TAND TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm vụ tranh chấp Trường TH-THCS Pascal giữa Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS Việt Nam (Công ty TDS) và Trường THCS-THPT Newton (đơn vị quản lý trường TH-THCS Pascal).
Trong vụ án này, nguyên đơn là bà Trần Kim Phương (đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS) và bị đơn là bà Lê Thị Bích Dung (đại diện Trường THCS-THPT Newton).
Trước đó, trong các ngày 23, 25, 26/11/2019 cấp sơ thẩm mở phiên tòa xét xử vụ án "tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư" giữa Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục TDS (Công ty TDS) với Trường THCS & THPT Newton; Trường Pascal. Tòa tuyên "Trường Pascal và Newton nhận lại ngôi trường trên lô TH1.
Theo bản án số 27/2019/KDTM ngày 23/25, 26/11/2019, TAND quận Bắc Từ Liêm đã Quyết định đình chỉ việc xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty TDS về các yêu cầu bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trả 50% tiền thuê cơ sở vật chất của Tòa nhà TH1 năm học 2017-2018 và trả 49% cổ phần Trường Pascal năm học 2017-2018. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TDS về việc yêu cầu Trường THCS-THPT Newton trả hóa đơn GTGT và thanh toán tiền chênh lệch…
Chấp nhận yêu cầu phản tố của Trường THCS-THPT Newton. Tuyên bố Hợp đồng số 07 ngày 10/7/2018 là vô hiệu. Hủy bỏ hiệu lực của các biên bản thanh lý hợp đồng ngày 10/7/2018, biên bản làm việc các ngày 20, 31/5, ngày 7/6, ngày 10/7 năm 2018. Công nhận hiệu lực của Hợp đồng ngày 23/1/2017.
Quang cảnh phiên tòa ngày 28/8
Theo nhận định của TAND quận Bắc Từ Liêm, mục đích đổ đất cát, căng băng rôn, khẩu hiệu… buộc Trường Pascal ngừng hoạt động do phía Công ty TDS mà bà Phương làm đại diện không phải là để hoàn thiện hệ thống PCCC, mà là nhằm ép buộc Trường Newton ký hợp đồng chuyển nhượng lại cổ phần. Do đó có đủ cơ sở để khẳng định việc Trường Newton ký kết các biên bản làm việc thỏa thuận trên, cũng như Hợp đồng chuyển nhượng lại cổ phần ngày 10/7/2018 giữa các bên là do bị ép buộc, trái với ý muốn chủ quan của mình. Điều này được thể hiện rõ trong văn bản trả lời của Công an quận Bắc Từ Liêm.
Không đồng ý với quyết định của tòa, Công ty TDS do bà Trần Kim Phương đại diện đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án cấp sơ thẩm.
Theo Luật sư Đỗ Anh Thắng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Asem Việt Nam: Các hành vi trên của bà Trần Kim Phương không chỉ ngăn cản hoạt động giáo dục thường xuyên của Pascal mà còn xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 1.000 học sinh, phụ huynh học sinh.
Sau 2 buổi xét xử (ngày 19/8 và 28/8), đại diện VKS nhận định, bản án sơ thẩm tuyên là có căn cứ, đúng quy định pháp luật:
"Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu Trường THCS-THPT Newton trả lại hóa đơn giá trị gia tăng và thanh toán tiền chênh lệch giữa phần chi mua thiết bị trường học theo bảng kê ngày 31/5/2018 với biên bản bàn giao nhận thực tế ngày 18/7/2018 của Công ty TNHH Khai Phát tại ngân hàng là có cơ sở.
Đối với hợp đồng kinh tế chuyển nhượng một phần lô đất TH1, Trường liên cấp Pascal và hợp tác xây dựng Trường Pascal ký ngày 3/11/2016, tại bản án sơ thẩm đã nhận định, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về hủy một phần của hợp đồng trên, đề nghị hợp đồng trên vô hiệu một phần tức là vô hiệu phần chuyển nhượng Trường liên cấp Pascal", vị đại diện VKS nói.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng, trong phần quyết định của bản án lại không tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Công ty TDS Việt Nam ký ngày 3/11/2016 vô hiệu một phần là còn thiếu sót. Do đó, đề nghị cần sửa một phần bản án sơ thẩm.
Cụ thể, tuyên bố hợp đồng kinh tế về việc chuyển nhượng một phần lô đất TH1, Trường liên cấp Pascal, hợp tác xây dựng ký ngày 3/11/2016 giữa Công ty TDS và Trường Pascal bị vô hiệu một phần là phần chuyển nhượng Trường liên cấp Pascal.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm nhận định và không chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty TDS về việc trả hóa đơn giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trong phần nhận định chưa thể hiện rõ là cần rút kinh nghiệm ở cấp sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX bác kháng cáo của Công ty TDS, sửa bản án sơ thẩm của TAND quận Bắc Từ Liêm, tuyên bố về hợp đồng kinh tế chuyển nhượng một phần lô đất TH1, Trường liên cấp Pascal, hợp tác xây dựng ký ngày 3/11/2016 có hiệu lực một phần và vô hiệu phần chuyển nhượng Trường liên cấp Pascal.
Được biết, HĐXX phúc thẩm của TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án vào ngày 4/9/2020.
Theo dõi diễn biến của phiên tòa, bà Lê Thị Bích Dung, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Pascal cho biết: "Đây là một tin vui cho hơn 1.000 học sinh, toàn bộ toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhất là các phụ huynh, học sinh cả 2 Trường Newton và Trường Pascal trước ngày Quốc khánh và trước thềm năm học mới".
Theo bản án của TAND quận Bắc Từ Liêm, công ty TDS thành lập vào năm 2010, gồm nhiều cổ đông, trong đó, bà Lê Thị Bích Dung nắm giữ 30% cổ phần. Bà Dung còn là Hiệu trưởng và đại diện theo pháp luật của Trường Newton.
Năm 2011, công ty được cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng trường Pascal tại ô đất NT, TH1, TH2, khu đô thị mới Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm.
Năm 2016, Công ty TDS do bà Trần Kim Phương đại diện (bên A) và trường Newton do bà Lê Thị Bích Dung đại diện (bên B) ký hợp đồng chuyển nhượng một phần lô đất TH1, chuyển nhượng Trường liên cấp Pascal và hợp tác xây dựng, điều hành trường Pascal...
Quá trình hợp tác, hai bên phát sinh tranh chấp. Vụ việc trở nên ầm ĩ khi trường Pascal bị chiếm giữ, hủy hoại tài sản và bị ngăn cản hoạt động giáo dục. Bà Phương đã treo banner chống đối trường Pascal, Newton và đổ gạch đá trước trường học. Các hành vi này diễn ra từ tháng 5-7/2018.
Trước sức ép trên, ngày 10/7/2018, bà Lê Thị Bích Dung ký hợp đồng chuyển nhượng 13,09% cổ phần cho bà Phương, tương ứng với giá trị 15 tỷ đồng... Tuy nhiên sau đó hai bên vẫn xảy ra mâu thuẫn, bất đồng.
Tháng 4/2018, bà Phương khởi kiện trường Newton, phía bà Dung cũng có yêu cầu phản tố.
Vụ việc khiến hơn 1.000 học sinh trường này phải đi khai giảng và học nhờ 2 năm liên tiếp, ảnh hưởng lớn đến việc học tập.