Thái Bình: Không thể cưỡng chế tùy tiện

congly.com.vn| 13/04/2012 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù có đầy đủ giấy tờ chứng minh về việc hộ ông Nguyễn Văn Lĩnh đi nhờ lối đi chung của gia đình mình và gia đình ông Nguyễn Văn Tháu, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Thưởng (thôn Đầu, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, Thái Bình) vẫn bị UBND thị trấn Hưng Nhân huy động lực lượng cưỡng chế một đoạn tường rào… chưa đầy 1m.

Bà Nguyễn Thị Thưởng (sinh năm 1924) cho biết: Năm 2000, gia đình ông Nguyễn Văn Lĩnh (thường trú tại 137 Hàng Bông, Hà Nội) có mua của bà Hoằng (thôn Đầu, thị trấn Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình) thửa vườn liền kề đất gia đình bà Thưởng (hiện vẫn đang ở) có diện tích là 360m2. Theo xác nhận của bà Hoằng khi bán cho ông Lĩnh thì thửa vườn này từ trước tới nay có lối đi riêng biệt giáp với nhà ông Đỗ Văn Tô, không có lối đi chung với nhà ông Nguyễn Văn Tháu và bà Nguyễn Thị Thưởng. Năm 2002, nhờ sự đóng góp của mọi người trong dòng họ (trong đó có gia đình ông Lĩnh, bà Thưởng và ông Tháu), nhà thờ từ đường dòng họ được xây dựng trên mảnh đất gia đình ông Nguyễn Văn Tháu, liền kề ngõ đi chung giữa nhà ông Tháu và bà Thưởng được hoàn thành. Để thuận tiện cho việc đi lại và thờ cúng, gia đình ông Lĩnh cũng đóng góp cùng mọi người đổ bê tông mở rộng lối đi từ đất nhà ông Lĩnh chạy thẳng qua ngõ đi chung nhà bà Thưởng và ông Tháu ra đường Quốc lộ 39. Từ đó, gia đình ông Lĩnh xây bít cổng lối cũ nằm phía Tây nam, giáp nhà ông Tô để đi lại bằng lối chung phía Bắc - lối đi cũ của nhà bà Thưởng và ông Tháu.


Theo bản cam kết lập ngày 15-3-2011, do ông Nguyễn Văn Lĩnh viết có đoạn: “Nếu tôi và con cháu nhượng cho bất kỳ ai đều không được đi chung lối vào nhà từ đường, phải mở cổng đi lối cũ phía Tây nam và xây bít lối cổng tôi đang đi lại”. Tuy nhiên, theo bà Thưởng, do mâu thuẫn giữa hai gia đình nên ông Nguyễn Xuân Hanh - con trai bà Thưởng đã yêu cầu ông Lĩnh không được đi lối đi chung nữa mà mở cửa đi bằng lối cũ và tiến hành xây tường rào cao khoảng 1m để chặn ngõ đi lại.


Nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Lĩnh, ngày 3-11-2011, UBND thị trấn Hưng Nhân ra Thông báo số 82/TB - UBND “Yêu cầu gia đình bà Nguyễn Thị Thưởng cùng con trai là Nguyễn Xuân Hanh tự tháo dỡ phần tường gia đình đã xây trên vị trí ngõ đi trả lại mặt bằng về hiện trạng ban đầu để sử dụng vào mục đích đi lại thuận tiện cho mọi người… ”. Đến ngày 5-11, chính quyền thị trấn tiếp tục lập Biên bản vi phạm hành chính số 05/BB - VPHC yêu cầu gia đình bà Thưởng “phải tự tháo dỡ trước ngày 6-11-2011, nếu không UBND thị trấn tiến hành cưỡng chế tháo dỡ…”.

Lối đi cũ của nhà ông Lĩnh phía sau cánh cổng


Không hiểu chính quyền thị trấn căn cứ vào đâu cho là gia đình ông Lĩnh “không có lối đi” mặc dù gia đình bà Thưởng đã cung cấp đầy đủ bằng chứng giải trình rõ với chính quyền việc gia đình ông Lĩnh đi nhờ ngõ đi chung của hai gia đình.


Yêu cầu giải quyết không thành, UBND thị trấn liên tục ra thông báo, quyết định đôn đốc gia đình bà Thưởng tháo dỡ công trình xây dựng trước ngày 17-11 (thông báo cũ là trước ngày 6-11). Tuy nhiên gia đình bà Thưởng không nhất trí nên mặc dù là ngày nghỉ (thứ 7 ngày 5-11-2011) chính quyền thị trấn cử lực lượng đến hộ bà Thưởng (lúc đó chỉ có mình bà Thưởng ở nhà) chỉ để… đưa thông báo.


Liên quan đến việc làm khó hiểu của chính quyền, sau khi mua mảnh đất vườn nhà bà Hoằng, ông Lĩnh được UBND thị trấn Hưng Nhân “ tạo điều kiện” làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Thuấn và ông Lĩnh thì bên nhận quyền sử dụng đất chỉ có thông tin tên người mua là ông Nguyễn Văn Lĩnh; hộ khẩu Hà Nội và tiếp đó ở Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất ngày 15-2-2001 thì cũng ngoài tên “ Nguyễn Văn Lĩnh” không có bất kỳ thông tin nào khác như: nơi đăng ký HKTT, số CMND… Các hộ liền kề xác nhận chưa từng ký giáp ranh và bà Thưởng dù không biết chữ nhưng vẫn có tên đầy đủ trong Biên bản xác định ranh giới, mốc giới… và đất vẫn được UBND huyện Hưng Hà cấp “ sổ đỏ”.


Thực tế việc tranh chấp của gia đình bà Thưởng và ông Lĩnh là một loại tranh chấp dân sự về lối đi chung giữa các công dân. Do vậy, đáng lẽ cơ quan Nhà nước cần hướng dẫn các đương sự hòa giải ở cấp xã theo quy định tại Điều 135, 136 Luật Đất đai năm 2003. Khi không hòa giải được, các bên có quyền làm đơn gửi TAND cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.


Luật sư Nguyễn Tuyết Nga - VP luật sư Thành Công cho rằng: “ Đây là việc tranh chấp dân sự. Quyết định giải quyết của UBND thị trấn Hưng Nhân chưa phải là quyết định giải quyết cuối cùng nên không thể tổ chức cưỡng chế. Việc tổ chức cưỡng chế chỉ được tiến hành khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan tố tụng cho rằng hộ bà Thưởng lấn chiếm, xây dựng trái phép”.


Được biết, gia đình bà Thưởng đã có đơn gửi TAND huyện Hưng Hà khởi kiện ông Trần Văn Mừng - Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Nhân liên quan đến việc giải quyết tranh chấp nói trên.


Nhóm PV

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình: Không thể cưỡng chế tùy tiện