Chuyến vượt biên định mệnh, mất cả chỉ lẫn chài

Chí Dũng| 03/11/2018 07:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nguyễn Huy Thường (SN 1987), trú tại thôn Dùm, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã nhiều lần vượt biên sang Trung Quốc để làm thuê.

Sau khi về Việt Nam, Thường cùng người anh họ ở cùng huyện là Trương Văn Thủy Minh (SN 1992), trú tại thôn Đình Gàng, xã Vô Tranh lập kế hoạch tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Thật xót xa khi chuyến vượt biên định mệnh ấy đã tước đi sinh mạng của nhiều người và hiện vẫn còn một số người mất tích.

Hồ sơ vụ án cho biết, giữa tháng 3-2017, trong thời gian ở nhà, Minh biết Thường có nhiều kinh nghiệm trong việc vượt biên sang Trung Quốc. Để chuẩn bị tổ chức cho 17 người (có cả Minh) vượt biên giới Lạng Sơn sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nên Minh đã nhờ Thường đi cùng để hướng dẫn đường đi, nước bước. Hành trình của họ là từ Quảng Tây tiếp tục di chuyển đến Thành phố San Thầu, tỉnh Quảng Đông, sau đó mua thuyền vượt biển sang Đài Loan để đưa những người lao động Việt Nam sang làm thuê.

Cuộc hành trình bắt đầu từ tối 24-3-2017, Thường thuê nhà nghỉ và ô tô chở những người vượt biên đi Lạng Sơn rồi nhận tiền nhân dân tệ do Minh đổi để chi tiêu. Thường trực tiếp đưa 3 người vượt biên sang Trung Quốc rồi bố trí xe đưa 2 người đến Thành phố San Thầu thuê phòng nghỉ chờ Minh đưa những người vượt biên còn lại đến để cùng vượt biển sang Đài Loan.

Chuyến vượt biên định mệnh, mất cả chỉ lẫn chài

Tối 2-4-2017, Minh đưa những người vượt biên lên thuyền để sang Đài Loan. Trong quá trình di chuyển không may thuyền bị lật làm 11 người chết, 7 người vẫn đang mất tích. Còn Thường cũng định lên thuyền để vượt biển nhưng Minh bảo lùi đến chuyến sau nên Thường quay về Việt Nam.

Trong vụ án này còn có Hoàng Thị Huyền (SN 1986), trú tại thôn Cốc Nhãn, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã có hành vi đưa Thường cùng 3 người khác vượt biên giới sang Trung Quốc. Sau khi về Việt Nam, Thường kiểm đếm số tiền mình đã nhận được từ việc Minh nhờ đưa người vượt biên là hơn 5,1 triệu đồng, còn Huyền được hưởng lợi 520 nghìn đồng.

Tại phiên tòa do Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử từ ngày 31-7 đến 2-8 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thắm - vợ một nạn nhân xấu số trên chiếc thuyền đó vẫn chưa hết bàng hoàng sụt sùi kể: "Do gia cảnh nghèo túng, việc đồng áng, vườn tược vất vả, thu nhập lại chẳng được là bao, không đủ tiền cho các con ăn học nên chồng tôi mới dứt áo ra đi mong kiếm được đồng tiền lo cho gia đình, nào ngờ anh ấy đã ra đi mãi mãi...". Đối với Trương Văn Thủy Minh là đối tượng đã có hành vi tổ chức cho nhiều người trốn đi nước ngoài song cũng bị sóng vùi chết dưới biển nên không xử lý.

Hội đồng xét xử nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo đã tổ chức cho nhiều người vượt biên trái phép, hậu quả làm chết nhiều người. Vì vậy, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Thường 7 năm 6 tháng tù; bị cáo Huyền 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Những ai còn nuôi hy vọng vượt biên trái phép để mưu sinh thì vụ việc trên đây là bài học đắt giá. Người dân nếu muốn đi lao động ở nước ngoài, hãy đến các trung tâm có uy tín để thực hiện ước mơ của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyến vượt biên định mệnh, mất cả chỉ lẫn chài