thay đổi.

Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định dự án Luật, Chính phủ thống nhất trình UBTVQH xem xét, báo cáo QH quyết định đối với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), thay thế cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công như đã trình tại Tờ trình số 127/TTr-CP và quy định tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 của QH.

Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu, gồm: nhóm chính sách về quy định chung, đã tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương đối với các quy định về nguồn vốn đầu tư công; phân loại nguồn vốn; phạm vi điều chỉnh; điều kiện áp dụng; phân loại dự án... Đây là những nội dung quan trọng, liên quan đến sự đồng bộ với các luật liên quan, nhất là Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, có ý nghĩa quyết định đến việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục liên quan đến những quy định điều chỉnh, bổ sung này.

Nhóm chính sách về quản lý dự án, trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm bớt, rút gọn hoặc bãi bỏ các thủ tục rườm rà, không cần thiết, mất nhiều thời gian, nhằm cải thiện chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay sau khi dự án đủ thủ tục đầu tư và được bố trí kế hoạch vốn.

Nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình, trình tự, thủ tục liên quan đến lập, thẩm định, quyết định, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo hướng phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, thực hiện kế hoạch, tăng cường hậu kiểm. Đáng chú ý là đề xuất về kế hoạch đầu tư công 3 năm theo phương thức cuốn chiếu, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và đảm bảo sự đồng bộ giữa kế hoạch đầu tư công với kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn và hằng năm.

Giảm thẩm quyền của UBTVQH?

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chinh ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tính cụ thể của dự thảo cũng chưa cao. Trong số 106 điều luật thì có đến gần 30 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn, trong đó nhiều nội dung quan trọng không thuộc thẩm quyền hướng dẫn.

Về các quy định liên quan đến thẩm quyền Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND đã được Chính phủ chỉnh sửa theo hướng tăng cường phân cấp; thu hẹp các nội dung cần trình Quốc hội quyết định so với Luật hiện hành; không quy định thẩm quyền của UBTVQH, điều này là chưa phù hợp với Luật NSNN, Nghị quyết 26 của Quốc hội và một số văn bản liên quan.

Hai Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đỗ Bá Tỵ đề nghị phân tích vướng mắc như thế nào, vừa qua có gây khó khăn gì cho Chính phủ... để rõ cơ sở đưa ra quy định trên.

Giải đáp thắc mắc của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: “Chắc có sự hiểu nhầm, vì trong luật không có điều khoản nào giảm thẩm quyền của UBTVQH cả. Tinh thần là không có”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chinh ngân sách Nguyễn Đức Hải khẳng định, dự thảo không có chữ nào ghi bỏ thầm quyền nhưng có những quy trình thủ tục được nêu trong luật cũ mà dự thảo luật mới không nêu thì rõ ràng không còn thẩm quyền.

Ngân sách phải được quản lý và giám sát chặt chẽ

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo luật là quy định dự án quan trọng quốc gia là dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 35.000 tỷ đồng trở lên (hiện nay là 10.000 tỷ đồng). Uỷ ban Tài chinh ngân sách cho rằng Tờ trình của Chính phủ mới chỉ nêu mức này tương đương 0,6% GDP mà chưa đưa ra cơ sở điều chỉnh, đánh giá tác động nên chưa đủ căn cứ.

Quy định hiện hành về xác định mức vốn của Dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được tính toán, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, với khả năng cân đối nguồn vốn của NSNN và số dự án có tổng mức đầu tư ở mức này là rất ít.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện cũng nêu quan điểm cho rằng về nguyên tắc, chi tiền của dân thì phải xin phép cơ quan dân cử. Việc căn cứ vào GDP để nâng tiêu chí dự án phải trình Quốc hội, UBTVQH là chưa hợp lý. Điều quan trọng là cần căn cứ vào năng lực của cơ quan thẩm định, cho phép và khi số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày càng cao, có đủ năng lực và thời gian thì đáng ra số vốn được quy định phải trình càng giảm.

“Như vậy tăng quy định nâng số vốn dự án thì số dự án do Chính phủ tự quyết định nhiều lên, điều này là không thực tiễn. Định mức này phải ngày càng giảm khi đại biểu chuyên trách, am hiểu tăng lên. Có thể dự án nhỏ, nhưng nếu Quốc hội đủ năng lực, thời gian thì cần phải xem xét”, bà Nguyễn Thanh Hải lưu ý.

Liên quan vấn đề này Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh trong phần kết luận phiên họp: “Các khoản chi phải có dự toán và được sự quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ngân sách phải được quản lý và giám sát chặt chẽ. Đồng tiền bát gạo của dân không thể buông lỏng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chủ tịch Quốc hội: Đồng tiền bát gạo của dân không thể buông lỏng