Luật sư lý giải sự khác nhau về tội danh đe dọa Chủ tịch Đà Nẵng và Bắc Ninh

Đỗ Việt| 20/08/2017 20:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an cho biết đối tượng nhắn tin đe dọa giết Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có nét giống với vụ án đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Tin mới nhất liên quan đến việc Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị một đối tượng nhắn tin đe dọa, lực lượng Công an đã tiến hành bắt giữ ông Đào Tấn Cường - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng, (anh trai của Chánh Văn phòng Thành ủy TP Đà Nẵng) để điều tra về hành vi đe dọa giết người.

Luật sư lý giải sự khác nhau về tội danh đe dọa Chủ tịch Đà Nẵng và Bắc Ninh

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ 

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an cho biết vụ án này được Cục Cảnh sát hình sự và Công an TP.Đà Nẵng phối hợp xử lý sau khi ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng báo công an bị các tin nhắn đe dọa. Sáng 20/8, C45 cũng đã di lý ông Cường ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.

Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, vụ việc nhắn tin đe dọa giết ông Thơ có nét giống với vụ án đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh hồi đầu năm 2017.

Cụ thể, trong hai vụ này, đối tượng đã có hành vi dùng điện thoại di động soạn tin nhắn gửi vào số điện thoại di động của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên vụ việc ở Bắc Ninh, cơ quan tố tụng đã tiến hành khởi tố điều tra và truy tố đối tượng về tội Khủng bố. Còn vụ việc liên quan đến Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, từ chứng cứ ban đầu, cơ quan Công an đang tiến hành điều tra về hành vi đe dọa giết người.

Có sự khác nhau về tội danh 

Sau khi thông tin trên được công bố, đã có nhiều thắc mắc của độc giả về việc tại sao lại có sự khác nhau về tội danh giữa 2 Chủ tịch Đà Nẵng và Bắc Ninh.

Lý giải về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, tội Đe dọa giết người được quy định tại Điều 103 BLHS 1999 với hình phạt cao nhất đến 07 năm tù khi thuộc 1 trong các trường hợp: Đối với nhiều người; Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân…

Theo luật sư Thơm, hành vi đe dọa giết người thể hiện bằng lời nói, hành động như tuyên bố bằng lời, viết thư, gửi tin nhắn qua điện thoại, thư điện tử hoặc đe dọa bằng dao, gậy, súng…

Hành vi đe dọa giết người có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đối với người bị đe dọa. Hành vi dù là trực tiếp hay gián tiếp đe dọa nhưng phải làm cho người bị đe dọa tin rằng người phạm tội sẽ thực hiện hành vi giết người.

Căn cứ để xác định mức độ đe dọa nguy hiểm đến tính mạng với nạn nhân phụ thuộc vào sự đánh giá qua các tiêu chí: nhân thân của người đe dọa và người bị đe dọa; nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn khi có hành vi đe dọa giết người…

Đối với việc đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc lý do công vụ của nạn nhân được thể hiện việc thi hành công vụ hay lý do công vụ đó có ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội nên đối tượng đã chủ động đe dọa giết nạn nhân. Động cơ mục đích nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ được giao.

 Xem xét động cơ mục đích phạm tội 

Theo luật sư Thơm, trong trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần, xâm phạm tự do thân thể của người khác, nhưng không nhằm gây sự hoảng sợ trong công chúng, không nhằm chống chính quyền nhân dân thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng như tội Đe dọa giết người theo Điều 103 BLHS.

Về mặt khách quan đều có hành vi giống nhau nhắn tin đe dọa xâm phạm tính mạng đến người có chức vụ quyền hạn đang thực thi công vụ. Nhưng động cơ mục đích phạm tội là khác nhau.

“Đối với tội Khủng bố theo Điều 84 BLHS mà các đối tượng phạm tội ở Bắc Ninh đã bị đưa ra xét xử, thì thấy việc các đối tượng phạm tội nhắn tin đe dọa xâm phạm tính mạng cán bộ, công chức nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân vì giữa đối tượng phạm tội với cán bộ, công chức không có quan hệ hay mâu thuẫn cá nhân. Chỉ vì những chủ trương chính sách do lãnh đạo Tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật đã bị cho rằng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng nên đã đe dọa ngăn cản thực thi các quy định đó. Đối với việc xảy ra ở Đà Nẵng, nếu kết quả điều tra xác định do mâu thuẫn trong việc điều hành quản lý hành chính của lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng đã có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến đối tượng phạm tội nên đã thù tức đe dọa giết người, thì hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của tội Đe dọa giết người. Hành vi phạm tội được xác định do mâu thuẫn cá nhân, không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân”, Luật sư Thơm nêu quan điểm.

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an, ngoài việc nhắn tin đe dọa sự an toàn tính mạng của ông Huỳnh Đức Thơ, ông Đào Tấn Cường còn có gửi các tin nhắn nội dung tương tự tới một số cán bộ Văn phòng UBND, lãnh đạo Sở thuộc UBND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, chia sẻ trên báo chí, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định bản thân và ông Cường không có quan hệ gì, mà chỉ biết ông Cường là anh trai của Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng Đào Tấn Bằng. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư lý giải sự khác nhau về tội danh đe dọa Chủ tịch Đà Nẵng và Bắc Ninh