Ngày 2/5, các nhà khoa học trường Đại học Cambridge (Anh) đã phát hiện ba hành tinh có cùng kích cỡ với Trái Đất đang quay quanh quỹ đạo một ngôi sao lùn nằm cách Trái Đất 40 năm ánh sáng.
Các hành tinh này được cho là nơi tốt nhất để bắt đầu tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Các nhà khoa học đã dùng kính thiên văn ở trạm quan sát La Silla đặt tại Chile thuộc Đài quan sát Nam Âu (ESO) để theo dõi một ngôi sao có tên TRAPPIST-1 nằm trong chòm sao Bảo Bình.
Sau một thời gian quan sát, họ phát hiện thấy ngôi sao TRAPPIST-1 mờ nhẹ đều đặn theo một khoảng thời gian, một dấu hiệu chứng tỏ có vài vật thể đang đi ngang qua giữa ngôi sao này và Trái Đất. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích chi tiết và phát hiện ba hành tinh có cùng kích cỡ với Trái Đất quay quanh TRAPPIST-1.
TRAPPIST-1 là ngôi sao lùn, lạnh hơn và đỏ hơn so với Mặt Trời và lớn hơn một chút so với sao Mộc. Các ngôi sao như vậy có rất nhiều trong dải Ngân hà và tồn tại rất lâu. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện các hành tinh xoay quanh một trong những ngôi sao này.
Theo giáo sư Didier Queloz thuộc phòng nghiên cứu Cavendish của Đại học Cambridge, việc phát hiện một hệ hành tinh xoay quanh một ngôi sao nhỏ như vậy mở ra một hướng nghiên cứu mới bởi trước đây, các nhà khoa học không rõ liệu một ngôi sao nhỏ như vậy có thể có một hành tinh có kích cỡ như Trái Đất xoay quanh.
Trong khi đó, ông Michael Gillon của Đại học Liege tại Belgium (Bỉ), đồng tác giả về phát hiện này cùng với giáo sư Queloz, cho biết các hệ hành tinh quay quanh những ngôi sao nhỏ này là những nơi duy nhất các nhà khoa học có thể tìm kiếm sự sống trên một ngoại hành tinh cùng kích cỡ Trái Đất bằng công nghệ hiện nay. Ông khẳng định nếu muốn tìm kiếm sự sống ở một nơi nào khác trong vũ trụ thì chính những hành tinh này là nơi nên bắt đầu.