Dư luận đang rất phẫn nộ trước phát ngôn đầy thách thức của Giám đốc đối ngoại Formosa. Chưa một cá nhân, doanh nghiệp nào lại dám phát ngôn một cách xấc xược như vậy.
"Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại" - lời ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi trả lời phỏng vấn kênh VTC 14.
Ai cũng biết rằng, dư luận đang chĩa mũi dùi vào Formosa, cho rằng doanh nghiệp này đã súc rửa đường ống bằng chất cực độc sau đó thải trực tiếp ra biển mà không qua xử lý. Có thể đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc cá chết bất thường dọc bờ biển miền Trung suốt nửa tháng qua. Kết quả cuối cùng vẫn đang phải chờ nhưng phát ngôn của ông Phàm dường như thừa nhận một điều Formosa gây ô nhiễm là không tránh khỏi.
Ông ta còn cho rằng, việc một nhà máy trong quá trình kinh doanh, sản xuất thì việc xả thải ra môi trường có gây ô nhiễm cũng là điều đương nhiên.
Một cách mỉa mai, đại diện phát ngôn của Formosa ý nói nếu muốn có một một nhà máy hiện đại thì hãy từ bỏ con tôm, con cá. Hoặc ngược lại nếu chọn tôm cá thì mất nhà máy hiện đại như…ví như Formosa. Một phát ngôn thiếu tính trách nhiệm và coi rẻ môi trường.
Cá chết vì độc tố nghi vấn do bàn tay của Formosa
Formosa dường như đã “sao chép” y nguyên tư duy phát triển công nghiệp Trung Quốc vào sản xuất tại Việt Nam. Trung Quốc đang phải trả giá cực kỳ đắt khi đứng vị trí hàng đầu trong các quốc gia ô nhiễm môi trường do công nghiệp hóa bằng mọi giá mang lại. Còn Formosa cũng là một cái tên được xếp trong “danh sách đen” trên thế giới vì đi tới đâu tàn phá môi trường đến đó.
Hãy hỏi người dân Campuchia về”cơn ác mộng” mang tên Formosa khi vào năm 1998, Formosa đã mang 5 nghìn tấn chất thải, trong đó có 3 nghìn tấn có nhiễm thủy ngân tới thị trấn Sihanoukville. Gần một 1/3 người dân của thị trấn này đã phải sơ tán, có hàng chục người chết, hàng ngàn người nhiễm độc thủy ngân…
Người dân Hà Tĩnh đã nhận được những gì từ sản phẩm thép của Formosa? Có bao nhiêu người dân được tạo công ăn việc làm ở Formosa? Formosa đã đóng góp được bao nhiêu cho nền kinh tế Việt Nam? Chưa ai biết những giá trị thực đó nhưng trước mắt đã thấy hàng ngàn ngư dân phải điêu đứng khi cá biển chết trắng bờ. Ngư dân, tiểu thương rồi không ít doanh nghiệp lao đao, điêu đứng vì ô nhiễm môi trường. Không đánh giá tác động một cách nghiêm túc, dùng pháp luật để xử lý nghiêm thì rất dễ tài sản chúng ta để lại cho đời sau sẽ chỉ là một vùng biển chết.
Dễ thấy, gần đây những phát ngôn từ phía cơ quan chức năng địa phương còn e dè, thiếu quyết liệt trong vụ việc có “mùi” của Formosa. Tôi không khẳng định đó là sự cả nể và cũng không hẳn là sợ sệt. Nhưng phải chăng vì thái độ ung dung của địa phương khi cá chết trắng biển nên phía Formosa ngang nhiên phát ngôn thách thức dư luận bản địa? Và có vẻ như, Formosa đang thầm khẳng định rằng, Việt Nam sẽ không dám lựa chọn cái tôm, cái tép trong bài toán mà Formosa đưa ra. Thẳng thắn mà nói, khi đặt lên bàn cân cái mất của chúng ta là quá lớn nếu chấp nhận đánh đổi.
Dư luận đang chờ một kết quả có vẻ như chậm trễ của cơ quan hữu trách. Nhưng nếu kết quả đó chỉ đích danh “kẻ giấu mặt” tàn phá môi trường thì nên chăng chọn giữ lấy biển, bảo vệ con cá, con tôm cho người dân. Bởi, nếu cứ dễ quá thì hóa nhờn.