Người lột vỏ cây xà cừ chữa bệnh cho vợ bị xử phạt thế nào?

Ls Nguyễn Anh Thơm| 12/02/2017 18:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm , xét về mặt thực tế và lâu dài, việc khoét, lột vỏ cây xà cừ chưa ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh nên cũng cần được xem xét khi xử lý hành vi vi phạm.

Ngày 11-2, Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết đã xác định được người liên quan đến hành vi đục khoét vỏ cây xà cừ nằm giữa dải phân cách trên đường Láng, quận Đống Đa.

Qua công tác điều tra, xác định ông Đoàn Thám (80 tuổi, trú tại số 35 ngõ 53/2 phố Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) là người đục khoét vỏ hàng xà cừ trên đường Láng trong thời gian qua.

Người lột vỏ cây xà cừ chữa bệnh cho vợ bị xử phạt thế nào?

Qua thống kê có khoảng hơn 30 cây xà cừ bị lột vỏ ở đường Láng

Theo lời khai ban đầu, ông Thám có vợ là bà Nguyễn Thị Mai (74 tuổi, cùng trú tại địa chỉ trên), bị bệnh da liễu ở chân, chữa nhiều năm không khỏi. Do được người thân mách lấy vỏ cây xà cừ đun lấy nước ngâm chân sẽ chữa được bệnh của bà Mai, nên trong thời gian qua ông Thám đã thường xuyên mang dao rựa, và một chiếc búa đinh ra hàng cây xà cừ trồng trên dải phân cách giữa đường Láng đục đẽo lấy vỏ thân cây để đun nước chữa bệnh cho bà Mai.

Toàn bộ dụng cụ liên quan đến việc đục đẽo cây cơ quan Công an đã thu được gồm 1 con dao rựa dài 35 cm rộng 7cm, 1 búa đinh cán gỗ dài 30 cm và một số túi nilong. Số vỏ xà cừ do chỉ đun ngâm chân được 1 lần nên ông Thám dùng xong đã vứt vào xe rác.

Ông Thám khai nhận, khoảng 2 đến 3 ngày lại đi đẽo một lần, mỗi lần đục đẽo khoảng từ 3 đến 5 cây xà cừ tại đường Láng. Việc đục đẽo trên nhiều cây là để không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, còn do có kích thước đều 35x35 cm là do con dao rựa chỉ có chiều dài như vậy, những vết đẽo có hình tròn là do phạt các vỏ cây nơi có u mấu trồi ra, ngoài ra không có mục đích nào khác.

Nhìn nhận về tính pháp lý của vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng,  việc quản lý và chăm sóc cây xanh đô thị không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn dân.

Người lột vỏ cây xà cừ chữa bệnh cho vợ bị xử phạt thế nào?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Theo ông Thơm, hàng cây xà cừ nằm giữa giải phân cách trên đường Láng là thuộc loại cây cổ thụ lâu năm có độ tuổi trên 50 năm. Nhà nước ta đã nghiêm cấm các vi xâm hại cây xanh đô thị như: Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây; tự ý xây bục bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép.

Bởi vậy, hành vi của ông Thám đã vi phạm qui định trong lĩnh bảo vệ cây xanh đô thị. Về nguyên tắc mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật.

Xét hành vi vi phạm của ông Thám đã không có động cơ mục đích phá hủy cây xanh. Do tin vào sự mách bảo là lấy vỏ cây xà cừ đun lấy nước ngâm chân sẽ chữa được bệnh nên đã đẽo vỏ cây Xà cừ trên diện tích nhỏ 1 số cây trên dải phân cách đường Láng. Đây là hành vi rất thiếu hiểu biết và đáng trách, dù với động cơ chữa bệnh da liễu cho vợ.

Theo quan điểm của luật sư, xét về mặt thực tế và lâu dài, việc khoét vỏ cây xà cừ chưa ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh nên cũng cần được xem xét khi xử lý hành vi vi phạm.

Hành vi vi phạm của ông Thám đã phạm vào Khoản 1 Điều 49 Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

Ngoài việc bị xử phạt tiền do hành vi vi phạm thì người vi phạm có thể phải khắc phục hậu quả và bồi thường theo qui định pháp luật (nếu có)

Trong trường hợp xét thấy hoàn cảnh gia đình ông Thám khó khăn, là người già, động cơ mục đích khi vi phạm vì lòng nhân đạo cứu vợ bị bệnh, nhận thức pháp luật còn hạn chế,... các cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo cũng đủ sức răn đe và làm gương cho những người có ý định vi phạm.

Điều 49. Vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa

1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh; tự ý ngắt hoa, cắt cành cây; đốt gốc, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lột vỏ cây xà cừ chữa bệnh cho vợ bị xử phạt thế nào?