Xét xử vụ trốn thuế và chiếm đoạt tài sản gây nhiều tranh cãi ở Bình Dương

Văn Vũ| 26/04/2017 22:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 26/4, TAND tỉnh Bình Dương đã xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Minh Trang, Phó Giám đốc Công ty CP Chế biến và Đóng gói thuỷ hải sản (Công ty USPC) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Trốn thuế.

Mở đầu phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa vì một số luật sư bảo vệ cho bị cáo vắng mặt. Sau khi hội ý, HĐXX đã không chấp nhận đề nghị của bị cáo. Theo đó, HĐXX cho rằng, ngoài các luật sư vắng mặt, bị cáo Trang vẫn còn luật sư khác bào chữa có mặt tại phiên tòa nên sự vắng mặt của một số luật sư không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo. Ngoài ra, vụ án đã kéo dài nên việc hoãn phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến quá trình tố tụng của vụ án.

Xét xử vụ trốn thuế và chiếm đoạt tài sản gây nhiều tranh cãi ở Bình Dương

Bà Sâm trả lời các câu hỏi của HĐXX sáng nay 26/4

Cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Dương nêu rõ, bằng hình thức hợp đồng gia công, vào các ngày 30/7/2012, 1-2/8/2012, Nguyễn Thị Minh Trang với tư cách đại diện theo ủy quyền của Công ty USPC đã nhận tài sản gồm 23.977kg cá ngừ nguyên liệu của Công ty TNHH XNK Vinh Sâm (viết tắt Công ty Vinh Sâm do bà Trịnh Thị Ngọc Sâm làm giám đốc) để thực hiện gia công. Sau khi đã gia công được 11.062 kg cá ngừ thành phẩm, Trang không thực hiện việc giao lại hàng thành phẩm cho Công ty Vinh Sâm mà đặt vấn đề thỏa thuận ủy thác xuất khẩu lô hàng này với những điều kiện đưa ra làm cho bà Sâm không thể chấp nhận được.

Đến ngày 6/10/2012, Trang tự ý định đoạt đối với lô hàng cá ngừ gia công thành phẩm của Công ty Vinh Sâm bằng việc xuất bán 11.062 kg cá ngừ thành phẩm cho một công ty nước ngoài. Trong khi lô hàng vẫn đang được Công ty USPC đóng container và đưa đến Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần để làm thủ tục xuất khẩu, Trang tiếp tục gian dối với bà Sâm rằng lô hàng của Công ty Vinh Sâm đã xuất khẩu và đang trên đường triệu hồi về Việt Nam.

Thực chất, Trang nhập một lô hàng mới từ Singapore về Việt Nam và nói dối với bà Sâm là lô hàng cá ngừ thành phẩm của Công ty Vinh Sâm, yêu cầu bà Sâm nhận lại và phải thanh toán thêm các khoản chi phí. Chi phí gia công 370.857.547 đồng; chi phí phát sinh do triệu hồi lô hàng về gồm cước tàu và phí dịch vụ 5.774 USD; chi phí nhập khẩu 9.322.256 đồng; thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng 835.309.023 đồng.

Hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt lô hàng cá ngừ thành phẩm của Công ty Vinh Sâm có giá trị hơn 3 tỷ đồng của Nguyễn Thị Minh Trang đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi Nguyễn Thị Minh Trang nhập lô hàng cá ngừ mới trọng lượng 11.062kg cá ngừ thành phẩm từ Singapore về Việt Nam nhưng tạo dựng hồ sơ khai báo gian đối với Chi cục Hải quan Sóng Thần đây là lô hàng tái nhập nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu với số tiền gần 473 triệu đồng đã đủ yếu tố cấu thành tội Trốn thuế.

Theo đó, VKSND tỉnh Bình Dương truy tố Nguyễn Thị Minh Trang ra trước TAND tỉnh Bình Dương để xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Trốn thuế” theo điểm a, khoản 4 Điều 140 và khoản 2 Điều 161 BLHS.

Mở đầu phần xét hỏi, HĐXX, đại diện VKS, các luật sư tập trung xét hỏi đối với Công ty Vinh Sâm về chủ sở hữu đối với lô hàng 23.977kg cá ngừ nguyên liệu mà Công ty USPC gia công.

Trả lời các câu hỏi về vấn đề này, bà Trịnh Thị Ngọc Sâm một mực khẳng định lô hàng 23.977kg cá ngừ nguyên liệu là của Công ty Vinh Sâm giao cho Công ty USPC gia công, không liên quan gì đến Công ty Cổ phần Tuna Fish Bình Định (gọi tắt Công ty Tuna Bình Định) do ông Nguyễn Tấn Vinh làm đại diện pháp luật.

Tuy nhiên, khi HĐXX, đại diện VKS và các luật sư hỏi về hợp đồng gia công giữa Công ty Vinh Sâm và Công ty USPC thì bà Sâm cho rằng, hai bên không có ký hợp đồng gia công.

Cũng liên quan đến lô hàng này, có lúc bà Sâm lại khai rằng, lô hàng này là của Công ty Vinh Sâm nhượng lại cho Công ty Tuna Bình Định gia công để có chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu. Vì Công ty Tuna Bình Định mới thành lập chưa có lô hàng xuất khẩu nào.  

Bên cạnh đó, về vấn đề xuất khẩu ủy thác, bà Sâm khai rằng, khi Công ty USPC đặt vấn đề về xuất khẩu ủy thác lô hàng cá ngừ thành phẩm trên, lúc đầu bà đã đồng ý. Nhưng sau đó, do bất đồng về những điều khoản yêu cầu của Công ty USPC đưa ra nên bà phản đối kịch liệt và tố cáo đến cơ quan Công an về việc lô hàng trên bị chiếm đoạt. 

Ngoài ra, tại phiên tòa, HĐXX và các luật sư cũng làm rõ tư cách của bà Sâm trong đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an.

Đối với phần xét hỏi của ông Byron Scott Mc Laughlin, đại diện cho Công ty USPC, HĐXX tập trung làm rõ những vấn đề pháp lý liên quan đến nội bộ của công ty cũng như việc ký kết hợp đồng gia công, xuất khẩu và triệu hồi lô hàng cá ngừ trên.

Theo đó, ông Byron khẳng định ông là người đại diện pháp luật, là người quyết định những quan trọng và là người chịu trách nhiệm của công ty USPC. Ông có ủy quyền cho bà Trang giao dịch và ký kết hợp đồng với các đối tác trong nước… nhưng tất cả các lệnh nhập hàng, xuất hàng hoặc liên quan đến tài chính của công ty đều do chính ông ký duyệt.

Ông Byron khẳng định rằng, vào sáng 6/10/2012, chính ông là người đã chỉ đạo việc xuất khẩu ủy thác lô hàng cá ngừ thành phẩm của Công ty Bình Định theo Hợp đồng Ủy thác xuất khẩu số 001/12/USPC- VS/HĐUTXK ngày 25/9/2012 mà hai bên đã ký kết qua fax trước đó. Ông Byron cũng là người đại diện Công ty USPC ký tờ khai hàng xuất khẩu số 2619 vào ngày 6/10/2012.

Khi HĐXX đặt vấn đề, tiền của bên mua đã thanh toán cho Công ty USPC thì bà Trang có được quyền rút tiền không? Ông Byron khẳng định là bà Trang không có quyền đó. Tiền này là của Công ty USPC do ông làm chủ tài khoản.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi tiếp theo đối với đại diện Công ty USPC và những người tham gia tố tụng còn lại.

Báo Công lý sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin tại phiên toà này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ trốn thuế và chiếm đoạt tài sản gây nhiều tranh cãi ở Bình Dương