Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về lâm sản

Pơ Loong Đếch (TAND huyện Phước Sơn, Quảng Nam)| 18/06/2017 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực tiễn xét xử các vụ án về tội “Vi phạm các quy định về khai thác bảo và vệ rừng” tại Tòa án địa phương trong thời gian qua có nhiều vướng mắc, cần được bạn đọc trao đổi và có hướng giải quyết về phần dân sự đúng pháp luật.

Xin nêu một vụ án còn nhiều ý kiến khác nhau: Tháng 2/2016, Nguyễn Văn A mang cưa lốc hiệu STIL 381 vào khoảnh 4 tiểu khu 706 thuộc thôn I xã P là rừng đặc dụng đã cưa hạ 10 cây gỗ. Cưa hạ cây xong, Nguyễn Văn A mang cưa máy về nhà. Nguyễn Văn A chưa cưa xẻ, chưa cắt đoạn, các cây gỗ còn nguyên tại rừng, mục đích của Nguyễn Văn A để cho cây khô rồi sẽ thuê người vào cưa xẻ kéo về làm nhà ở.

Ngày 14/3/2016, Trạm kiểm lâm L kiểm tra phát hiện và báo cáo cho Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng TM; Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng TM đã tiến hành xác minh, điều tra theo quy định. Sau khi biết hành vi cưa hạ gỗ bị các cơ quan chức năng phát hiện, Nguyễn Văn A đã có đơn báo cáo thừa nhận hành vi cưa hạ gỗ trái phép của mình.

Ngày 16/3/2016 và ngày 25/5/2016, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng TM phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra hiện trường xác định vị trí, tọa độ, số lượng và khối lượng lâm sản thiệt hại, chủng loại, loại rừng nơi Nguyễn Văn A khai thác. Quá trình kiểm tra có sự chứng kiến, chỉ dẫn của Nguyễn Văn A và các nhóm hộ có liên quan. Kết quả kiểm tra xác định có 10 cây gỗ bị cưa hạ, gỗ từ nhóm III-VII, có khối lượng 35m3 gỗ tròn; diện tích rừng thiệt hại không đáng kể, vì các cây gỗ ngã nằm liền kề khu vực đất trống.

Căn cứ vào điểm tọa độ đã xác định tại vị trí các cây gỗ bị cưa hạ, đối chiếu với bản đồ quy hoạch 3 loại rừng …thì khu vực rừng cưa hạ cây gỗ trái phép là rừng đặc dụng thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên TM.

Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về lâm sản

Hiện trường một vụ phá rừng

Tại bản kết luận định giá tài sản số 11/KL-ĐG ngày 21/6/2016 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện K kết luận: Giá trị thiệt hại khối lượng gỗ do khai thác trái phép tại khoảnh 4 tiểu khu 706 thuộc xã P, huyện K, tỉnh Q là 60.000.000 đồng và thiệt hại về môi trường là không đáng kể.

Ngày 12/7/2016, Công an huyện K đã ra Quyết định xử lý vật chứng số 08 bằng hình thức chuyển giao cho Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng TM tổ chức thu gom số gỗ tròn tận thu được là 25m3, số gỗ còn lại 10m3 không tận thu được đã tiêu hủy. Ngày 7/9/2016, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng TM đã tổ chức nghiệm thu và định giá số gỗ thu gom thực tế được 120 phách gỗ có khối lượng 25 m3 gỗ các loại (từ nhóm III-VII). Ngày 21/10/2016, Hội đồng định giá bán đấu giá  được 100.000.000 đồng. Chi phí công tác bảo quản, xử lý bán và các chi phí liên quan đến khi hoàn thành việc xử lý tài sản là 70.000.000 đồng.

Với vụ án nêu trên, phần trách trách nhiệm dân sự còn có nhiều quan điểm khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất: Cho rằng bị cáo Nguyễn Văn A không phải bồi thường thiệt hại về lâm sản. Vì theo định giá thiệt hại về lâm sản 35m3 gỗ tròn có giá trị 60.000.000 đồng. Trong đó số gỗ tận thu được 25m3 gỗ tròn đã bán đấu giá 100.000.000 đồng tức là đã vượt mức so với thiệt hại bị cáo gây ra là 60.000.000 đồng nên bị cáo không phải bồi thường (theo hướng có lợi cho bị cáo).

Quan điểm thứ hai: Trong trường hợp này bị cáo Nguyễn Văn A phải bồi thường thiệt hại về lâm sản là 60.000.000 đồng theo kết luận định giá tài sản. Còn việc bán đấu giá gỗ tận thu 25m3 gỗ tròn được 100.000.000 đồng thì đây là xử lý vật chứng của vụ án; tức là không được trừ cho bị cáo. Còn 30.000.000 đồng còn lại sau khi trừ các khoản chi phí phải sung công quỹ Nhà nước.

Quan điểm thứ ba: Trong trường hợp này bị cáo Nguyễn Văn A chỉ phải bồi thường thiệt hại về lâm sản với số tiền 30.000.000 đồng. Vì bị cáo Nguyễn Văn A gây thiệt hại về lâm sản 35m3 gỗ tròn theo định giá là 60.000.000 đồng nhưng đã tận thu 25m3 gỗ tròn và đã bán đấu giá 100.000.000 đồng. Trong đó đã trích các khoản chi phí hết 70.000.000 đồng còn lại 30.000.000 đồng cho nên bị cáo còn phải bồi thường thiệt hại 30.000.000 đồng.

Quan điểm thứ tư: Nếu số gỗ bị cáo Nguyễn Văn A đã cưa hạ trái phép 10 cây gỗ các loại với khối lượng 35m3 gỗ tròn, theo định giá tài sản có giá trị 60.000.000 đồng nhưng không tận thu được khối nào để bán đấu giá thì bị cáo Nguyễn Văn A phải bồi thường thiệt hại về lâm sản 60.000.000 đồng.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ ba là phù hợp và theo hướng có lợi cho bị cáo. Vì về nguyên tắc bị cáo Nguyễn Văn A gây thiệt hại đến đâu thì phải bồi thường thiệt hại đến đó theo quy định tại Điều 42 BLHS năm 1999 và các Điều 584, 585, 589 Bộ luật dân sự năm 2015. Trong vụ án nêu trên, bị cáo Nguyễn Văn A đã có hành vi cưa hạ trái phép 10 cây gỗ các loại có khối lượng 35m3 gỗ tròn, theo kết luận định giá có giá trị 60.000.000 đồng; nhưng số gỗ tận thu được 25m3 gỗ tròn và đã bán đấu giá 100.000.000 đồng; trừ các khoản chi phí hết 70.000.000 đồng, còn lại 30.000.000 đồng; trong trường hợp này bị cáo Nguyễn Văn A chỉ phải bồi thường 30.000.000 đồng chứ không phải 60.000.000 đồng theo định giá thiệt hại là đúng pháp luật.

Còn nếu trường hợp số gỗ do bị cáo cưa hạ với khối lượng 35m3 gỗ tròn mà không tận thu được thì rõ ràng bị cáo Nguyễn Văn A phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về lâm sản là 60.000.000 đồng theo kết luận định giá là đúng pháp luật.

Do còn nhiều quan điểm khác nhau về việc bị cáo có phải bồi thường thiệt hại hay không bồi thường thiệt hại về lâm sản theo ví dụ trên. Để thống nhất việc áp dụng pháp luật, rất mong nhận được nhiều sự đóng góp ý kiến của quý bạn đọc. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về lâm sản