Trên thị trường chứng khoán, người ta hay bảo nhau “không thể nào đo lường độ điên khùng của con người”.
Một khi thị trường đã được dẫn dắt bởi những con tim nóng bỏng của lòng tham thì giá nào vẫn là rẻ, nhưng khi thị trường đã rơi vào băng giá của sự sợ hãi thì bao nhiêu cũng là đắc.
Nguồn: Word Index |
Tính từ đầu năm 2014 đến nay, chứng khoán Việt Nam đã tăng gần 10%, đứng thứ 4 toàn cầu. Thị trường tăng điểm, mọi con mắt đều hướng về nó, dòng tiền vì thế cũng liên tục chảy vào thị trường. Dòng tiền này không chỉ từ nhà đầu tư trong nước mà còn cả nhà đầu tư nước ngoài. Các ETFs liên tục thu hút được tiền mới và liên tục giải ngân vào các thị trường cận biên (frontier market), trong đó có Việt Nam. “Khi thị trường lạc quan, mọi kỷ lục đều có thể bị phá”. Vào ngày 22/11/2013, tôi đã miêu tả một phiên kỷ lục về khối lượng giao dịch, sàn thành phố Hồ Chí Minh đã lên đến 169 triệu cổ phiếu trao tay. Nhưng kỷ lục đó đã nhanh chóng bị phá bỏ trong phiên hôm qua, phiên ngày 11/02/2014, với >170 triệu cổ phiếu.
Bao giờ cũng vậy, đứng trước những phiên có khối lượng giao dịch lớn, nhà đầu tư sẽ có những thắc mắc, liệu thị trường có đang phân phối (phân phối: nghĩa là nhà đầu tư chốt lãi và rời bỏ thị trường, sau đó thị trường sẽ là chuỗi ngày giảm điểm) hay thị trường đã thay máu (thay máu: lớp nhà đầu tư cũ đã hài lòng với lợi nhuận có được của mình và bán ra cổ phiếu, những nhà đầu tư mới sẽ tiếp tục giữ lửa cho thị trường). Đã là người đầu tư lâu dài trên thị trường, chúng ta mong muốn kịch bản thứ 2 hơn thứ 1. Trong kỷ lục vào ngày 21/11/2013, tôi đã cho rằng đây chỉ là phiên trao tay, và thật may mắn điều đó đã đúng cho đến hôm nay. Vậy phiên hôm qua được hiểu thế nào mới phải?
Đây luôn là câu hỏi khó, vì bản chất của thị trường chứng khoán là biến động (volatility) và bất ổn (uncertainty). Nhưng như thường lệ, tôi sẽ cố đưa ra khuyến nghị theo quan điểm của tôi. Rõ ràng thị trường đã tăng quá nhanh từ đầu năm đến nay. Do vậy, sự điều chỉnh đi ngang hoặc giảm điểm ngắn hạn sẽ là cần thiết cho một cuộc đua còn dài phía trước.
Hình 1: Biểu đồ VN-Index theo ngày |
Nhìn hình 1, chúng ta thấy rất rõ điều đó, VN-Index tăng với độ dốc khá cao, RSI (chỉ số đo sức mạnh tương đối) tăng mạnh lên mức 90, một con số mà dân phân tích kỹ thuật rất ngại, và có thế phải bán ra để chốt lãi.
Hình 2: Biểu đồ VN-Index theo tuần |
Nhìn hình 2, VN-Index đã tăng và đụng kênh xu hướng dài hạn. Thông thường, thị trường sẽ phải điều chỉnh khi đụng kênh này. Do vậy, thị trường có những nhịp điều chỉnh hoặc đi ngang vài tuần là hết sức bình thường.
Khuyến nghị: Đối với những nhà đầu tư ngắn hạn, nên quan sát thật kỹ mối quan hệ giữa VN-Index với đường MA9 ngày (đường màu xanh sáng trên hình 1). Nếu VN-Index rơi xuống dưới đường này 2 phiên liên tiếp, nhà đầu tư nên bán ra để bảo vệ lợi nhuận ngắn hạn, còn nếu đường này làm tốt vai trò chốt chặn trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên giải ngân thêm khi VN-Index vượt qua đỉnh hộp màu xanh. Đối với những nhà đầu tư trung và dài hạn, tôi vẫn bảo lưu quan điểm thị trường sẽ rất tốt trong 2014, do vậy, những nhịp điều chỉnh sâu sẽ là cơ hội mua hàng với giá rẻ.
Finandlife
(Bài viết được dẫn lại từ blog với sự đồng ý của tác giả, đăng ngày 12/02/2014)
Công lý