Người vi phạm bỏ chạy, CSGT có được quyền truy đuổi?

Như Loan| 04/12/2016 06:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc truy đuổi người vi phạm giao thông bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT, đặc biệt khi người bỏ chạy là người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm bị phát hiện, là phù hợp quy định pháp luật.

Những ngày vừa qua trên mạng xã hội lan truyền thông tin lực lượng CSGT ở huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) rượt đuổi người vi phạm giao thông trên đường, khiến một người chết và một người bị thương nặng.

Nạn nhân là anh Nguyễn Quang Huy (SN 1995, trú tại xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).

Theo một số người dân, vào khoảng 17h chiều (23/11), anh Huy trên đường đi làm về đến đoạn khu công nghiệp Thần Nữ thuộc thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên thì gặp lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Do không đội mũ bảo hiểm nên anh Huy sợ hãi bỏ chạy nhưng sau đó bị CSGT điều khiển xe mô tô đặc chủng đuổi theo.

Quá trình bỏ chạy, do không làm chủ được tốc độ, anh Huy đã đâm mạnh vào chiếc xe đặc chủng chặn phía trước rồi sau đó tiếp tục văng vào 1 học sinh đang điều khiển xe đạp điện đi bên cạnh khiến học sinh này bị thương, còn anh Huy tử vong tại bệnh viện. Cho đến thời điểm này, Công an tỉnh Hà Nam cho biết vẫn đang điều tra làm rõ nguyên nhân.

Người vi phạm bỏ chạy, CSGT có được quyền truy đuổi?

Lực lượng chức năng điều tra vụ việc 

Cách đây chưa lâu, trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xảy ra vụ việc hai thanh niên  thanh niên đi xe máy chạy trốn Cảnh sát 113 đã đâm vào dải phân cách khiến 1 người tử vong.  

Một vụ việc khác liên quan đến người vi phạm bỏ chạy bị truy đuổi dẫn đến tử vong xảy ra  tại xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Sau khi sự việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đổi với 3 chiến sỹ CSGT có liên quan trực tiếp truy đuổi người vi phạm dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.

Liên quan vấn đề này nhiều độc giả gửi câu hỏi đến Báo Công lý thắc mắc về việc, khi người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông quay đầu xe bỏ chạy thì Cảnh sát giao thông có được quyền đuổi người vi phạm hay không?Những trường hợp nào CSGT được truy đuổi người vi phạm? Nếu CSGT truy đuổi người vi phạm dẫn đến tai nạn nghiêm trọng cho người dân thì ai chịu trách nhiệm? 

Bàn luận về quyền truy đuổi người vi phạm, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào của pháp luật về việc cho phép Cảnh sát giao thông (CSGT) truy đuổi người vi phạm luật giao thông mà chỉ có quy định cho phép CSGT dừng xe của người điều khiển vi phạm lại một cách an toàn.

Người vi phạm bỏ chạy, CSGT có được quyền truy đuổi?

Luật sư Trương Quốc Hòe

Việc truy đuổi người vi phạm giao thông bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng xe của CSGT, đặc biệt khi người bỏ chạy là người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm bị phát hiện là phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc truy đuổi của lực lượng CSGT cũng phải đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người vi phạm.

Ngoài ra, cần phải lưu ý rằng, để truy đuổi người vi phạm quy định về an toàn giao thông do xác định đó là hành vi chống người thi hành công vụ thì người thi hành công vụ phải tuân thủ đúng quy định về hiệu lệnh dừng phương tiện và điều kiện để dừng phương tiện.

Trong trường hợp có sự tranh cãi giữa người không tuân thủ hiệu lệnh và người ra hiệu lệnh (người bị truy đuổi cho rằng không nhìn thấy hiệu lệnh …) thì cần phải kiểm tra phương tiện, thiết bị nghiệp vụ (camera giao thông…) để xác định người bị truy đuổi có hành vi vi phạm hay không, hiệu lệnh của CSGT có đúng quy định hay không.

Nếu không có các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ thì cần phải trưng cầu ý kiến của những người làm chứng khách quan (người có mặt tại nơi xảy ra vụ việc và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời làm chứng của mình) để xác định việc dừng phương tiện có đúng hay không, hành vi không chấp hành hiệu lệnh có phải là hành vi chống người thi hành công vụ hay không.

Đối với trường hợp truy đuổi do người vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm và không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe của CSGT: Việc không đội mũ bảo hiểm của người điều khiển phương tiện là vi phạm quy định về an toàn giao thông và nếu như theo quy định trên thì việc truy đuổi của CSGT là không sai. Tuy nhiên, trong trường hợp này không buộc phải truy đuổi bởi vì lỗi không đội mũ bảo hiểm là một lỗi nhẹ, người dân không đội mũ bảo hiểm chỉ vi phạm Luật giao thông đường bộ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính chứ không phải là tội phạm.

Thêm vào đó, việc truy đuổi người không đội mũ bảo hiểm là rất nguy hiểm vì nếu trong quá trình truy đuổi, người điều khiển xe bị ngã có thể dẫn đến chấn thương nặng cho vùng đầu. Vì vậy, CSGT tuyệt đối không nên  truy đuổi và dùng vũ lực để trấn áp khi truy đuổi.

Về trách nhiệm của CSGT khi truy đuổi người vi phạm dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, Luật sư Hòe cho rằng, trong quá trình truy đuổi vì lỗi vô ý hoặc cố ý (có sử dụng vũ lực như đạp đổ xe, chèn ép xe, chặn đầu xe …) dẫn tới người bị truy đuổi bị thương tích hoặc chết người thì tùy theo mức độ của hành vi và tình huống khi đó mà CSGT có hành vi truy đuổi dẫn tới thương tích hoặc chết người có thể bị xử lý kỷ luật (đình chỉ công tác, hạ cấp bậc…), phải bồi thường thiệt hại và thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS), Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 97)…

Luật sư Hòe nhấn mạnh, mặc dù pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc truy đuổi người vi phạm của CSGT nhưng quyền đối với tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, khi phát hiện người vi phạm có lỗi nhẹ nhưng không chịu tuân thủ hiệu lệnh thì CSGT có quyền ghi lại biển số xe của người vi phạm rồi thông báo cho các chốt kiểm tra liền kề hoặc các tổ tuần tra để kịp thời ngăn chặn. Còn đối với những tội phạm nguy hiểm như giết người cướp của..., nếu bỏ chạy thì lực lượng Cảnh sát có quyền truy đuổi, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của mình để bắt và giao lại cho cơ quan có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người vi phạm bỏ chạy, CSGT có được quyền truy đuổi?