Xét xử “siêu lừa” Huyền Như: Đại diện VKS khẳng định Huyền Như phạm tội lừa đảo

Văn Vũ| 28/05/2018 21:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại diện VKS nêu quan điểm Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn các Luật sư bảo vệ cho các nguyên đơn dân sự tranh tụng quyết liệt cho rằng Huyền Như tham ô tài sản.

Chiều nay (28/5), TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như với phần tranh tụng.

Nêu quan điểm tại tòa, đại diện VKS cho rằng, tại bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã buộc Huyền Như bồi thường cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (Công ty SBBS) 210 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (Công ty ORS) 380 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) 124 tỷ đồng và công ty Cổ phần Đầu tư thương mại An Lộc (Công ty An Lộc) trên 100 tỷ đồng.

Sau khi tuyên án sơ thẩm, bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè), kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 4 công ty kháng cáo yêu cầu VietinBank bồi thường thiệt hai.

Đại diện VKS cho rằng, để lừa đảo chiếm đoạt tiền, Huyền Như đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối, dẫn dụ các công ty gửi tiền vào ngân hàng. Sau khi các công ty chuyển tiền, Huyền Như đã thực hiện nhiều lệnh chi giả. Ngay từ đầu, Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt, tổng số tiền 885 tỷ đồng.

Về kháng cáo của 4 công ty yêu cầu VietinBank bồi thường, đại diện VKS lập luận rằng, số tiền Huyền Như chiếm đoạt và trả lãi suất cho 4 công ty là thoả thuận ngầm với Huyền Như để hưởng lãi suất cao. Cụ thể, với Công ty SBBS là lãi 2-4%, Công ty Toàn Cầu là 2%, Công ty ORS và An Lộc  là 5-5,5%. Đây là lãi suất cao hơn lãi suất trần.

Xét xử “siêu lừa” Huyền Như: Đại diện VKS khẳng định Huyền Như phạm tội lừa đảo

Các bị cáo tại tòa

“Đây cũng là lỗi của nguyên đơn dân sự, để mặc cho Huyền Như, chỉ quan tâm đến lãi suất cao. Các Công ty phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do lỗi của mình. Các công ty cũng thực hiện hành vi gian dối để hưởng lãi chênh lệch, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động tín dụng, thực hiện giao dịch dân sự nhằm che giấu giao dịch giả tạo khác”, đại diện VKS lập luận.

Cũng theo đại diện VKS, VietinBank không biết thoả thuận ngầm về lãi suất vượt trần của 4 công ty và Huyền Như. Vì vậy, VietiBank  không có lỗi đối với giao dịch của 4 công ty.

Đại diện VKS nêu quan điểm: “Bị cáo Huyền Như ngay từ đầu đã có chủ đích chiếm đoạt tiền của 4 công ty. Cho nên bị cáo Huyền Như phải chịu trách nhiệm về bồi thường và VietinBank không có trách nhiệm bồi thường trong vấn đề này. Vì vậy, kháng cáo của các nguyên đơn dân sự yêu cầu VietinBank bồi thường là không có cơ sở chấp nhận. VKS không chấp nhận kháng cáo của 4 công ty”.

Tranh tụng tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Minh Tâm bảo vệ cho Công ty SBBS cho rằng, tài khoản của Công ty SBBS mở tại VietinBank TP.HCM là hợp lệ, hợp pháp và đúng quy định pháp luật. Bản án sơ thẩm thừa nhận riêng Công ty SBBS đã có tài khoản trước đó tại VietinBank.

Từ ngày 18/5 – 16/8/2011, Công ty SBBS đã chuyển vào tài khoản bằng 16 lệnh chuyển tiền. Đại diện VietinBank cũng xác nhận khi khách hàng chuyển tiền là được đưa vào hệ thống quản lý tự động cập nhật.

“Từ thời điểm đó trách nhiệm giữ tiền phát sinh theo yêu cầu của chủ tài khoản VietinBank đã thực hiện chuyển 15 tỷ đồng từ tài khoản VietinBank chi nhánh TP.HCM sang tài khoản tại Sài Gòn Bank. VietinBank chi nhánh TP.HCM cũng chi trả lãi hợp pháp. Vậy đây đã phát sinh hợp đồng dân sự, dịch vụ gửi, giữ, VietinBank có trách nhiệm cung cấp dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Vì thế cần được điều chỉnh bởi Luật dân sự”, Luật sư Tâm nêu.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm cũng trình bày là khi khởi tố vụ án, Công ty SBBS mới biết mình bị lừa. “Chúng tôi không đồng tình với quan điểm là tiền vừa chuyển vào đã bị mất. Việc ký hợp đồng uỷ thác đầu tư là uỷ thác hợp pháp hay không hợp pháp thì ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm giữ số tiền đó, Huyền Như đã lợi dụng quan hệ của mình với VietinBank và đã lợi dụng sơ hở của VietinBank để thực hiện hành vi chiếm đoạt”, Luật sư Nguyễn Minh Tâm khẳng định.

Luật sư bảo vệ cho Công ty Toàn Cầu cho rằng, quy định trách nhiệm quyền hạn của giao dịch viên, kiểm soát viên thì Huyền Như là kiểm soát viên được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Qua nhiệm vụ được giao, Huyền Như đã sử dụng quyền để tự chuyển đi số tiền trên hệ thống.

“Lỗi do ai? Theo quan điểm chúng tôi chính do sơ hở và cơ chế điều hành của VietinBank, làm Huyền Như nảy sinh chiếm đoạt”, Luật sư quy kết.

Cũng theo Luật sư thì số tiền Công ty Toàn Cầu chuyển vào ngân hàng là hợp pháp. Công ty Toàn Cầu không giao dịch với cá nhân Huyền Như, mà giao dịch với VietinBank, khi Huyền Như chuyển tiền là làm việc chức trách của cán bộ VietinBank.

Luật sư bảo vệ Công ty Toàn Cầu cho rằng, ngoài trách nhiệm của chủ tài khoản, còn có trách nhiệm của ngân hàng. Các quy định, văn bản ban hành đã không được cán bộ VietinBank thực hiện đầy đủ. Lỗi hoàn toàn là của VietinBank.

Trong khi đó, Luật sư bảo vệ cho Công ty Phương Đông thì cho rằng, bản án sơ thẩm gộp các công ty lại là chưa chính xác vì mỗi công ty có đặc thù khác nhau. Luật sư đề nghị HĐXX nên tách ra từng công ty để xem xét.  

Đại diện Công ty An Lộc tranh luận rằng, Công ty An Lộc cũng giống Công ty ORS, nhận định của Công ty An Lộc tương tự  với Công ORS và Cty An Lộc đã mở tài khoản tại VietinBank là hợp pháp…

Ngày mai (29/5), phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử “siêu lừa” Huyền Như: Đại diện VKS khẳng định Huyền Như phạm tội lừa đảo