Hiện nay, các doanh nghiệp phần lớn đều không thể hoặc không chấp nhận tăng lương cho người lao động. Chính điều này đã khiến doanh nghiệp phải đối mặt với những tranh chấp lao động tập thể ngày càng diễn biến phức tạp. Tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công tự phát đang có xu hướng gia tăng về số lượng, phức tạp về tính chất và nghiêm trọng về quy mô, mức đ�

Dệt may là ngành có tỷ lệ đình công cao nhất

Theo Tổng LĐLĐVN, nếu như những năm 1995 - 2000 mỗi năm xảy ra khoảng 60 cuộc đình công thì tới năm 2008 số vụ đình công lên tới 762 cuộc. Hai năm tiếp theo 2009 và 2010 tuy số lượng các cuộc đình công có giảm xuống 310 cuộc và 424 cuộc, ít hơn so với năm 2008. Song, hiện chúng có xu hướng ngày càng tăng, nhất là cuối năm 2010 và đầu năm 2011.

Ngành dệt may là ngành có số cuộc đình công chiếm tỷ lệ cao nhất so với ngành nghề khác với 119 cuộc chiếm 28%; tiếp đó là chế biến gỗ 72 cuộc chiếm 17%; ngành da giày với 42 cuộc chiếm 10%; điện tử 34 cuộc chiếm 8%; còn lại các ngành nghề khác với 157 cuộc chiếm 37%. Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến các cuộc đình công trong thời gian qua đều là do tiền lương và thu nhập của người lao động thấp, trong khi đó tình trạng lạm phát gia tăng, đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn.

“Điều này thể hiện rất rõ ở vấn đề dinh dưỡng và nhà ở của người lao động. Hầu hết họ phải thắt chặt chi tiêu, ăn ít và làm thêm nhiều. Tuy nhiên, số tiền lương tăng lên không được bao nhiêu nhưng phải chi tiền thuê trọ từ 20-30%, tiền điện, nước tăng từ 2 - 4 lần so với trước”, ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể ký kết chỉ đạt 60%, còn lại là sao chép luật và nội dung sơ sài. Tranh chấp lao động thường xảy ra ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều người sử dụng lao động thường muốn nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư nên ra sức bóc lột sức lao động của người lao động, vi phạm pháp luật lao động.

Doanh nghiệp lách luật

Thực tế trong các cuộc tranh chấp lao động thời gian qua, hầu hết các công nhân đều cho rằng, doanh nghiệp đang sử dụng lao động theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Họ đang khéo léo lách luật bằng cách sử dụng lao động thời gian ngắn. Khi hết hợp đồng hoặc người lao động giảm sút về sức khỏe, về năng suất lao động, doanh nghiệp sẵn sàng tìm cách buộc người lao động phải nghỉ việc.

Điều này khiến người lao động buộc phải tìm “đối sách” bằng các cuộc tranh chấp lao động tập thể. Thậm chí, nhiều lao động không hề muốn tham gia tranh chấp lao động, nhưng họ cho rằng, với mức lương hiện tại, họ không đủ sống và trước sau cũng phải nghỉ việc để tìm công việc mới. Vì vậy, cứ tham gia tranh chấp lao động nếu được bảo đảm thêm quyền lợi thì họ sẽ tiếp tục công việc. Ngược lại, họ sẽ chấp nhận “nhảy việc”.

Mặc dù trong quy định về tiền lương, Chính phủ đã quy định mức lương tối thiểu vùng, dựa trên mức sống, mức sinh hoạt của từng vùng miền và mức lương tối thiểu này chỉ là căn cứ để các doanh nghiệp tự xây dựng mức lương hợp lý cho mình. Hiểu một cách khác, mức lương tối thiểu chỉ là sự quy định cứng để doanh nghiệp không được trả lương quá thấp cho người lao động. Thế nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ lấy đó làm căn cứ trả lương mà không tính toán đến lợi ích cả hai phía.

Theo các chuyên gia lao động điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng tình tăng tình trạng tranh chấp lao động. Chính vì thế, chúng ta cần phải kịp thời ban hành, sửa đổi chính sách tiền lương, tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện trên cơ sở bảo đảm đời sống của người lao động.

Hiếu Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào?