Cán bộ mắc sai phạm được... cất nhắc

congly.com.vn| 13/04/2012 11:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Luật các tổ chức tín dụng và Điều lệ của Công ty Tài chính cao su Việt Nam (RFC), HĐQT RFC có thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ quyền điều hành của Tổng Giám đốc (TGĐ), đồng thời cử một Phó TGĐ đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của TGĐ. Thế nhưng, Hội đồng thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã ban hành quyết định thay cho HĐQT RFC...

Một quyết định bất thường

RFC là tổ chức tín dụng phi ngân hàng do VRG sở hữu 100% vốn điều lệ hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, Công ty có chức năng huy động tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên và cho các tổ chức cá nhân vay, cung ứng các dịch vụ về tiền tệ, đầu tư cho khách hàng…


Trong quá trình kinh doanh, từ ngày 22-1-2009 đến ngày 8-9-2009, RFC đã ký hợp đồng nhận tiền gửi và vay tiền có kỳ hạn của 4 khách hàng với số tiền là 600 tỷ đồng. Công ty đã đem số tiền này gửi tại Công ty cho thuê tài chính II để hưởng chênh lệch giữa lãi suất. Hết hạn hợp đồng, RFC đã nhiều lần gửi văn bản cũng như cử người đến gặp trực tiếp Công ty cho thuê tài chính II yêu cầu trả lại tiền gửi và thanh toán lãi nhưng không hiệu quả. Song song đó, các hợp đồng của khách hàng với RFC cũng hết hạn và họ không đồng ý kéo dài thời gian cho vay. Do vậy, RFC phải chịu áp lực mất thanh khoản trong hoạt động tín dụng rất nghiêm trọng.


Trước sự việc trên, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã thành lập Đoàn thanh tra hoạt động của RFC và đã có Kết luận số 2030/KL-CSVN ngày 8-9-2011 yêu cầu HĐQT, Ban Giám đốc RFC nhanh chóng khắc phục hậu quả, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của một số cá nhân sai phạm. Tuy nhiên, vào ngày 14-10-2011, ông Lê Quang Thung, quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên thay mặt Hội đồng thành viên VRG đã ký Quyết định số 413 tạm ngưng điều hành đối với ông Phan Minh Anh Ngọc, Tổng giám đốc RFC kể từ ngày 25-10-2011 để thu hồi nợ và xử lý các tồn tại về tài chính tại công ty.

Cao su xuất khẩu. (Ảnh minh hoạ)

Việc ông Lê Quang Thung ký quyết định này là việc làm không bình thường, bởi các lý do sau:


Về mặt hình thức, một trong những căn cứ mà Quyết định số 413 ban hành vào ngày 14-10-2011 nhưng lại căn cứ theo Kết luận của Ban Thường vụ Đảng ủy VRG ngày 24-10-2011. Như vậy, Hội đồng thành viên VRG đã dự đoán được kết luận của Ban thường vụ Đảng ủy VRG trước đó 10 ngày(!?).


Về thẩm quyền ban hành, khoản 3 Điều 38 Điều lệ của RFC quy định: “Trường hợp Tổng Giám đốc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty, HĐQT Công ty có quyền tạm đình chỉ quyền điều hành của Tổng Giám đốc, đồng thời phải cử ngay một Phó Tổng Giám đốc đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của Tổng Giám đốc ”.


Tương tự, khoản 5 Điều 63 Luật các tổ chức tín dụng qui định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị Công ty tài chính là “Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kỷ luật, đình chỉ và quyết định mức lương, lợi ích khác đối với các chức danh Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc)…”.
Còn khoản 9 Điều 24 Điều lệ VRG quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên VRG “chấp thuận để Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch của Công ty TNHH một thành viên bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc Công ty đó”.


Như vậy, theo đúng quy trình bố trí, sử dụng cán bộ, Hội đồng thành viên của VRG chỉ có ý kiến chấp thuận để Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch của RFC ban hành quyết định xử lý về việc tạm ngưng điều hành đối với ông Phan Minh Anh Ngọc, Tổng Giám đốc RFC. Tuy nhiên, ông Lê Quang Thung lại thay mặt Hội đồng thành viên VRG ký quyết định tạm ngưng điều hành Tổng Giám đốc RFC đối với ông Phan Minh Anh Ngọc.


… Cất nhắc người có sai phạm


Tại Kết luận thanh tra số 2030, VRG đã nhận xét “Việc vay tiền, nhận tiền gửi của khách hàng để gửi vào Công ty cho thuê tài chính II, trách nhiệm thuộc ban lãnh đạo công ty trong đó trách nhiệm chính thuộc Tổng giám đốc công ty, Giám đốc, phó Giám đốc chi nhánh Hà nội; HĐQT công ty chưa sâu sát trong việc thẩm tra, giám sát hoạt động của công ty...” và yêu cầu kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân sai phạm.


Thế nhưng, vào ngày 25-10-2011, Phó Tổng Giám đốc VRG Trần Thoại (nguyên Chủ tịch HĐQT RFC - là người có liên quan trong việc cho Công ty cho thuê tài chính II vay tiền) lại ban hành Quyết định số 586 giao nhiệm vụ cho bà Đinh Thị Tiểu Phương (Phó Tổng Giám đốc RFC - là người có trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm, phải bị xử lý, kiểm điểm), tạm thời điều hành công việc của Tổng Giám đốc RFC. Như đã phân tích ở trên, thẩm quyền cử người này thuộc về HĐQT của RFC.

Theo Kết luận thanh tra của VRG, trong quá trình gửi tiền này có điều không bình thường. Mặc dù, tháng 7-2009, Công ty cho thuê tài chính II không thể trả một phần nợ gốc của Hợp đồng số 04 do khó khăn về tài chính. Hơn ai hết, bà Phương là người trực tiếp chỉ đạo, phụ trách hoạt động Phòng nguồn vốn, phải lường trước sự rủi ro nếu tiếp tục gửi tiền vào Công ty cho thuê tài chính II. Thế nhưng, ngày 8-9-2009, Chi nhánh Hà Nội cũng do bà Phương làm Giám đốc Chi nhánh lại ký hợp đồng gửi 50 tỷ vào Công ty này. Hậu quả là 600 tỷ đồng tiền gốc và hơn 124 tỷ đồng tiền lãi, Công ty cho thuê tài chính II vẫn chưa có khả năng thanh khoản.


Liên quan đến việc gửi tiền trên, ngày 19-9-2011, VRG có Văn bản số 2122 đề nghị Tổng Giám đốc RFC thực hiện kiểm điểm một số cá nhân, trong đó có bà Đinh Thị Tiểu Phương, Phó Tổng Giám đốc RFC kiêm Giám đốc Chi nhánh Hà Nội.


Bên cạnh đó, trong các tháng 8,9,10-2011, HĐQT RFC đã ra những nghị quyết tạm ngưng cho vay mới để đảm bảo tình hình tài chính của Công ty. Thế nhưng, bà Phương với tư cách Giám đốc Chi nhánh Hà Nội đã không chấp hành nghị quyết, tiếp tục ký hợp đồng cho vay số tiền lên đến hơn 331 tỷ đồng.


Vụ việc đang được xem xét để làm rõ các sai phạm. Thế nhưng, ông Thoại lại được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc VRG, bà Phương lại được VRG “ưu ái” cất nhắc lên làm công việc của Tổng Giám đốc RFC. Có hay không sự bao che sai phạm xảy ra tại VRG và RFC?


Văn Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cán bộ mắc sai phạm được... cất nhắc