Cán bộ ngân hàng “bỏ qua” quy định của pháp luật

03/08/2012 07:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc nguyên Giám đốc Eximbank Bình Dương Đào Thanh Trường "phù phép" vay 135 tỷ đồng, bỏ trốn bị truy nã. Đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bị phát hiện.

Thực tế, không ít cán bộ của các ngân hàng thương mại cố tình bỏ qua các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. 

Phát hành thư bảo lãnh thanh toán rỗng

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Giang, Chủ DNTN Thuận Hòa (Bình Thuận) có thỏa thuận mua xăng dầu của Công ty Cổ phần xăng dầu - dầu khí Sài Gòn với tổng giá trị là 30 tỷ đồng, trả chậm trong vòng 30 ngày với điều kiện phải có chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng. 

 

Do không có tài sản thế chấp, DNTN Thuận Hòa không thể nhờ ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán. Trong lúc khó khăn, ông L xuất hiện giới thiệu bà Giang gặp một số bạn bè của ông, hứa sẽ có cách giúp đỡ. “Mừng như vớ được vàng”, bà Giang đã đưa xe đến đón L và bạn bè ông đến gặp ông Tr, Giám đốc Công ty TH. Tại đây, Tr hứa sẽ đưa tài sản của Công ty TH thế chấp vào ngân hàng để mở chứng thư bảo lãnh thanh toán cho DNTN Thuận Hòa trị giá 30 tỷ đồng để mua xăng dầu trả chậm trong vòng 30 ngày với điều kiện là phí dịch vụ 12% trên tổng giá trị chứng thư bảo lãnh bằng tiền mặt. Bà Giang đồng ý chi trả phần phí dịch vụ này. 

Ngày hôm sau, bà Giang đưa xe đến đón ông L và những người bạn của ông đến Chi nhánh ngân hàng A.B ở quận 5 để làm thủ tục. Đi nửa đường, họ lại yêu cầu quay xe lại đến Chi nhánh ngân hàng A.B ở quận Gò Vấp để giao dịch.

 

Đến nơi, ông Tr bảo mọi người vào quán cà phê bên cạnh ngồi chờ. Một lúc sau, xuất hiện một người xưng tên là Tâm, cán bộ ngân hàng A.B đến và đưa một số giấy tờ làm thủ tục hồ sơ mở chứng thư bảo lãnh cho bà Giang ký tên, đóng dấu.

 

Cán bộ ngân hàng “bỏ qua” quy định của pháp luật

Bà Giang bên cây xăng đóng cửa vì hết vốn

 

Sau đó, ông Tâm bảo ngồi chờ ông khoảng 30 phút sẽ quay lại đưa chứng thư bảo lãnh. Khoảng 40 phút sau, ông Tâm quay lại quán cà phê và đưa thư bảo lãnh thanh toán của Chi nhánh ngân hàng A.B ở quận 5 trị giá 29,625 tỷ đồng do Phó Giám đốc chi nhánh H ký. Bà Giang đã trả 3,6 tỷ đồng tiền dịch vụ cho nhóm người trên. 

 

Bà Giang đem thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng A.B đến Công ty Cổ phần xăng dầu - dầu khí Sài Gòn để ký kết hợp đồng mua xăng dầu. Sau khi kiểm tra, Công ty Cổ phần xăng dầu - dầu khí Sài Gòn thông báo cho bà Giang biết, thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng A.B mà bà nộp để ký hợp đồng là thư bảo lãnh rỗng, không có giá trị. Do vậy, Công ty Cổ phần xăng dầu - dầu khí Sài Gòn từ chối ký hợp đồng mua bán xăng dầu.

 

Tá hỏa, bà Giang cầm chứng thư bảo lãnh đến liên hệ trực tiếp tại Chi nhánh ngân hàng A.B ở quận 5. Tại đây, khi bà Giang đưa ra bản chính để người ký chứng thư kiểm tra, người ký chứng thư bảo lãnh xác nhận chữ ký và con dấu trên chứng thư là thật và cầm luôn bản chính của bà Giang không trả lại. Bà Giang phải nhờ Công an phường đến can thiệp và lập biên bản tạm giữ thư bảo lãnh thanh toán. Qua đó cho thấy, không có tài sản thế chấp, ông H, Phó Giám đốc Chi nhánh ngân hàng A.B ở quận 5 vẫn ký thư bảo lãnh thanh toán. Hậu quả là bà Giang bị mất “oan” hơn 3 tỷ đồng. Được biết, vụ việc đang được cơ quan Công an thụ lý, giải quyết.

 

… “Quên” xác minh tài sản thế chấp

 

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh ký kết với Công ty Cổ phần giấy Minh Thắng (gọi tắt là Công ty Minh Thắng) hợp đồng cấp tín dụng hạn mức số CDU.DN.01.200411 ngày 22-4-2011 với hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng, theo phương thức trả lãi hàng tháng, vốn trả theo từng khế ước nhận nợ. Mục đích vay để bổ sung vốn kinh doanh sim card, thẻ cào. Thời hạn vay của số tiền nhận nợ trong mỗi lần nhận số tiền vay được ghi trên mỗi khế ước nhận nợ, được đảm bảo bằng bất động sản, thẻ cào… 

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, cán bộ ngân hàng đã “quên” xác minh tài sản thế chấp và đã giải ngân cho Công ty Minh Thắng nhiều chục tỷ đồng không có tài sản thế chấp và bằng chứng thư bảo lãnh khống của cá nhân. Hậu quả, Công ty Minh Thắng đã nợ hàng trăm tỷ đồng không có tài sản trả nợ. 

 

Để có tài sản cấn trừ nợ, Vietbank Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh và Công ty Minh Thắng đã dùng chiêu “thế chấp của người thứ ba”. Trong đó có quyền sử dụng 406.500m2 đất tọa lạc tại xã Tân Nghĩa (nay là xã Sông Phan), huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận theo GCNQSDĐ số P493246 do UBND huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận cấp ngày 11-4-2000 cho hộ ông Cao Văn Sơn. 

 

Theo ông Cao Văn Sơn, do nhu cầu vay vốn khoảng 6 tỷ đồng để làm ăn nhưng không thể vay trực tiếp được từ ngân hàng, ông Sơn đã đồng ý việc vay vốn ghép chung với Công ty Minh Thắng dưới hình thức là người bảo lãnh bằng tài sản cho Công ty Minh Thắng vay vốn tại Vietbank. 

 

Theo đó, ngày 6-7-2011, ông Cao Văn Sơn đã ký hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất trên cho Vietbank để đảm bảm cho bên vay là Công ty Minh Thắng. Tuy nhiên, sau khi nhận thế chấp tài sản, Công ty Minh Thắng cũng như Vietbank không hề giao vốn cho ông Sơn như đã hứa.

 

Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập đến vấn đề tranh chấp của các bên về tài sản đảm bảo. Điều mà chúng tôi muốn phản ánh là thái độ tắc trách của cán bộ Vietbank Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh khi tiến hành xác minh tài sản thế chấp của hộ ông Cao Văn Sơn. Theo đó, ngày 15-4-2011, UBND huyện Hàm Tân có Quyết định số 197 về việc điều chỉnh giảm diện tích trong GCNQSDĐ đã cấp cho ông Cao Văn Sơn tại thôn Tân Hưng, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Điều 1 Quyết định nêu rõ: “Nay điều chỉnh giảm diện tích 15,1ha đất trong GCNQSDĐ số P493246 do UBND huyện Hàm Tân cấp ngày 11-4-2000 cho hộ ông Cao Văn Sơn. Lý do điều chỉnh giảm: Ông Cao Văn Sơn không tác động sử dụng đất từ khi cấp GCNQSDĐ cho tới nay (hiện trạng thực tế 18 hộ dân đang sử dụng). Công nhận quyền sử dụng đất còn lại của ông Cao Văn Sơn trong GCNQSDĐ số P493246 do UBND huyện Hàm Tân cấp ngày 11-4-2000 (sau khi điều chỉnh) là 25,55ha”. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

Như vậy, về mặt pháp lý, kể từ ngày 15-4-2011, hộ ông Cao Văn Sơn chỉ được UBND huyện Hàm Tân công nhận quyền sử dụng 255.500/406.500m2 đất tại GCNQSDĐ số P493246 cấp ngày 11-4-2000. Thế nhưng, ngày 6-7-2012, Vietbank Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh vẫn ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất diện tích 406.500m2(!?).  

 

Thực tế, hiện nay nợ xấu của không ít ngân hàng thương mại không chỉ xuất phát từ nguyên nhân khách quan là khách hàng. Bên cạnh đó, nó còn xuất phát từ sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ của cán bộ ngân hàng.

 

Văn Vũ

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ ngân hàng “bỏ qua” quy định của pháp luật