Tiếp tục phiên họp thứ 26, sáng nay 11/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015.
Đồng thời cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
9 dự án không được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, tổng số dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015 cần phải rà soát lại là 91 dự án, trong đó có 36 dự án giao thông, 35 thủy lợi, 20 dự án y tế tại hai Bộ (Giao thông - Vận tải, Y tế) và 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phương án rà soát, bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 có 41 dự án được bố trí đủ vốn để hoàn thành theo tổng mức đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải: 2 dự án; Bộ Y tế: 2 dự án; các địa phương 37 dự án) và 40 dự án hoàn thành được các hạng mục chính, cơ bản phát huy được hiệu quả dự án.
Sau năm 2016, chỉ còn 9 dự án không được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung, phải tạm giãn, hoãn tiến độ hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, phương án rà soát và kiến nghị bố trí vốn bổ sung cho từng dự án của các Bộ và địa phương cơ bản hợp lý, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không đáp ứng đủ nhu cầu, các Bộ và địa phương đã tập trung để hoàn thành dứt điểm thêm 4 dự án bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, huy động thêm các nguồn lực khác để hoàn thành thêm 37 dự án.
Các dự án không có khả năng bố trí, huy động đủ vốn, các Bộ và địa phương đã nghiêm túc rà soát, cắt, giảm quy mô đầu tư, chưa đầu tư các hạng mục chưa thật cấp thiết, tập trung hoàn thành hạng mục chính để phát huy tác dụng dự án, đồng thời đã có văn bản cam kết huy động thêm nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư dự án.
Trên cơ sở kết quả rà soát, Chính phủ kiến nghị UBTVQH thông qua phương án bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 cho các dự án đã được các Bộ, địa phương rà soát.
Theo đó, bố trí hơn 1.323 tỷ đồng để hoàn thành 5 dự án theo tổng mức đầu tư quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH; hơn 8.762 tỷ đồng cho 37 dự án dự kiến bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 không điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng Bộ và địa phương có văn bản cam kết huy động các nguồn vốn khác để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ; hơn 3.617 tỷ đồng cho 18 dự án điều chỉnh cắt, giảm quy mô đầu tư; không bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung cho 9 dự án tạm đình hoãn để xử lý sau hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư. Đối với các dự án do Bộ Y tế có các nguồn vốn thực hiện chủ yếu là nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp hàng năm theo quy định, vốn xã hội hóa và nguồn thu trích từ nguồn thu dịch vụ chiếm tỷ trọng nhỏ, Chính phủ cam kết bố trí thêm nguồn vốn ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để sớm hoàn thành các dự án, đưa vào sử dụng đồng bộ, góp phần giảm quá tải các bệnh viện.
UBTVQH đã thống nhất Ban hành Nghị quyết phân bổ 18.066 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho 82 dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 2014 - 2016 nhưng chưa có đủ vốn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã đề nghị các địa phương thực hiện dự án theo đúng cam kết và Nghị quyết của UBTVQH.
Quản lý người nước ngoài tạm trú ở Việt Nam
Trước đó, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của UBTVQH là quy định tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khu vực biên giới.
Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa, việc cư trú của người nước ngoài tại các khu vực này là vấn đề khá phức tạp. Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của các văn bản pháp luật có liên quan. Nhưng đối với khu kinh tế biển, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì người nước ngoài tạm trú ở đâu vẫn chưa rõ.
Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng, đối với khu kinh tế biển áp dụng như khu kinh tế cửa khẩu đất liền vì các xã ven biển đều nằm trong khu vực biên giới biển. Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đây là vấn đề mới đang trong quá trình thí điểm, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị quy định người nước ngoài được tạm trú ở các cơ sở lưu trú nhưng có cơ chế quản lý riêng do Chính phủ quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, điều này là cập nhật và phù hợp với quy định của Hiến pháp, các nội dung cụ thể sẽ được Chính phủ quy định tiếp, khi đã có Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và có các đặc khu sẽ bổ sung thêm.
Tương tự, đối với người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam, bên cạnh ý kiến tán thành vẫn còn đề nghị không lấy mốc thời gian tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước, để xét cho thường trú mà nên quy định người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam đủ 10 năm, hoặc 15 năm trở lên thì được xem xét cho thường trú.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa, quy định trong dự thảo nhằm giải quyết tồn tại lịch sử từ năm 2000 trở về trước, không phải quy định để giải quyết thường xuyên. Theo đó, quy định này chỉ áp dụng để giải quyết cho thường trú đối với người không quốc tịch tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước, còn sau năm 2000 không xem xét nữa để bảo đảm quản lý chặt chẽ, thống nhất và ổn định lâu dài.
Kết luận nội dung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, hiện chúng ta còn chưa thiết lập được đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì việc quy định tạm trú trong khu hành chính - kinh tế đặc biệt liệu có cần thiết? Hiến pháp đã quy định rõ quyền của con người, quyền của công dân chỉ bị hạn chế trong những trường hợp cụ thể, do đó, dự thảo Luật cần rà soát kỹ để quy định cho phù hợp với Hiến pháp.