Vụ án Hứa Thị Phấn giai đoạn 2: VKS bảo lưu quan điểm kháng nghị

Văn Vũ| 24/06/2020 14:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm, sáng 24/6, vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm giai đoạn 2, gây thiệt hại 1.338 tỷ đồng tại Trustbank đã kết thúc phần tranh tụng. HĐXX thông báo nghị án kéo dài đến ngày 29/6.

Đây là phiên tòa phúc thẩm xét xử theo kháng nghị của VKS và kháng cáo các bị cáo cùng các bên liên quan.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi TAND TPHCM tuyên án sơ thẩm hồi tháng 9/2019, VKSND cấp cao tại TPHCM đã có kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng không buộc bị cáo Phạm Công Danh (Chủ tịch VNCB – nay là Ngân hàng CB) và Công ty Tập đoàn Thiên Thanh phải hoàn lại cho Ngân hàng CB số tiền 901 tỷ đồng; đề nghị công nhận toàn bộ 114 bất động sản liên quan đến 29 khoản vay là của Phạm Công Danh và Cty Tập đoàn Thiên Thanh.

Bị cáo Hứa Thị Phấn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị án Phạm Công Danh kháng cáo đề nghị xem xét số tiền 901 tỷ đồng phải bồi hoàn lại cho CB vì liên quan đến hành vi sai phạm trong việc đầu tư 4 dự án của Hứa Thị Phấn trong vụ án.

Bị án Phan Thành Mai (cựu Tổng Giám đốc VNCB) kháng cáo đề nghị xem xét không buộc bị án Phạm Công Danh và Công ty Tập đoàn Thiên Thanh bồi hoàn 901 tỷ đồng cho CB.

Vụ án Hứa Thị Phấn giai đoạn 2: VKS bảo lưu quan điểm kháng nghị

Các bị cáo tại 1 phiên tòa xét xử trước đó

Theo bản án sơ thẩm, Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% Trustbank và cố vấn cao cấp HĐQT đã thâu tóm, lũng đoạn hoạt động của Trustbank. Phấn chỉ đạo Trustbank đầu tư trái pháp luật vào 4 bất động sản do 3 công ty của Hứa Thị Phấn làm chủ đầu tư, để Phấn chiếm đoạt và sử dụng 1.037 tỷ đồng. Dùng ảnh hưởng của mình chỉ đạo lãnh đạo Trustbank mua 4 bất động sản, chiếm đoạt 437 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Trustbank tổng cộng hơn 1.338 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Phấn 20 năm tù, tổng hợp với các bản án giai đoạn 1 là 30 năm tù và tuyên phạt tù một số bị cáo khác chung vụ.

Về nghĩa vụ dân sự, án sơ thẩm buộc bị cáo Hứa Thị Phấn bồi thường hơn 437 tỷ đồng, Phạm Công Danh và Cty Tập đoàn Thiên Thanh phải bồi thường 901 tỷ đồng. Công nhận 97/114 bất động sản thuộc quyền sử dụng của Công ty Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh…

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm giai đoạn 2, đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM đã nêu quan điểm về vụ án.

Vụ án Hứa Thị Phấn giai đoạn 2: VKS bảo lưu quan điểm kháng nghị

Tại phiên tòa lần này cả Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn đều có đơn xin vắng mặt do sức khỏe yếu

Theo đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa, nguyên nhân dẫn đến sai phạm gây thiệt hại cho Trusbank chính là do Hứa Thị Phấn chiếm đoạt tiền của ngân hàng, với vai trò là cố vấn, Phấn đưa người thân và điều hành ngân hàng để chỉ đạo toàn bộ các hành vi vi phạm pháp luật để chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho ngân hàng. Mức án 20 năm mà bản án sơ thẩm tuyên là phù hợp, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phấn.

Về kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, đại diện VKS cho rằng, hình phạt đối với các bị cáo mà cấp sơ thẩm tuyên là phù hợp pháp luật, do vậy, không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS cho rằng, đây là vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do Phấn và các đồng phạm thực hiện. Phấn đã thâu tóm và chỉ đạo toàn bộ HĐQT thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, Phấn phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Phấn đã gian dối chiếm đoạt thực hiện để bồi thường Trustbank - VNCB, nay là Ngân hàng CB.

Việc án sơ thẩm tuyên buộc Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB) trả tiền cho hành vi vi phạm của Hứa Thị Phấn là trái pháp luật. Phạm Công Danh đã tất toán toàn bộ số tiền mua cổ phần và các tài sản đi kèm ngân hàng. Bản án sơ thẩm tuyên không trả 17 bất động sản ở Bình Dương cho Phạm Công Danh là không có căn cứ.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tuyên sửa bản án sơ thẩm, theo hướng buộc Phấn phải trả tiền, công nhận 114 bất động sản là của Tập đoàn Thiên Thanh. Đề nghị chấp nhận kháng cáo của Phạm Công Danh về khoản tiền 901 tỷ đồng. Về số tiền lãi phạt 768 tỉ đồng mà ông Danh kháng cáo là có 6 bất động sản; Ghi nhận ý kiến của Danh và Tập đoàn Thiên Thanh xử lý theo thủ tục giám đốc thẩm do 6 bất động sản này đã được đề cập ở bản án giai đoạn 1.

Đại diện Viện KSND cấp cao tại phiên phúc thẩm cũng đề nghị, chấp nhận kháng nghị của VKSND cấp cao tại TP.HCM; không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo; Hứa Thị Phấn phải bồi thường toàn bộ số tiền hậu quả vụ án mà Phấn đã chiếm đoạt. Giao 114 bất động sản cho Phạm Công Danh, tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Tại phiên tòa, phía ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh trình bày, theo bản án phúc thẩm ngày 25/12/2018 của TAND cấp cao tại TP.HCM, xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, Ngân hàng CB có trách nhiệm phải hoàn trả ông Danh, các cổ đông cá nhân của Tập đoàn Thiên Thanh số tiền 4.500 tỷ đồng, đây là số tiền ông Danh và các cổ đông Thiên Thanh đã nộp vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng vào năm 2014.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thông qua việc tăng vốn nên khoản tiền này vẫn là tài sản của Phạm Công Danh và nhóm cổ đông Thiên Thanh. Tại thời điểm NHNN không chấp thuận cho VNCB tăng vốn, thì VNCB phải hoàn trả ngay lập tức số tiền mà Phạm Công Danh cùng các cổ đông của Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp với mục đích góp cổ phần tăng vốn nhưng không thành.

Đến nay thì khoản tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn bất thành nói trên. Ngân hàng CB vẫn chưa trả cho Phạm Công Danh và cổ đông Thiên Thanh.

Theo cách tính của Tập đoàn Thiên Thanh, đến nay, số tiền lãi mà Ngân hàng CB phải trả cho tập đoàn này là hơn 3.300 tỷ đồng. Cộng với số tiền 4.500 tỷ đồng trước đó mà ngân hàng này chưa trả thì tổng số tiền mà Ngân hàng CB đang nợ Thiên Thanh và Phạm Công Danh là 7.800 tỉ đồng.

Về số tiền 4.500 tỷ đồng, ông Danh nộp vào để tăng vốn điều lệ, đại diện CB cho rằng không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án này. Số tiền trên đã được giải quyết trong vụ án ông Danh và đồng phạm giai đoạn 2 và đang bị kháng nghị giám đốc thẩm.

Việc chuyển giao ngân hàng, Ngân hàng CB cho rằng đã được thông qua trong đề án tái cơ cấu. Mặt khác, trong vụ án này, ông Hoàng Văn Toàn không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Đại diện Viện KSND cấp cao giữ công tố tại phiên tòa đã bảo lưu kháng nghị, đề nghị HĐXX chấp nhận ý kiến luật sư phía ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.

Sau khi kết thúc phần tranh tụng, HĐXX cho biết sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào ngày 29/6.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án Hứa Thị Phấn giai đoạn 2: VKS bảo lưu quan điểm kháng nghị