Tp. Hồ Chí Minh: Vụ án 5 năm vẫn chưa xác định được… bị hại

congly.com.vn| 13/04/2012 11:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đối tượng có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác đã bị khởi tố, bắt tạm giam, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 15 năm tù. Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, vụ án vẫn chưa thể khép lại được bởi lẽ… chưa xác định được bị hại!


Sơ thẩm lần đầu: bị can, bị hại đã rõ…


Tháng 3-2001,ông Nguyễn Văn Tấn và ông Lê Văn Nga cùng chuyển nhượng 7.153m2 đất thuộc thửa 189, 193 tờ bản đồ số 7, 8 tọa lạc tại xã Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh (nay là phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh) cho ông Nguyễn Văn Tuân. Đôi bên xác lập giao dịch bởi hợp đồng viết tay, không có chứng nhận của cơ quan chức năng và đã hoàn tất việc nhận tiền, giao đất với thỏa thuận khi ông Tuân sang nhượng đất cho người khác thì ông Tấn và ông Nga sẽ ký tên sang nhượng trực tiếp vào hợp đồng sang nhượng chính thức (hợp lệ).


Tháng 7-2001, ông Nguyễn Văn Tuân sang nhượng lại 7.153m2 đất này cho ông Mai Văn Phương (cũng bằng hợp đồng viết tay). Ông Phương đã phân lô và chuyển nhượng lần lượt cho các cá nhân khác hết toàn bộ diện tích 7.153m2.


Do muốn có tiền tiêu xài cá nhân nên Lê Đức Thiện (là “cò” đất) nảy sinh ý định chuyển nhượng bất hợp pháp một phần đất trong diện tích 7.153m2, nhờ người khác đứng tên, sau đó chuyển nhượng cho người có nhu cầu để hưởng lợi bất chính. Để thực hiện ý định trên, Thiện đề nghị Nguyễn Quốc Hoàng đứng tên quyền sử dụng bất hợp pháp 719m2 đất tại thửa 189 và 193, tờ bản đồ số 7, 8 tọa lạc tại xã Bình Hưng Hòa, mà ông Mai Văn Phương đã sang nhượng cho người khác. Thiện ký tên vào các văn bản với tư cách người làm chứng, không góp đồng vốn nào.


Cụ thể: Tháng 4-2004, Lê Đức Thiện nhờ ông Nguyễn Văn Tuân (với tư cách là người trực tiếp nhận chuyển nhượng đất trước đây) đưa đến nhờ ông Tấn, ông Nga và các thành viên trong hộ gia đình ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng đất theo mẫu hợp lệ và yêu cầu ông Tấn, ông Nga cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để tách thửa. Việc này, ông Mai Văn Phương và những người được ông Phương chuyển nhượng đất hoàn toàn không biết. Sau đó, Thiện thực hiện thủ tục chuyển nhượng 569m2 từ ông Tấn và 222m2 từ ông Nga sang cho Nguyễn Quốc Hoàng (tổng cộng 791m2). Trong các loại giấy tờ thủ tục sang nhượng đất, có tờ do Hoàng ký tên, có tờ do Thiện tự ký giả tên Hoàng.


Đến ngày 21-5-2004, Nguyễn Quốc Hoàng được UBND quận Bình Tân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Đ540271 (vào sổ cấp giấy số 4193/QSDĐ) đối với diện tích đất 791m2. Ngày 9-8-2004, Nguyễn Quốc Hoàng cùng vợ là Lâm Dạ Thảo đã sang nhượng quyền sử dụng toàn bộ diện tích 719m2 đất cho ông Trịnh Kiên Cường, với giá 1.344.700.000 đồng. Theo yêu cầu của Thiện, ngày 26-10-2004, Hoàng chuyển cho Thiện 950.000.000 đồng, Hoàng còn chiếm giữ lại 350.000.000 đồng, số còn lại đã chi phí cho dịch vụ môi giới.


Cơ quan điều tra, VKSND Tp. Hồ Chí Minh đã xác định Lê Đức Thiện là bị can của vụ án (Nguyễn Quốc Hoàng là đối tượng liên quan nhưng đã bỏ địa phương đi đâu không rõ, chưa có điều kiện làm rõ hành vi có hay không đồng phạm trong vụ án này), bị hại là ông Trịnh Kiên Cường. Theo đó, ngày 19-5-2009, TAND Tp. Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Lê Đức Thiện 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phải bồi thường cho ông Trịnh Kiên Cường 1.344.700.00 đồng.


Vụ án kéo dài vì xác định nhầm bị hại...?


Có lẽ, ai cũng nghĩ vụ án như vậy đã được khép lại, kẻ phạm tội đã bị pháp luật trừng trị, người bị hại chờ được thi hành án. Tuy nhiên, những diễn biến mới phát sinh khi bị cáo Lê Đức Thiện kêu oan và bị hại Trịnh Kiên Cường cho rằng không phải là bị hại trong vụ án như án sơ thẩm đã tuyên?


Trở lại diễn biến của vụ án cho thấy: Ngày 22-8-2006, Cơ quan điều tra Công an quận Bình Tân có Công văn số 2237/CSĐT( KT) đề nghị UBND quận Bình Tân ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng 791m2 đất số Đ540271 đã cấp cho Nguyễn Quốc Hoàng. Ngày 23-11-2006, UBND quận Bình Tân đã ban hành Quyết định số 5487/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận nêu trên (sau đây gọi tắt là QĐ 5487). Ông Trịnh Kiên Cường đã khiếu nại và sau đó đã khởi kiện ra TAND quận Bình Tân yêu cầu UBND quận Bình Tân hủy QĐ 5487. Ngày 28-8-2008, TAND quận Bình Tân đã xét xử sơ thẩm và tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Cường, giữ nguyên QĐ 5487. Ông Cường kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Trong các ngày 7 và 13-7-2009, TAND Tp. Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm và quyết định: Chấp nhận kháng cáo của ông Trịnh Kiên Cường; hủy QĐ 5487. Như vậy, ông Nguyễn Quốc Hoàng vẫn là chủ sở hữu hợp pháp của diện tích 791m2 đất đã bán cho ông Cường.


Liên quan đến kháng cáo của bị cáo Lê Đức Thiện và bị hại Trịnh Kiên Cường trong vụ án hình sự, ngày 18-8-2009, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm và quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra lại với lý do: Việc điều tra ở cấp sơ thẩm đã không đầy đủ và xác định sai tư cách người tham gia tố tụng. Sau đó, Cơ quan điều tra và VKSND Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra và lần này xác định bị can của vụ án là Lê Đức Thiện, chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Văn Tấn và Lê Văn Nga.


Ngày 26-4-2011, TAND Tp. Hồ Chí Minh đưa vụ án Lê Đức Thiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xét xử sơ thẩm (lần 2). Lần này, hồ sơ vụ án lại phải quay trở lại Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, vì theo HĐXX, nhiều vấn đề thuộc về chứng cứ, nội dung vụ án chưa được làm rõ và có vi phạm thủ tục tố tụng. Đặc biệt, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, ông Tấn, ông Nga khẳng định không bị thiệt hại gì, không nhận là bị hại của vụ án, do vậy HĐXX phải tạm dừng phiên tòa, tiếp tục trả lại hồ sơ để điều tra làm rõ các vấn đề trên.

Quang Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tp. Hồ Chí Minh: Vụ án 5 năm vẫn chưa xác định được… bị hại