Tp. Hồ Chí Minh: Đất thổ miếu cũng bị tranh phần

congly.com.vn| 13/04/2012 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi đến làng Tân Nhơn, tổng An Thủy, tỉnh Gia Định (nay là khu phố 5, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh) khai hoang lập ấp, các bậc tiền nhân có dựng lên ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ trên phần đất của gia tộc ông Nguyễn Văn Đây. Sau đó, các vị trưởng lão đã hùn tiền mua thửa đất trên của gia đình ông Đây để làm thổ miếu. Thế nhưng một số người lợi dụng là con cháu c

Vào năm 1933, 30 vị trưởng lão trong làng Tân Nhơn đã hùn tiền mua hơn 1,6ha đất của gia đình ông Đây để làm thổ miếu. Tờ bán đất ghi rõ: “Nay chúng tôi bằng lòng bán đứt hết số đất này cho trong họ tộc mua đặng làm đất thổ miếu (…) trong họ mua để tên Nguyễn Văn Chấn 38 tuổi cũng ở trong làng Tân Nhơn, tên này đứng giấy gìn giữ, mỗi năm đóng thuế đất mà thôi. Còn giao ngày sau tên này và con cháu không đặng buôn bán đất này”.


Sau khi mua đất lập thổ miếu, người dân làng Tân Nhơn tiến hành trùng tu lại ngôi miếu. Việc thờ cúng, làng có lập “Hội miếu”, mỗi năm cử hai người làm thủ bổn để trực tiếp nhang khói và tiếp lễ với dân làng cũng như khách thập phương đến cúng bái. Việc thờ cúng này vẫn duy trì cho đến ngày nay. Không những thế, ông Dương Văn Đẩu, một cán bộ cách mạng lão thành ở khu phố 5, phường Linh Trung cho biết: Trong hai cuộc kháng chiến, miếu Bà Chúa Xứ Gò Cát (nay là miếu Bà Chúa Xứ Vườn Lan) là căn cứ hoạt động cách mạng. Chính tại miếu Bà Chúa Xứ này ta đã tập hợp, tổ chức lực lượng tham gia cướp chính quyền vào tháng Tám năm 1945. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, miếu Bà Chúa Xứ Vườn Lan là nơi nuôi giấu cán bộ và cũng là căn cứ hoạt động cách mạng. Sau đó, địch phát hiện. Chúng cho xe ủi san bằng toàn bộ hầm bí mật và địa đạo nơi đây. Không ít đồng chí của ta đã hy sinh trong trận càn quét này.

Ông Nguyễn Văn Chấn chết. Con ông Chấn là ông Nguyễn Văn Hữu tiếp tục quản lý, đóng thuế đất. Năm 1971, được sự cho phép của Hội miếu, ông Hữu lập hợp đồng cho ông Trần Kim Thử thuê một phần đất miếu để trồng lan, lấy tiền trang trải việc nhang khói thờ cúng miếu bà. Sau 30-4-1975, Hội miếu vẫn cho ông Thử thuê đất trồng lan.

Bảng công đức ghi tên 30 người góp tiền mua đất lập thổ miếu


Năm 1991, bà Lương Huỳnh Hoa, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Mơ (cháu nội của ông Chấn) có đơn khiếu nại xin lại phần đất miếu Bà Chúa Xứ Vườn Lan. Việc làm này đã bị ông Nguyễn Văn Hữu, người đang quản lý và đóng thuế, có đơn phản đối. Ông Hữu khẳng định: Việc bà Mơ, bà Hoa, bà Dung khiếu nại đòi đất thổ miếu là việc làm nghịch lý. Vì đất họ tộc ủy nhiệm cho ông Nguyễn Văn Chấn chỉ đứng tên, đóng thuế mà thôi. Còn tiền bỏ ra mua là của chung 30 vị trưởng lão trong làng. Do đó, phần đất thổ miếu là tài sản chung của cộng đồng con cháu họ tộc làng Tân Nhơn.


Ngày 21-11-1995, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Trương Tấn Sang ký Quyết định số 7838/QĐ-UB-NC về việc giải quyết khiếu nại đã bác đơn khiếu nại của bà Mơ, bà Hoa, bà Dung xin lại phần đất 16.320m2. Giao phần đất này cho UBND huyện Thủ Đức quản lý, khi có kế hoạch sử dụng đất phần đất này phải có sự phê duyệt của UBND Thành phố và giải quyết những tồn tại theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Đây là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng. Theo đó, UBND huyện Thủ Đức vẫn giữ nguyên hiện trạng miếu Bà Chúa Xứ Vườn Lan. Việc thờ cúng vẫn tổ chức bình thường.


Các bà Mơ, bà Hoa, bà Dung tiếp tục khiếu nại. Theo đó, từ năm 2000 đến 2010, các Phó chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh lần lượt ký các Quyết định số 4948/QĐ-UB-TD ngày 27-7-2000; Quyết định số 4962/QĐ-UB ngày 10-8-2001, Quyết định số 718/QĐ-UB ngày 19-2-2003 và Quyết định số 4752 ngày 15-10-2010 chấp thuận cho gia tộc của Mơ bà Dung và bà Hoa được hưởng ½ phần đất diện tích 16.320m2 (đã trừ lộ giới) trong đó có miếu thờ của gia tộc đến quyết định cuối cùng là chấp nhận giao cho gia tộc chị em bà Mơ (5 người) tổng cộng 1.000m2 đất.


Việc UBND Tp. Hồ Chí Minh chấp nhận giao đất miếu Bà Chúa Xứ Vườn Lan cho gia tộc bà Mơ đã gặp sự phản ứng quyết liệt của những người dân ở khu phố 5, phường Linh Trung. Ông Dương Quang Đẩu lý giải: Đất này là của 30 người làng Tân Nhơn cũ mua để làm đất thổ miếu. Trước giải phóng, Hội miếu có cho thuê đất trồng lan. Tuy nhiên, Nhà nước khi thực hiện chính sách cải tạo nhà đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh thành phía Nam đều thực hiện đúng như qui định tại khoản 1 mục III Quyết định 111/CP ngày 14-4-1977 của Hội đồng Chính phủ: “Nhà nước bảo hộ mọi nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo, thánh thất được thực sự và thuần túy dùng vào việc thờ cúng hành đạo”. Tất cả các miếu thờ Bà Chúa Xứ đều được tôn tạo, mở rộng thêm để làm nơi thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian. Bên cạnh đó, đất thổ miếu này là tài sản chung hợp nhất không phân chia như quy định tại Điều 234 Bộ luật Dân sự: “Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán… tài sản chung của cộng đồng là tài chung hợp nhất không phân chia”. Việc UBND Tp. Hồ Chí Minh chấp nhận cho gia tộc bà Mơ sử dụng 1.000m2 đất thổ miếu là không thấu tình đạt lý.


Trước khiếu nại của người dân khu phố 5, phường Linh Trung, vừa qua, Thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh có ý kiến chỉ đạo Thanh tra thành phố nghiên cứu kỹ đơn khiếu nại của ông Nguyễn Tấn Cường và một số hộ dân; đơn của bà Nguyễn Thị Mơ; tiếp xúc các bên có liên quan để làm rõ nguyện vọng; tổng hợp báo cáo đề xuất biện pháp giải quyết và dự thảo văn bản trình Thường trực UBND thành phố xem xét, quyết định.


Tâm nguyện của người dân ở đây là mong muốn giữ nguyên Quyết định số 7838/QĐ-UB-NC ngày 21-11-1995 do Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Trương Tấn Sang ký. Đây là quyết định hợp tình, hợp lý, điều chỉnh rốt ráo các quan hệ pháp luật tranh chấp. Thiết nghĩ, mong muốn trên của người dân khu phố 5, phường Linh Trung, quận Thủ Đức là rất chính đáng.

Văn Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tp. Hồ Chí Minh: Đất thổ miếu cũng bị tranh phần