Phiên họp thứ 3 của UBTVQH: Quy định về nổ súng thiếu cụ thể, khó vận dụng thực tiễn

Ngọc Mai| 17/09/2016 08:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp UBTVQH diễn ra chiều 16/9, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhiều ý kiến ĐB cho rằng quy định nổ súng chưa cụ thể, còn chung chung khó vận dụng trong thực tiễn.

Còn nhiều hạn chế

Trình bày về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là những loại phương tiện đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo đảm phát huy vai trò, tác dụng của vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong việc bảo đảm an ninh trật tự, ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn thi hành về vấn đề này. Chuyển sang thời kỳ đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có những thay đổi căn bản, nhiều quy định trước đây về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không còn phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 30/6/2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tiếp đó ngày 12/7/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Pháp lệnh).

Sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới. 

Phiên họp thứ 3 của UBTVQH: Quy định về nổ súng thiếu cụ thể, khó vận dụng thực tiễn

ĐB Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về dự án luật

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu đều khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cho rằng luật được ban hành sẽ thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác này. Đồng thời đây sẽ là văn bản pháp luật điều chỉnh thống nhất về lĩnh vực này; bảo đảm tính kế thừa và phát huy tác dụng tốt của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; khắc phục được những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này trong tình hình hiện nay.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ; nhấn mạnh, Pháp lệnh hiện hành có nhiều nội dung hạn chế quyền cơ bản của công dân như: quy định cấm cá nhân sở hữu vũ khí (hạn chế quyền sở hữu); quy định sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ (liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân); quy định về nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân). Do đó, việc xây dựng dự án Luật không chỉ nhằm thi hành Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà còn khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thi hành Pháp lệnh hiện hành.

Cần xây dựng tiêu chí cụ thể trong trường hợp nổ súng

Góp ý về sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính cụ thể của dự thảo Luật, các ý kiến đều cho rằng: Dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến các luật khác như: Luật An ninh - Quốc phòng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hóa chất, Bộ luật Hình sự… do đó cần rà soát mang tính chặt chẽ, thống nhất. Dự thảo Luật cũng còn nhiều dẫn chứng sai quy định của luật khác; một số điều còn quy định chung chung. Để bảo đảm tính khả thi, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát cụ thể ngay trong Luật, nhất là đối với các quy định đã được thi hành trong thực tiễn.

Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật như Chính phủ trình và cho rằng: Những nội dung cơ bản trong dự thảo Luật đã được áp dụng trong thực tiễn theo quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất là tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ, đề nghị Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không nên điều chỉnh đối với hai loại này vì cơ chế quản lý, mục đích sử dụng và đối tượng sử dụng khác với vũ khí, công cụ hỗ trợ. Mặt khác, tiền chất thuốc nổ đã được Luật Hóa chất điều chỉnh.

Liên quan đến đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, nhiều ý kiến cho rằng: Trong các đối tượng được trang bị gồm cả lực lượng điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đã là cơ quan điều tra trực tiếp, trực diện với tội phạm nguy hiểm và để bảo đảm trong việc thực thi nghiệp vụ điều tra thì nên trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan điều tra của ngành Kiểm sát.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga góp ý thêm hạn chế của dự Luật, Điều 22, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Trong khi đó, Điều 21, dự án Luật quy định trường hợp nổ súng khi đối tượng có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Vậy “người đang có hành vi xâm phạm” và “đối tượng có hành vi đe dọa đến tính mạng sức khỏe” có khác nhau hay không? Những xung đột trong các dự án Luật sẽ được giải quyết như thế nào? 

Nhiều đại biểu khác cho rằng, đối với quy định nổ súng (Điều 21), cơ bản các ý kiến tán thành và cho rằng: Quy định nổ súng như trong dự thảo Luật đã được nghiên cứu, làm rõ, trong đó đã tách rõ các trường hợp nổ súng sau khi cảnh báo và các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần rà soát, cụ thể hơn nữa các trường hợp được nổ súng để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng, nhưng cũng phải tạo điều kiện các đơn vị chức năng chủ động trong việc chế áp tội phạm. Vấn đề này, có ý kiến đề nghị làm rõ việc nổ súng của cảnh vệ sẽ được quy định trong Luật này hay Luật Cảnh vệ; quy định nổ súng trong một số trường hợp đặc biệt như trên biển, trên tàu bay, trong huấn luyện, thi đấu thể thao…

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, cần đưa tất cả các trường hợp được nổ súng khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia vào Điều 21 của Luật và không quy định trong các luật khác. Bởi việc nổ súng là vấn đề rất hệ trọng liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Đồng thời, Luật này cũng quy định về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ rất chặt chẽ. 

Cùng quan điểm, một số Ủy viên UBTVQH cũng nêu rõ, quy định nổ súng như dự thảo Luật chưa cụ thể, còn chung chung khó vận dụng trong thực tiễn; một số trường hợp cụ thể người thi hành công vụ không thể nhận biết. Do đó, cơ quan soạn thảo cần quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn, đồng thời, cân nhắc việc mở rộng tình huống nổ súng (đối với đối tượng phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…), bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật về xử lý hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 3 của UBTVQH: Quy định về nổ súng thiếu cụ thể, khó vận dụng thực tiễn