Một số lưu ý về áp dụng Luật Giám định tư pháp trong hoạt động xét xử (kỳ 3)

03/11/2013 10:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TANDTC có trách nhiệm hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan TAND;...

Kỳ 3: Để các quy định mới của Luật Giám định tư pháp đi vào cuộc sống

 

TANDTC có trách nhiệm hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan TAND; thực hiện chế độ thống kê về trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan TAND. Để làm được điều đó cần thống nhất nhận thức một số vấn đề quan trọng sau đây 

 

1- Về quyền tự yêu cầu giám định của đương sự: tại Điều 22 Luật Giám định tư pháp quy định về quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp như sau:

 

“1. Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định. 

 

2. Người yêu cầu giám định có quyền:

 

a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;

 

b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;

 

c) Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;

 

d) Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

 

3. Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:

 

a) Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;

 

b) Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

 

4. Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.”

 

Từ quy định trên, có thể thấy đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Như vậy, quyền tự mình yêu cầu giám định của đương sự là quyền có điều kiện và bị hạn chế. Quyền này chỉ phát sinh sau khi đương sự đã có yêu cầu trưng cầu giám định mà không được cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền đáp ứng. Từ đó, phát sinh thủ tục cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, Tòa án nói riêng phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự, để đương sự có bằng chứng và cơ sở cho việc thực hiện quyền tự mình yêu cầu các tổ chức, người giám định tư pháp thực hiện giám định tư pháp cho mình.

 

Trên thực tế, Tòa án thường trưng cầu giám định theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu và đóng tạm ứng chi phí giám định của một hoặc các bên đương sự, ít khi Tòa án từ chối yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự. Với quy định mới này của Luật Giám định tư pháp, trong trường hợp Tòa án từ chối yêu cầu trưng cầu giám định thì phải có văn bản thông báo về việc từ chối đó. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi đương sự yêu cầu giám định, đương sự có bắt buộc phải xuất trình giấy thông báo từ chối giám định không? nếu có thì trong trường hợp hết thời hạn 07 ngày mà cơ quan tiến hành tố tụng không kịp có thông báo từ chối yêu cầu trưng cầu giám định thì về nguyên tắc đương sự cũng vẫn có quyền tự mình yêu cầu giám định(1).

 

Trong khi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính chưa được sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ với các quy định mới có liên quan của Luật Giám định tư pháp về quyền tự mình yêu cầu giám định của đương sự, thì cơ quan có thẩm quyền cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục nhận đơn, thông báo từ chối yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự. Người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng cần thực hiện nghiêm túc việc ra văn bản thông báo từ chối giám định trong thời hạn mà pháp luật quy định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu giám định thực hiện quyền tự mình yêu cầu cơ quan giám định thực hiện việc giám định.

 

 2- Về tiếp nhận, đánh giá, sử dụng kết luận giám định do đương sự tự mình yêu cầu: Về nguyên tắc, kết luận giám định của cơ quan giám định thực hiện theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hay do đương sự tự mình yêu cầu đều là nguồn chứng cứ. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp là một biện pháp thu thập chứng cứ. Do đó, việc trưng cầu, yêu cầu giám định cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật tố tụng, Luật Giám định tư pháp và pháp luật khác có liên quan, thì mới được coi là hợp lệ. Trong khi pháp luật tố tụng chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quyền tự mình yêu cầu giám định của đương sự, thì trình tự, thủ tục yêu cầu giám định của đương sự phải tuân thủ các quy định của Luật Giám định tư pháp(2) và các quy định có liên quan, có như vậy thì kết luận giám định tư pháp do đương sự cung cấp mới được coi là hợp lệ. Với quy định của Luật Giám định tư pháp, thì kết luận giám định do đương sự tự mình yêu cầu cũng có giá trị pháp lý, và có ý nghĩa về mặt chứng cứ ngang bằng với kết luận giám định do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu. Do đó, khi đương sự cung cấp kết luận giám định do tự mình yêu cầu, thì Tòa án phải có trách nhiệm tiếp nhận, đưa vào hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ án hình sự để nghiên cứu, xem xét, đánh giá kết luận giám định đó. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đương sự trong việc rộng đường tìm kiếm chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhưng đồng thời cũng tạo cho đội ngũ tiến hành tố tụng những áp lực nhiều hơn trong việc xem xét, đánh giá kết luận giám định - một loại chứng cứ có ý nghĩa đặc biệt, bởi vì mức độ tranh tụng giữa các bên trong hoạt động tố tụng nói chung, trong quá trình xét xử, nhất là tại phiên tòa sẽ được tăng lên nhiều, độ quyết liệt trong quá trình tranh tụng cũng tăng theo nếu như có những kết luận giám định trái ngược nhau. Điều này đòi hỏi người tiến hành tố tụng nói chung, Thẩm phán nói riêng phải có những kiến thức cơ bản trong hoạt động giám định tư pháp nói chung, về lĩnh vực có yêu cầu giám định tư pháp nói riêng. Chẳng hạn như khi đọc một bản kết luận giám định pháp y về thương tích, thì người tiến hành tố tụng phải biết thế nào là cộng lùi mức độ tổn hại sức khỏe trong hoạt động giám định pháp y, hay cũng phải biết khi trưng cầu giám định tư pháp thì cần phải đặt ra các yêu cầu như thế nào, để không vượt ra khỏi pham vi chuyên môn, tránh tình trạng cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu giám định viên pháp y tâm thần phải khẳng định và trả lời xem bị can A, bị cáo B có năng lực chịu trách nhiệm hình sự không..., khiến phát sinh những vướng mắc không cần thiết trong quá trình trưng cầu, thực hiện giám định cũng như đánh giá kết luận giám định trong thời gian qua. Khi xem xét, đánh giá kết luận giám định thì cần phải xác định xem những yếu tố nào ảnh hưởng, chi phối đến chất lượng của một bản kết luận giám định…

 

(1) Khoản 1 Điều 22.

 

(2) Khoản 3 Điều 2, Điều 26 và các quy định có liên quan. 

 

(Kỳ sau đăng tiếp)

 

Duy Kiên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số lưu ý về áp dụng Luật Giám định tư pháp trong hoạt động xét xử (kỳ 3)