Cần hoàn thiện chính sách, pháp luật hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người

Phương Nam| 04/11/2018 07:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, một số chính sách, quy định pháp luật liên quan đến vấn đề hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người đã không còn phù hợp với thực tiễn, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Tại phiên giải trình mới đây về việc thực hiện pháp luật phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, nhiều ý kiến nhận định, hiện nay, việc ngăn chặn và xử lý tội phạm mua bán người hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha, nạn nhân chủ yếu được đưa ra nước ngoài nên đa số vụ án phải thực hiện các quy định của Luật Tương trợ tư pháp 2007 để thu thập thông tin, xác minh, điều tra mới được coi là chứng cứ. Tuy nhiên, do Luật Tương trợ tư pháp 2007 không quy định thời hạn cụ thể nên việc tương trợ tư pháp, trả lời ủy thác điều tra của cơ quan chức năng nước bạn thường bị chậm, ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn điều tra vụ án. Đặc biệt, do tâm lý e ngại của chính nạn nhân nên việc xác định nạn nhân trong tội phạm này cũng rất khó khăn. Nhiều trường hợp, nạn nhân, người nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người không hợp tác với các cơ quan chức năng.

Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả công tác này. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, Luật Phòng chống mua bán người có hiệu lực đã hơn 6 năm nhưng đến nay các bộ, ngành chức năng chưa tham mưu Chính phủ ban hành nghị định trên cơ sở đó ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành luật. Việc này có trách nhiệm của Bộ Công an khi tham mưu cho Thủ tướng phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành luật không đề cập việc  giao cho bộ, ngành nào chủ trì xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn. Mặt khác, Bộ Công an cũng chưa ban hành được thông tư quy định chi tiết các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và thân thích của họ.

Bên cạnh đó, một số chính sách liên quan đến vấn đề này đã không còn phù hợp với thực tiễn. Đơn cử như chính sách hỗ trợ nạn nhân các vụ mua bán người trở về. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa chỉ rõ, theo quy định của pháp luật, khi nạn nhân được giải cứu trở về sẽ được hỗ trợ ban đầu, tư vấn về tâm sinh lý, sức khỏe, trợ giúp pháp lý, học nghề... Tuy vậy, nhiều địa phương chưa quan tâm đến nội dung này.

Cần hoàn thiện chính sách, pháp luật hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người

Tập huấn pháp luật về phòng chống mua bán người

Mức hỗ trợ cho nạn nhân đã rất lạc hậu nhưng chưa được xem xét để sửa đổi, bổ sung phù hợp. Mỗi nạn nhân được hỗ trợ 30 nghìn đồng tiền ăn/ngày, “mức chi phí này chỉ đủ sức để cầm hơi, không phù hợp với nạn nhân vừa trở về, bị suy kiệt, thậm chí chỉ có một bộ quần áo trên người”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.

Đặc biệt, mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân hiện nay cũng rất thấp, chỉ 1 triệu đồng/người, chưa bảo đảm cuộc sống khi nạn nhân trở về địa phương, hòa nhập cộng đồng. Trong khi đó, thủ tục để nhận được số tiền này rất nhiêu khê, phức tạp, nhiều nạn nhân sẵn sàng không nhận. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm đề xuất Chính phủ sửa đổi những chính sách này để việc hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người thiết thực hơn.

Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, giai đoạn 2016 - 2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.120 trường hợp là nạn nhân bị mua bán, toàn bộ nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thông qua hoạt động lồng ghép, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn với các nội dung thiết thực, hiệu quả như tổ chức dạy nghề cho phụ nữ, trẻ em thuộc diện nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, cấp phát học phí, học bổng gắn với các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người.

Từ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, hơn 50% số nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận đã được trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho nạn nhân vay vốn với lãi suất thấp, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Hầu hết các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp.

Tuy vậy, việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người thời gian qua vẫn còn những khó khăn, bất cập. Ðó là tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn cơ sở thực hiện còn chậm, nội dung chưa cụ thể. Việc rà soát, thống kê, lập hồ sơ hỗ trợ cho nạn nhân từ nước ngoài tự trở về không qua đường tiếp nhận gặp khó khăn, khó tiếp cận nạn nhân. Pháp luật quy định nạn nhân gồm cả những người bị mua bán trong nước và nam giới, tuy nhiên hiện nay đang thiếu dịch vụ hỗ trợ giúp hai nhóm đối tượng này. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ nạn nhân vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Luật Phòng, chống mua bán người quy định nhiều chính sách rất nhân đạo, qua thực tiễn cuộc sống đã tạo điều kiện cho nạn nhân trở về, sớm hòa nhập cộng đồng. Ðể thực hiện đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về phòng, chống mua bán người, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân.

Một trong những nội dung được quan tâm là, để triển khai Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 đạt kết quả tốt hơn, cần có nguồn lực thích đáng cho công tác tuyên truyền, công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm và giải cứu, hỗ trợ nạn nhân. Bên cạnh việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát về lĩnh vực này, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, thường xuyên, làm sao để việc bảo đảm nguồn kinh phí được thực hiện hiệu quả, đúng quy định, đúng địa chỉ, đối tượng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần hoàn thiện chính sách, pháp luật hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người