Dựng clip “đốt bom khủng bố” giữa nơi công cộng phạm tội gì?

Như Loan| 22/11/2016 15:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 21/11, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - Công an TP Hà Nội) đã làm rõ “tác giả” clip đốt bom khủng bố giữa đường phố Hà Nội là nhóm thanh niên trong độ tuổi 9x.

Trong đó, người khởi xưởng việc làm video clip đốt bom kiểu khủng bố kiểu để người dân hoảng sợ bỏ chạy là Nguyễn Thành Nam (SN 1996 ở thị trấn Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Giúp sức cho Nam trong việc dựng clip này còn có Vương Sơn Lâm (SN 1994, trú tại huyện Gia Lâm), Đào Khôi Nguyên (SN 1996, trú tại, TP.Thái Bình), Vũ Minh Thắng (SN 1996, trú tại huyện Thường Tín), Bùi Quang Minh (SN 1996, trú tại quận Ba Đình).

Dựng clip “đốt bom khủng bố” giữa nơi công cộng phạm tội gì?

Nhóm đối tượng tại cơ quan điều tra

Theo điều tra, đầu năm 2016, Nguyễn Thành Nam thành lập nhóm “Monter NTN” (Monter nghĩa là “quái vật”; NTN là tên viết tắt của Nguyễn Thành Nam) do Nam làm nhóm trưởng, các thành viên gồm Lâm, Nguyên, Minh.

Nhóm hoạt động với các hình thức dựng các clip “trò đùa đường phố” để đăng tải lên mạng xã hội Youtube.com hưởng lợi tiền quảng cáo từ việc người xem clip.

Tháng 10/2016, Nam xem clip khủng bố hồi giáo ném bom trên mạng internet đã khởi xướng việc làm video clip tương tự tại Hà Nội để đăng tải lên mạng xã hội Youtube, hưởng lợi tiền quảng cáo. Nguyên, Lâm, Minh đồng ý việc làm clip do Nam khởi xướng.

Trong hai ngày 31/10 và 1/11/2016, các đối tượng tiến hành làm video clip với tổng số 11 cảnh quay. Trong các cảnh quay, Nam trực tiếp quay phim và hướng dẫn các vai diễn thực hiện kịch bản đốt bom kiểu khủng bố để người dân hoảng sợ bỏ chạy.

Lâm trực tiếp mặc trang phục màu trắng, trùm mảnh vải trắng trên đầu là kiểu trang phục truyền thống của người Ả Rập, tay cầm bom giả đốt và đặt tại những nơi công cộng đã bố trí diễn viên quần chúng để các diễn viên quần chúng vào vai bỏ chạy vì hoảng sợ.

Minh và Thắng cùng các diễn viên thuê trên mạng vào vai người đi đường, người sinh hoạt trong công viên, quán nước và trạm trung chuyển xe buýt, khi thấy đối tượng đốt bom và đặt bom thì bỏ chạy.

Sau khi thực hiện xong các cảnh quay, Nam về nhà ở Thái Bình  sử dụng máy tính cá nhân cắt ghép thành video clip hoàn chỉnh.

Ngày 6/11, Nam sử dụng tài khoản cá nhân Monter NTN đăng tải video clip trên mạng xã hội Youtube.com, sau đó chia sẻ link trên mạng xã hội Facebook để mọi người xem.

Ngoài thành viên trong nhóm, Nam thuê các cá nhân trên mạng làm diễn viên quần chúng với giá 50 nghìn đồng/người.

Có thể thấy, hành vi của nhóm thanh niên trên xuất phát từ việc thiếu hiểu biết pháp luật và rất đáng lên án, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân nơi công cộng và khiến nhiều người dân hoang mang lo lắng.

Nhìn nhận về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội cho rằng, hành vi dựng clip đốt bom khủng bố giữa nơi đông người đã trực tiếp xâm hại đến 3 khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh:

Thứ nhất, xâm hại đến an ninh quốc gia: đó là độc lập, chủ quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân.  

Thứ hai, xâm hại đến trật tự an toàn công cộng, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân nơi công cộng và khiến nhiều người dân hoang mang lo sợ.

Thứ ba, xâm hại an toàn trong hoạt động của hệ thống máy tính có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, các tổ chức và đời sống xã hội không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà lan truyền trên toàn Thế giới.  

Theo quan điểm của luật sư Thơm, về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh theo đúng các qui định của pháp luật. Tuy nhiên khi xem xét đến hành vi phạm tội của các đối tượng cũng cần phải đánh giá và xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý theo các tội danh tương ứng được qui định tại Bộ luật hình sự.

Kết quả điều tra của PC50 CATP Hà Nội đã làm rõ, toàn bộ các đối tượng đã dàn dựng clip từ người đóng giả IS mang bom đến người bị quăng bom là cùng ekip, thực hiện nơi công cộng đã gây mất trật tự trị an, gây hoang mang lo sợ cho người dân nên các đối tượng có đã dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật hình sự.  

Mặt khác, sau khi dàn dựng clip quăng bom nơi công cộng, các đối tượng đã đưa lên mạng xã hội Youtube.com để kiếm tiền quảng cáo từ việc nhiều người xem. Đây là hành vi đưa trái phép các thông tin trên mạng Internet nên các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo Điều 226 Bộ luật hình sự.  

Tùy theo sự đánh giá về tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà các đối tượng đã gây ra thì các cơ quan chức năng có thể xử lý về hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội: 

1/ Tội gây rối trật tự công cộng theo điều 245 Bộ luật hình sự hoặc xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013

2/ Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo Điều 226 Bộ luật Hình sự hoặc xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 qui định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần sô vô tuyến điện.

Điều 226. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet

c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dựng clip “đốt bom khủng bố” giữa nơi công cộng phạm tội gì?