TP.HCM: Những bất hợp lý của một quyết định thu hồi đất

congly.com.vn| 13/04/2012 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) đã thực hiện đầy đủ thủ tục thuê 10,3ha đất tại huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh để xây dựng kho tồn trữ nhiên liệu phục vụ việc cung ứng nhiên liệu hàng không tại khu vực phía Nam. Tuy nhiên, diện tích đất này lại bị UBND Tp. Hồ Chí Minh thu hồi giao cho đơn vị khác thuê vì lý do không thuyết phục...

Bỗng dưng… bị thu hồi


Ngày 21-11-2001, UBND Tp. Hồ Chí Minh có Quyết định số 7755/QĐ-UB cho Vinapco thuê trên 10,3 ha đất tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè để xây dựng kho tồn trữ nhiên liệu phục vụ việc cung ứng nhiên liệu hàng không tại khu vực phía Nam (đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất) và dự trữ quốc gia về nhiên liệu hàng không. Hơn 3 năm sau, đầu năm 2005, Sở Tài nguyên & Môi trường(TN&MT) Tp. Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Vinapco. Trên thực tế, khu đất tuy đã được giao cho Vinapco nhưng mặt bằng vẫn chưa được giải phóng. Tháng 6-2008, dưới sự chỉ đạo của UBND Tp. Hồ Chí Minh, UBND huyện Nhà Bè đã có các quyết định cưỡng chế, giải phóng khu đất trên. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các quyết định cưỡng chế, vẫn còn một số hộ dân khiếu kiện. Từ đó đến nửa đầu năm 2011, Vinapco luôn cùng Sở TN&MT và Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh phối hợp giải quyết các khiếu nại này...


Nhưng ngày 7-6-2011, dựa trên đề nghị của Giám đốc Sở TN&MT tại Công văn số 2557/TNMT (ngày 9-5-2011), UBND Tp. Hồ Chí Minh có Quyết định số 2882/QĐ-UBND chấm dứt việc thuê đất của Vinapco để cho doanh nghiệp khác thuê. Theo tìm hiểu của PV, khởi nguồn của việc ban hành quyết định này được dựa trên đề nghị của Công ty cổ phần Kho cảng Xăng dầu Hàng không miền Nam (sau đây viết tắt là Sapl) tại Công văn số 09/CV/SAPL-2011 về việc lập thủ tục xin thuê và cấp GCNQSDĐ gửi UBND Tp. Hồ Chí Minh và Sở Tài nguyên & Môi trường.

Vinapco cung cấp nhiên liệu bay chủ yếu cho các hãng hàng không Việt Nam


Theo đó, Sapl cho rằng, khu đất mà họ muốn thuê là khu đất đã được UBND Tp. Hồ Chí Minh cho Vinapco thuê từ năm 2001. Vinapco đã hoàn tất việc đền bù và được cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Vinapco không tiến hành xây dựng nên đã có một số hộ dân lấn chiếm. Năm 2008, Sapl được thành lập trên cơ sở vốn góp của các cổ đông, trong đó có Vinapco. Trong phần vốn góp của Vinapco có một phần tiền được tính bằng tiền đền bù giải phóng mặt bằng và một số chi phí coi giữ đất, giao dịch, lãi ngân hàng... trị giá trên 18 tỷ đồng. Cùng trong năm 2008, Vinapco đã bàn giao đất cho Sapl và Sapl đã tiến hành dọn dẹp mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng tổng kho xăng dầu... Sau đó, Sapl kiến nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh và Sở TN&MT cho thuê và cấp GCNQSDĐ tại khu đất mà Vinapco đã được thuê.


Ngày 6-4-2011, UBND Tp. Hồ Chí Minh có Phiếu chuyển số 9893/VP-ĐTMT chuyển Công văn số 09 của Sapl đề nghị Sở TN&MT hướng dẫn giải quyết theo quy định. Sau đó, Sở TN&MT có Văn bản số 2557/TNMT-QHSDĐ gửi UBND Tp. Hồ Chí Minh với những nhận định như Công văn số 09 của Sapl và đề nghị chấm dứt việc cho Vinapco thuê đất để cho Sapl thuê. Trên cơ sở này, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có quyết định như đã nêu trên.


Liệu có công bằng?


Trước quyết định của UBND Tp. Hồ Chí Minh, Vinapco liên tục có các văn bản đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh và Sở TN&MT giải thích nguyên nhân thu hồi đất, đề nghị tiếp tục được thuê đất để xây dựng tổng kho xăng dầu tại huyện Nhà Bè bởi Vinapco đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khi được thuê đất đến ngày 30-6-2011. Việc Sở TN&MT có Công văn 2557 cho rằng, Sapl nộp tiền thuê đất thay Vinapco là sai sự thật. Từ khi được bàn giao đất đến ngày 1-3-2011, Vinapco luôn cùng Sở TTN&MT giải quyết đền bù, di dời tái định cư cho dân; đã có phương án triển khai xây dựng vào cuối năm 2011. Mặt khác, Vinapco cũng chưa có bất kỳ một văn bản nào góp vốn vào Sapl bằng giá trị bồi thường và các chi phí khác đã đầu tư của dự án như Sở Tài nguyên & Môi trường nêu trên. Hơn nữa, việc UBND Tp. Hồ Chí Minh thu hồi đất của Vinapco, rồi giao ngay cho Sapl, không thông báo trước, không bàn bạc... là không đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, Vinapco chưa hề nhận được Công văn số 2257 của Sở TN&MT Tp. Hồ Chí Minh.


Vì lẽ đó, Vinapco liên tục đề nghị được làm việc với UBND Tp. Hồ Chí Minh và Sở TN&MT để làm rõ các khúc mắc trên. Đáp lại đề xuất của Vinapco, Sở Tài nguyên & Môi trường chỉ có văn bản trả lời với các nội dung như của Sapl tại Công văn số 09. Ngoài ra Sở này còn cho rằng, Vinapco đã bàn giao khu đất trên cho Sapl (bằng biên bản bàn giao ngày 4-8-2008, có đại diện của Vinapco, Sapl, UBND xã Phú Xuân). Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Vinapco thì Biên bản bàn giao đó thể hiện người ký đại diện cho Vinapco là một Phó Tổng giám đốc (không được uỷ quyền, không có thẩm quyền, không có con dấu của Vinapco). Tại thời điểm này, vị Phó Tổng giám đốc này đã chuyển cơ quan khác và giấu diếm việc làm trên. Như vậy, theo vị lãnh đạo của Vinapco thì Biên bản bàn giao là không có giá trị pháp lý, thậm chí là có biểu hiện vi phạm pháp luật. Điều đáng nói, mặc dù Vinapco đã có văn bản trình bày rõ cho Sở TN&MT và UBND Tp. Hồ Chí Minh nhưng 2 cơ quan trên vẫn quyết thu hồi khu đất đã giao cho Vinapco.


Trao đổi với PV, ông Trần Hữu Phúc, Tổng Giám đốc Vinapco cho biết: Việc TN&MT kiến nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh thu hồi diện tích trên (không qua thẩm định, không làm việc với các đơn vị liên quan có quyền lợi dù đã có ý kiến rằng có dấu hiệu không minh bạch...) cho thấy vụ việc không chỉ dừng lại ở mức độ "quan liêu", mà ẩn chứa hành vi không làm tròn trách nhiệm trong thực thi công vụ. Mặt khác, việc UBND Tp. Hồ Chí Minh đang cho Vinapco thuê rồi lại thu hồi để cho một Công ty cổ phần vừa mới thành lập thuê tiếp là không đúng. Hơn nữa, doanh nghiệp này không phải là đầu mối nhập khẩu nhiên liệu, chưa có năng lực, kinh nghiệm và chức năng kinh doanh nhiên liệu nhập khẩu. Quan trọng hơn, việc thu hồi này không hề có thông tin trao đổi, bàn bạc với Vinapco là chưa đúng với trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và cũng không phù hợp với yêu cầu thực tế.


Được biết, Vinapco hiện đang là đơn vị đầu mối nhập khẩu nhiên liệu, đảm bảo 97% thị phần nhiên liệu nhập khẩu trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hàng năm, Vinapco nhập khẩu 1 triệu tấn nhiên liệu, nộp Ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng, đang được Nhà nước giao trách nhiệm dự trữ quốc gia và nhiên liệu bay. Hơn ai hết, Vinapco cần có kho đầu nguồn để lưu trữ, bảo quản nhiên liệu.n

Tống Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Những bất hợp lý của một quyết định thu hồi đất