Tự tiện lấy hình ảnh, nội dung trên Facebook của người khác là phạm pháp

Như Loan| 09/12/2016 09:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều độc giả bức xúc phản ánh về việc một số cá nhân, tổ chức tự tiện lấy hình ảnh, nội dung thông tin trên facebook của người khác mà chưa được sự đồng ý hoặc cho phép của tác giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm người khác.

Có thể thấy, pháp luật hiện hành đã quy định nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc một số cơ quan báo chí tự tiện sử dụng hình ảnh trên facebook cá nhân của người khác mà chưa được sự cho phép của tác giả đang diễn ra một cách phổ biến.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các mạng xã hội hiện nay đều cho phép người dùng tự do đăng bài viết hoặc hình ảnh, chỉ một số ít mạng xã hội thực hiện quản lý thông tin, hình ảnh của người dùng đưa lên. Lợi dụng vào kẽ hở này, một số tổ chức, cá nhân có thể vô tư lấy những hình ảnh, thông tin của người khác trên mạng xã hội để phục vụ cho một mục đích nào đó.

Tự tiện lấy hình ảnh, nội dung trên Facebook của người khác là phạm pháp

Ảnh minh họa

Là một trong những nạn nhân bị xâm phạm thông tin và quyền hình ảnh trên mạng Facebook, diễn giả Đào Ngọc Cường phản ánh đến Báo Công lý: “Gần đây một tờ báo có viết bài về một khóa đào tạo đang rất được quan tâm của cộng đồng. Khi viết bài họ đã vào trang fanpage của công ty đang đào tạo khóa học đó lấy ảnh để viết bài. Tuy nhiên bài viết trên trang fanpage đó chính là bài chia sẻ từ bài viết của tôi trên facebook cá nhân tôi. Bài viết của tôi viết về một cậu bé bị tự kỷ mà tôi đang đào tạo bằng phương pháp không liên quan gì đến công ty này. Vì phương pháp của tôi đã được đăng ký ở Cục sở hữu trí tuệ và Cục bản quyền.

Khi đăng bài viết và bức ảnh của tôi đang dạy cháu bé tự kỷ, họ đã chú thích ở dưới là các cơ sở bị đóng cửa. Bạn bè tôi đọc được và gửi cho tôi xem. Các đối tác đọc được thì không mua bản quyền của tôi nữa khiến tôi thiệt hại nặng nề. Học sinh đăng ký học bỏ hết vì sợ. Đặc biệt khi mẹ cháu bé đọc được rất hoang mang lo sợ. Vì tôi đã dạy cho cháu nhiều khóa miễn phí và đang tiến triển rất tốt. Như vậy tờ báo kia đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân tôi và cả những học trò của tôi nữa. Sau khi biết được thông tin tôi đã liên hệ rất nhiều lần họ mới gỡ ảnh của tôi xuống, nhưng họ không có bất cứ câu xin lỗi nào. Mặc dù công ty đào tạo của tôi ỏ Thanh Hóa còn các công ty kia là ở TP. HCM”…

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Luật sư Trịnh Văn Thắng (Công ty luật Intrera, Đoàn luật sư Hà Nội) nhấn mạnh, việc tùy tiện sử dụng hình ảnh và nội dung thông tin trên facebook của người khác để sử dụng vào mục đích riêng đã bị pháp luật nghiêm cấm.

Cụ thể, theo quy định tại điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.

Điều 31 BLDS 2005 quy định:

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình;

2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác;

3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh".

Như vậy, ngay tại khoản 1 đã quy định “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. Đây là sự khẳng định của nhà nước về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của bản thân mình.Thông qua quy định tại điều 31 BLDS năm 2005 cho thấy, nội dung của quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân gồm:

Quyền được phép sử dụng hình ảnh của mình;

Quyền cho người khác sử dụng hình ảnh của mình;

Quyền được bảo vệ đối với hình ảnh của cá nhân trước hành vi sử dụng hình ảnh trái phép.

Theo luật sư Trịnh Văn Thắng, đối với  vấn đề xử lý đối với hành vi xâm phạm hình ảnh, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, luật quy định:

Người bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm uy tín có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo quy định tại điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Căn cứ theo Khoản 8 Điều 9 Luật báo chí quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí bao gồm: Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án”.

Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản quy định:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đăng, phát thông tin sai sự thật nhưng chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng;

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng;

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính, xin lỗi công khai.

Như vậy, từ những quy định trên đây bạn có thể yêu cầu:

Thứ nhất: buộc chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu báo gỡ bỏ bài viết, hình ảnh trong bài viết.

Thứ hai: yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai.

Thứ ba: yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác nếu có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác theo quy định tại điều 121 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

Việc  xác định thiệt hại để bồi thường trong trường hợp danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm:

Theo Điều 611 BLDS 2005 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được xác định như sau:

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự tiện lấy hình ảnh, nội dung trên Facebook của người khác là phạm pháp