Về vụ căng băng-rôn đi đòi nợ tại Thanh Hóa: Khởi tố vụ án là có phần thiên lệch?

Nhóm PV| 09/03/2016 21:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như chúng tôi đã thông tin, những ngày giáp Tết Nguyên đán vừa qua (ngày 2/2/2016), dư luận xôn xao về hành vi căng băng - rôn, khẩu hiệu đi đòi nợ của nhóm 5 nhân viên Công ty KVS bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố theo Điều 258 BLHS.

Đi đòi nợ bị khởi tố

Như vậy, bước đầu CQĐT xác định các hành vi của họ có dấu hiệu của Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có một số rất ít ý kiến đồng tình với quyết định này vì cho rằng nếu nợ thì nhờ pháp luật can thiệp, giải quyết chứ không nên ầm ĩ như vậy.

Nhưng, đa số ý kiến cho rằng, việc ra quyết định khởi tố vụ án theo Điều 258 BLHS của Công an tỉnh Thanh Hóa là khiên cưỡng và có phần thiên lệch. Trao đổi với PV, Công ty KVS khẳng định, trong Công văn gửi cho Công ty, Công an tỉnh Thanh Hóa xác nhận việc ông Đoan còn nợ tiền của Công ty KVS và của cá nhân ông Cao Văn Sơn là có thật. Việc nợ nần này đến nay vẫn chưa được thanh toán. KVS cho biết, nếu theo đúng hạn, hợp đồng ký giữa Công ty KVS và Tổng Công ty BĐS Đông Á do ông Đoan là Tổng Giám đốc kết thúc vào tháng 11/2012. Tại thời điểm này, lẽ ra ông Đoan và BĐS Đông Á phải hoàn lại cho KVS toàn bộ số tiền gốc 25 tỷ và 9 tỷ đồng tiền lợi nhuận theo cam kết.

Về vụ căng băng-rôn đi đòi nợ tại Thanh Hóa: Khởi tố vụ án là có phần thiên lệch?

Chiếc ô tô được căng băng rôn

Theo ông Sơn, 3 năm trước, ông Đoan có hoàn lại 3 tỷ đồng tiền gốc và một phần nhỏ lợi nhuận cho KVS rồi… bặt tăm. Vì thế, Công ty KVS đã nhiều lần gửi công văn, trực tiếp vào Thanh Hóa làm việc nhưng ông Đoan tìm mọi lý do để không phải trả cho họ khoản tiền còn nợ. “Việc này gây nhiều tổn thất kinh tế cho Công ty chúng tôi. Do ông Đoan giữ tiền, nên chúng tôi mất nhiều cơ hội đầu tư. Công ty thì luôn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và 2 Sở Giao dịch liệt vào dạng cảnh báo vì món nợ khó đòi này. Gần đây, Công an tỉnh Thanh Hóa liên tục triệu tập nên nhiều nhân viên của chúng tôi hoang mang, bỏ việc khiến cho KVS gần như không hoạt động được”, ông Cao Văn Sơn bộc bạch. Ông Sơn cho biết thêm, ông đã gửi đơn khởi kiện gần 1 năm nay chưa giải quyết xong và đang bị tạm đình chỉ. Vậy là ông Đoan vẫn ung dung cầm tiền của KVS, trong khi nhân viên KVS như người phạm tội chỉ vì vào Thanh Hóa thúc giục ông ta trả nợ.

Có hình sự hóa vụ việc?

Theo ý kiến của một số chuyên gia pháp luật, đây chỉ đơn thuần là vụ đòi nợ dân sự, vì thế cơ quan chức năng nên giải thích cho người dân quyền, nghĩa vụ, các hậu quả pháp lý và hướng dẫn họ chứ không nên hình sự hóa các mối quan hệ hành chính. Luật sư Nguyễn Tố Loan (Trưởng Văn phòng Luật sư Hà An) cho rằng, trong vụ án này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã vi phạm nghiêm trọng Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự khi CQĐT quá hạn 7 tháng mới ra quyết định khởi tố vụ án. Bởi lẽ, việc khởi tố vụ án trên cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa căn cứ vào Thông tư liên tịch số 06 ngày 2/8/2013 của BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch này không có điều nào quy định sau 7 tháng được khởi tố vụ án.

Theo phản ánh của nhóm 5 người bị khởi tố trong vụ án này thì 3 người trong số họ, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, ông Trịnh Minh Quân, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, họ liên tục bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệu tập lấy cung. Thậm chí, kể cả trước Tết Nguyên đán 1 ngày đơn vị này còn gửi giấy triệu tập yêu cầu họ vào Thanh Hóa. Thông thường, giấy triệu tập phải được gửi ít nhất trước từ 5-7 ngày để người bị triệu tập còn chuẩn bị kế hoạch đi lại, nhất là những ngày giáp Tết, giao thông đi lại đông đúc và khó khăn vô cùng.

Bà Bình cho biết thêm, diễn biến vụ việc như thế nào thì Công an TP. Thanh Hóa đã nắm rõ và ghi lại biên bản vì họ bị giữ từ 14 giờ đến 23 giờ ngày 26/5/2015. Vậy mà, nay Công an tỉnh liên tục triệu tập họ vào Thanh Hóa lấy khẩu cung như vụ trọng án đã gây rất nhiều khó khăn cho họ do đường xá xa xôi, đảo lộn hoàn toàn công việc, cuộc sống gia đình họ.

Thiết nghĩ, những vụ việc căng băng - rôn, khẩu hiệu của người dân về một vấn đề nào đó là thể hiện thái độ bức xúc, hoặc muốn khiếu nại một vấn đề, một sự thật nào đó. Các cơ quan chức năng khi giải quyết vụ việc nên xem xét động cơ của việc làm này để tránh ban hành những quyết định không đúng với bản chất vấn đề.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tố Loan, Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 15/PC44 của Công an tỉnh Thanh Hóa chưa xác định được hành vi của 5 nhân viên KVS đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp gì của ông Cao Tiến Đoan hay không? Còn thực tế hành vi ông Cao Tiến Đoan vay tiền của KVS và ông Cao Văn Sơn để sử dụng thì ông Sơn cho biết: “Ông Đoan không đầu tư một đồng nào vào dự án, tiền mang đi đâu không rõ. Hiện số tiền vay này đã quá hạn nhiều năm, gây thiệt hại rất lớn cho KVS, có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về vụ căng băng-rôn đi đòi nợ tại Thanh Hóa: Khởi tố vụ án là có phần thiên lệch?