Phương án nào giải quyết dứt điểm?

congly.com.vn| 13/04/2012 11:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tháng 4-2006, ông Cao Minh Tuấn là Giám đốc Công ty Thiết bị điện Hà Đông vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tây (gọi tắt là Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tây) 3,5 tỷ đồng.

Để vay được số tiền này, ông Tuấn đã được bà Hải (vợ ông Tuấn) bảo lãnh 2,9 tỷ và ông Nguyễn Giáp bảo lãnh 600 triệu đồng. Thực hiện việc bảo lãnh, bà Hải đã thế chấp toàn bộ một dây chuyền sản xuất cồn trên mảnh đất thuê của nhà nước 30 năm, còn ông Nguyễn Giáp thì thế chấp cho ngân hàng sổ đỏ ngôi nhà đất số 93 Tô Hiến Thành (Hà Đông). Một thời gian sau, ông Tuấn lại tiếp tục vay thêm của Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tây 4 tỷ đồng vào tháng 7-2006 và 7 tỷ đồng vào năm 2007, hai hợp đồng vay này được sự bảo lãnh của những người thân của ông Tuấn, không liên quan gì đến ông Nguyễn Giáp.

Ông Đinh Việt Dụ trả lời PV

Ngày 5-4-2009 ông Nguyễn Giáp có đơn yêu cầu ngân hàng thu hồi số tiền ông Tuấn vay 3,5 tỷ đồng đã đến hạn trả nợ để ông Giáp lấy lại sổ đỏ thế chấp từ ngân hàng. Đến ngày 10-6-2011, bà Hải đã bán tài sản thế chấp được 7 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng. Ngay sau đó, ông Giáp đã yêu cầu trả lại sổ đỏ bảo lãnh nhưng ngân hàng đã không trả vì ngân hàng trừ số tiền vay gốc 2,9 tỷ và lãi do bà Hải bảo lãnh trong hợp đồng 3,5 tỷ; số tiền còn lại 1,8 tỷ thì lại giải chấp cho ông Thìn. Điều này khiến ông Giáp rất bức xúc vì ông Thìn đã bảo lãnh cho ông Tuấn vay ở một hợp đồng khác đã nêu trên đây.

Trao đổi với PV, ông Giáp cho rằng: Ở đây có chuyện mập mờ, bởi lẽ trong hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo lãnh không hề có số, không ghi rõ ngày tháng. Tôi và bà Hải cùng đứng tên bảo lãnh cho hợp đồng tín dụng 3,5 tỷ đồng, điều đó đã rõ ràng. Sau khi trả hết vốn và lãi cho hợp đồng bảo lãnh của bà Hải (hết 5,3 tỷ đồng), còn lại 1,7 tỷ đồng/7 tỷ đồng, lẽ ra phải được giải chấp cho hợp đồng bảo lãnh của tôi. Vì trong số 7 tỷ đồng bán nhà xưởng, có tài sản của tôi. Nhưng chẳng hiểu sao, số tiền 1,7 tỷ đồng phía ngân hàng lại đem giải chấp cho hợp đồng bảo lãnh khác, điều này hoàn toàn đi ngược lại với buổi làm việc cũng như văn bản ngày 13-5-2011.

“Nếu theo thỏa thuận này thì thời điểm phải trả tiền vay gốc của ông Tuấn chỉ có 3,5 tỷ của hợp đồng thứ nhất và 4 tỷ của hợp đồng vay thứ 2 (trong khi đó ông Tuấn đã trả được 1,2 tỷ trong hợp đồng này), còn hợp đồng thứ 3 vay 7 tỷ đồng thì chưa đến hạn trả nợ. Như vậy tính hai hợp đồng vay tiền gốc chỉ còn 6,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng đã không thực hiện đúng điều cam kết, trong số 7 tỷ của ông Tuấn trả thì ngân hàng lại thu 2,9 tỷ đồng tiền gốc (số tiền bảo lãnh của bà Hải) cộng với 2,3 tỷ tiền lãi, còn 1,8 tỷ thì vừa đủ giải chấp số tiền gốc và lãi do ông Thìn bảo lãnh (ở một hợp đồng vay khác) là vừa hết. Vì thế, số tiền 1,8 tỷ này phải được sử dụng để giải chấp số tiền ông bảo lãnh để ông lấy sổ đỏ ra mới đúng”, ông Giáp khẳng định.

Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Đinh Việt Dụ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Hà Tây cho biết: Ông Tuấn là người vay tiền được nhiều người bảo lãnh thế chấp, do đó ông Tuấn có quyền làm đơn đề nghị giải chấp cho ai thì người ấy được, chứ không nhất thiết cứ phải giải chấp cho ông Giáp. Chính vì thế mà ông Giáp đã phản đối dữ dội quyết định của ngân hàng.

Hiện nay doanh nghiệp của ông Tuấn đã ngừng hoạt động vì thua lỗ nặng và không có khả năng thanh toán, đồng nghĩa với việc không thể trả nợ ngân hàng số tiền gốc và lãi còn lại là 14 tỷ đồng. Theo quy định, nếu người vay không trả được ngân hàng thì người bảo lãnh phải trả thay. Như vậy theo tính toán thì ông Giáp phải nộp vào 600 triệu tiền gốc đã bảo lãnh cho ông Tuấn vay và hơn 300 triệu tiền lãi thì mới lấy được sổ đỏ ra. Thật đúng là “hoạ vô đơn chí”.

Tống Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phương án nào giải quyết dứt điểm?