Vụ chủ xe ô tô bị đâm chết khi thay lốp trên cầu Nhật Tân: Góc nhìn pháp lý của luật sư

Lan Anh| 05/10/2018 06:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, hành vi của lái xe bán tải dừng đỗ xe hướng xuống dốc, nằm trên làn 90km/h, phía bên trái là sự cố bất khả kháng do lốp xe bị nổ không di chuyển được. Do đó, lái xe bán tải không có lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ.

Như Báo Công lý đã thông tin, khoảng 19h ngày 2/10, xe bán tải mang BKS 29C-829.87 do nam tài xế điều khiển, di chuyển trên cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Khi tới gần chân cầu Nhật Tân, bất ngờ xe bán tải gặp sự cố phải dừng lại. Lái xe liền bật đèn để cảnh báo và liên hệ thợ sửa đến khắc phục sự cố.

Trong lúc thợ đang sửa xe, thì bất ngờ bị xe 16 chỗ mang BKS 29B-506.24 đâm thẳng vào đuôi xe bán tải rồi dừng cạnh dải phân cách ở giữa đường. Hậu quả, lái xe bán tải tử vong tại chỗ, người thợ sửa xe bị thương nặng.

Vụ chủ xe ô tô bị đâm chết khi thay lốp trên cầu Nhật Tân: Góc nhìn pháp lý của luật sư

Hiện trường vụ tai nạn

Tại hiện trường, xe bán tải bị đẩy về phía trước, thùng xe bị méo móp. Nhiều mảnh vỡ của các phương tiện vương vãi khắp nơi. Đầu xe ô tô 16 chỗ biến dạng hoàn toàn.

Trao đổi với PV về vụ tai nạn nói trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) đã cho biết để đánh giá chính xác lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ thuộc về ai để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật cần đợi kết quả điều tra của Cơ quan chức năng.

Theo quan điểm của luật sư Thơm, xét trong vụ việc này thấy nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn là do lỗi thiếu quan sát, không giảm tốc độ của lái xe khách 16 chỗ đâm vào xe bán tải đang dừng đỗ hướng xuống dốc, nằm trên làn 90km/h, phía bên trái.

Hành vi của lái xe ô tô 16 chỗ đã có lỗi vi phạm: Vi phạm Khoản 5, Điều 4 Luật GTĐB Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ “Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Vi phạm Điều 12 Luật GTĐB Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe “Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường” và vi phạm Khoản 1 Điều 5 Thông tư 9/2015/TT-BGTVT. Các trường hợp phải giảm tốc độ “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp sau: Có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường”.

Vụ chủ xe ô tô bị đâm chết khi thay lốp trên cầu Nhật Tân: Góc nhìn pháp lý của luật sư

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Hậu quả thiệt hại về người và tài sản, lái xe ô tô 16 chỗ đã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015.

Luật sư Thơm cho rằng, hành vi của lái xe bán tải dừng đỗ xe hướng xuống dốc, nằm trên làn 90km/h, phía bên trái là sự cố bất khả kháng do lốp xe bị nổ không di chuyển được. Nếu trường hợp xe bán tải cố di chuyển sang làn bên phải sẽ có thể gây nguy hiểm cho các phương tiện khác đang đi trên đường. Khi đó, lái xe bán tải còn có thể là người gây tai nạn cho các xe khác.

Mặt khác, trong vụ việc này, lái xe bán tải đã dựng xe máy phía sau ô tô một đoạn và đứng vẫy tay để cảnh giới các tài xế khác đồng thời gọi thợ đến thay lốp. Như vậy, về cơ bản lái xe bán tải đã thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn, cảnh báo các phương tiện trên đường. Do vậy, trong trường hợp này, lái xe bán tải không có lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ.

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ chủ xe ô tô bị đâm chết khi thay lốp trên cầu Nhật Tân: Góc nhìn pháp lý của luật sư