Uông Bí, Quảng Ninh: Có hành chính hóa quan hệ thương mại?

Toàn Vũ| 01/11/2018 10:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, chưa được giải quyết theo quy định thì doanh nghiệp lại phải chịu “phán quyết hành chính”. Vụ việc đang được hàng trăm gia đình công nhân lao động quan tâm vì đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Ngày 20/2/2015, Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Công ty Tân Việt Bắc) ký Hợp đồng số 015/II/2015/PT.VE – TAN VIET BAC CO với Công ty PT.Vietmindo Energitama. Theo đó, Công ty Tân Việt Bắc có trách nhiệm thực hiện trọn gói các công việc khoan, nổ mìn; bốc xúc vận chuyển đất đá và than nguyên khai trên khai trường mỏ Công ty Vietmindo tại Uông Bí, Quảng Ninh. Thời hạn hợp đồng là 5 năm, tính từ ngày 10/3/2015, khối lượng bóc đất đá tối thiểu 4 triệu mét khối/năm và 500 nghìn tấn than/năm.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty Tân Việt Bắc cho biết, để thực hiện hợp đồng trên, doanh nghiệp đã đầu tư mua sắm thiết bị máy móc trị giá khoảng 200 tỷ đồng và tuyển dụng hơn 300 lao động làm việc thường xuyên trên công trường; đáp ứng việc khoan, nổ mìn, bốc xúc đất đá và than nguyên khai. Ngoài ra, đơn vị còn đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa đường vận chuyển, hệ thống thoát nước, hệ thống bờ cơ tầng, bể lắng, hạ tầng với giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Cũng theo ông Bắc, quá trình thực hiện hợp đồng từ năm 2015 đến khi xảy ra bất đồng giữa hai bên, doanh nghiệp không vi phạm các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên, ông Bắc cũng thừa nhận có duy nhất 1 quý thiếu hụt khối lượng do thời tiết mưa nhiều. Vì thế, công ty đã chấp nhận phạt theo hợp đồng và đã khắc phục kịp thời bằng cách tăng cường sản xuất để bù đắp khối lượng, kết quả thực hiện vượt khối lượng cả năm đề ra.

Uông Bí, Quảng Ninh: Có hành chính hóa quan hệ thương mại?

Đã có nhiều biên bản làm việc về vụ việc

Nhưng ngày 2/7/2018, Công ty Vietmindo đã gửi cho Tân Việt Bắc văn bản số 257/LO-VE/CEO/TVB/VII/2018 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng nói trên. Cho rằng việc Vietmindo đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng nên Tân Việt Bắc phản hồi tại hàng loạt các văn bản. Trong đó, Tân Việt Bắc khuyến cáo, công ty chỉ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và rút toàn bộ thiết bị khỏi công trường sau khi hai bên chấp nhận đàm phán, thương lượng và bồi thường thiệt hại. Trường hợp bất đồng giữa hai bên không thương lượng được thì các bên có thể đưa ra Tòa án, Trọng tài có thẩm quyền.

Gần đây nhất, ngày 24/10/2018, UBND thành phố Uông Bí chủ trì cuộc họp bao gồm một số phòng ban hữu trách và đại diện Công ty Vietmindo, Tân Việt Bắc và Công ty Tuấn Minh (là đơn vị thay thế hợp đồng của Tân Việt Bắc) tham gia. UBND thành phố Uông Bí đã kết luận:Yêu cầu Công ty Tân Việt Bắc di chuyển hết các phương tiện ra khỏi một số tuyến đường nội bộ về khu vực tập kết đã giao cho Công ty Tân Việt Bắc, thời gian thực hiện xong trước ngày 31/10/2018. Sau thời hạn trên, nếu Công ty Tân Việt Bắc chưa di dời hết phương tiện, UBND thành phố giao UBND phường Vàng Danh chủ trì, phố hợp với Công an thành phố và các đơn vị có liên quan tiến hành di chuyển các phương tiện nêu trên về khu vực tập kết, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong khu vực, thời gian thực hiện xong trước ngày 5/11/2018”.

Ông Bắc cho biết, việc Công ty chưa rút thiết bị ra khỏi khai trường đã nhận và thực hiện khai thác (chưa bàn giao lại cho Vietmindo) là biện pháp để Công ty Vietmindo phải thanh toán khối lượng đơn vị đã thi công và đền bù thiệt hại do Vietmindo đơn phương phá vỡ hợp đồng. Doanh nghiệp không thể thực hiện yêu cầu của UBND TP Uông Bí, trong khi vụ việc đang được giải quyết ở giai đoạn tiền tố tụng là thỏa thuận, hòa giải nhưng chưa có kết quả.

Theo Luật sư Trương Minh Tùy, tranh chấp giữa hai đơn vị là tranh chấp kinh doanh thương mại, do vậy nếu có yêu cầu UBND các cấp tham gia thì các cơ quan trên chỉ đóng vai trò trung gian hòa giải, chứ không phải là người có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp hòa giải không thành thì lập biên bản hòa giải không thành, đồng thời hướng dẫn các bên khởi kiện ra Trọng tài, Tòa án theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Tranh chấp liên quan đến việc thực hiện hợp đồng và Công ty Tân Việt Bắc không vi phạm về hành chính nên UBND các cấp không có thẩm quyền để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. UBND các cấp không có thẩm quyền để thực hiện biện pháp cưỡng chế theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Bất cứ hành vi hay quyết định hành chính nào nhằm cưỡng chế di dời các phương tiện của Công ty Tân Việt Bắc sẽ là trái pháp luật. Trong trường hợp này, việc khắc phục hậu quả phát sinh hàng chục tỷ đồng sẽ phải được giải quyết theo quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Uông Bí, Quảng Ninh: Có hành chính hóa quan hệ thương mại?