Trong 6 tháng đầu năm 2018, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 88.229 vụ vi phạm.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), trong 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm 88.229 vụ, số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 7.427 tỷ đồng, khởi tố 887 vụ và 889 đối tượng có liên quan tới hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại.
Gần 90 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị phát hiện bắt giữ trong 6 tháng đầu năm 2018. Ảnh: BCĐ 389
Theo đánh giá của BCĐ 389, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp tại địa bàn khu vực biên giới ở các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Trên tuyến biển đường biển, địa bàn trọng điểm vẫn là khu vực Cảng Tp. Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai; vùng biển Đông Bắc và Miền Trung. Đáng chú ý là hoạt động buôn lậu xăng dầu phức tạp tại vùng biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Phú yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau. Hiện tượng nhập phế liệu về Việt Nam để chế biến và tái xuất tăng cao so với thời gian trước.
Trong thị trường nội địa, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng còn diễn ra nhiều nơi.
BCĐ 389 cho biết các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng manh động hơn, sẵn sàng chống trả các lực lượng thi hành công vụ.
Theo BCĐ 389, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiến hành xây dựng các kế hoạch chuyên đề để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; triển khai các kế hoạch của BCĐ 389 quốc gia về tăng cường đấu tranh đối với mặt hàng xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn để nhận diện các hiện tượng nổi cộm, các mặt hàng mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.