Luật sư nói về cơ sở pháp lý vụ đưa hai cô gái vào Trung tâm HTXH

Đ.Việt| 29/09/2017 16:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, để xác định hai cô gái có đủ điều kiện được tiếp nhận vào Trung tâm hỗ trợ xã hội (HTXH) hoặc nhà xã hội tại cộng đồng hay không, trước tiên Công an phường cần phải xác minh, điều tra làm rõ hoàn cảnh của hai cô gái.

Trước đó, vào khoảng 16h ngày 18/9, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) và chị Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) cùng đi uống nước với nhóm bạn tại quán cà phê MU (địa chỉ A42, đường D, khu phố 5, phường Tam Bình) thì Công an phường Tam Bình, Q. Thủ Đức, TP.HCM ập vào kiểm tra hành chính chủ quán và khách trong quán.

Do quên mang theo giấy tờ tùy thân (CMTND), chị Nhung và Kiều không thể xuất trình ra khi được yêu cầu nên đã bị Công an phường Tam Bình mời về trụ sở lập biên bản. Sau gần 3 giờ bị đưa về trụ sở, chính quyền phường Tam Bình đã đưa hai cô gái về Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu theo diện người vô gia cư.

Luật sư nói về cơ sở pháp lý vụ đưa hai cô gái vào Trung tâm HTXH

Hai cô gái quên mang giấy tờ tùy thân bị đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP.HCM 

Phóng viên Báo Công lý đã có trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe để làm rõ về vấn đề pháp lý liên quan tới vụ việc này.

Nhìn nhận về tính chất pháp lý xoay quanh vụ việc trên, luật sư Hòe cho biết trong trường hợp các cán bộ Công an phường Tam Bình đang làm nhiệm vụ thì việc kiểm tra Chứng minh nhân dân của Công an phường Tam Bình là có căn cứ và đúng theo theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 9 về kiểm tra Chứng minh nhân dân Nghị định số 05/1999/NĐ – CP sửa đổi bổ sung Nghị định 170/2007/ NĐ- CP và Nghị định 106/2013 thì cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và Công an xã trong khi làm nhiệm vụ được quyền kiểm tra, kiểm soát Chứng minh nhân dân của công dân tại nơi công cộng hoặc phạm vi địa bàn quản lý.

Nếu trong trường hợp hai cô gái trên không xuất trình giấy tờ do quên mang theo, cơ quan chức năng có thể thực hiện xử phạt hành chính hai cô gái, theo quy định tại Điều 9 về vi phạm quy định về quản lý sử dụng Chứng minh nhân dân Nghị định 167/2013/NĐ-CP, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không xuất trình Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.

Ngoài ra, khi phát hiện hai cô gái trên không thể xuất trình Chứng minh nhân dân thì cơ quan chức năng có thể thực hiện tạm giữ người theo thủ tục hành chính được quy định tại nghị định 19/2009/NĐ-CP. Nhưng theo quy định, thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ. Trong trường hợp cần thiết, thì thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài hơn, nhưng cũng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người.

Khi hết thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính, người ra quyết định tạm giữ phải chấm dứt ngay việc tạm giữ đối với người bị tạm giữ và phải ghi vào sổ theo dõi tạm giữ hành chính, có chữ ký xác nhận của người bị tạm giữ. Và theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Nếu vì lý do khách quan mà không thể thông báo được thì phải báo cho người bị tạm giữ biết và phải ghi vào sổ theo dõi tạm giữ.

Đánh giá về việc chính quyền phường Tam Bình, Q. Tân Bình đã đưa chị Nhung và Kiều về Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu theo diện người vô gia cư, luật sư Hòe cho rằng việc xử lý như vậy là sai và có dấu hiệu lạm quyền bởi các đối tượng bảo trợ xã hội đã được quy định rõ tại nghị định 67/2007/NĐ-CP.

Luật sư nói về cơ sở pháp lý vụ đưa hai cô gái vào Trung tâm HTXH

Luật sư Trương Quốc Hòe

Theo luật sư Hòe, để xác định hai cô gái có đủ điều kiện được xem xét tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc nhà xã hội tại cộng đồng hay không, trước tiên Công an phường cần phải xác minh, điều tra làm rõ hoàn cảnh của hai cô gái.  

Trong vụ việc trên một trong hai cô gái được xác nhận là 16 tuổi, tuy nhiên, cô gái chỉ được xem xét tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc nhà xã hội tại cộng đồng nếu thuộc một trong các đối tượng trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng; có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo. Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên.

“Để tránh những vướng mắc không đáng có xảy ra, phía Công an trước tiên cần điều tra, xác minh rõ để có thể đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Ngoài ra, người dân cần có sự hợp tác với cơ quan chính quyền, để có thể phối hợp làm rõ vụ việc, đảm bảo quyền, lợi ích của bản thân”, luật sư Hòe chia sẻ.

Được biết, sau gần 10 ngày về Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu theo diện người vô gia cư hai cô gái này đã được đưa về gia đình do người thân đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ chứng minh nhân thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư nói về cơ sở pháp lý vụ đưa hai cô gái vào Trung tâm HTXH