Xét xử vụ lừa đảo 4.000 tỷ đồng: Từ “đại gia” bất động sản trở thành “siêu lừa”

Nguyễn Quang| 09/01/2014 11:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 6/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử vụ “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đây được xem là một trong 6 “đại án” của cả nước trong năm 2013. Bằng nhiều thủ đoạn, người đàn bà này đã lừa trót lọt hàng nghìn tỷ đồng.

“Đại gia” bất động sản, chứng khoán

 

Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, thường trú ở phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) trước khi bị bắt là Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - chi nhánh TP Hồ Chí Minh (Vietinbank TP Hồ Chí Minh). Đồng thời, Như cũng là thành viên HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS), được bầu ngày 18/5/2011. Đến tháng 10/2011, ORS đã công bố quyết định đình chỉ tư cách thành viên HĐQT của Huỳnh Thị Huyền Như sau khi vụ lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng bị phanh phui. Ngoài ra, Như còn là vợ một sếp lớn của một chi nhánh thuộc Vietinbank.

 

Xét xử vụ lừa đảo 4.000 tỷ đồng: Từ “đại gia” bất động sản trở thành “siêu lừa”

Như và đồng phạm tại phiên tòa

 

Tại phiên tòa, Huyền Như khai: Năm 2007, bên cạnh công việc chính là cán bộ tín dụng của Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, bị cáo còn bắt đầu kinh doanh chứng khoán và bất động sản. Thấy mọi người kinh doanh có lãi nên bị cáo mới gom góp hết tiền để tham gia chứng khoán và bất động sản. Sau một thời gian đầu tư, số vốn thực tế của Huyền Như đã lên đến 50 tỷ đồng. Nhận thấy công việc quá thuận lợi, Như đã huy động vốn thêm để tiếp tục kinh doanh. Thời điểm này, cô gái 29 tuổi đã mạnh dạn vay cá nhân trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh chứng khoán và bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, An Giang và Lâm Đồng. Thời hoàng kim, “đại gia” Huyền Như sở hữu hàng chục bất động sản là căn hộ sang trọng, đất nền, biệt thự tại khu biệt thự Nam Phú (quận 7), An Phú Đông (quận 12), biệt thự tại khu du lịch Sanctuary ở Bà Rịa - Vũng Tàu (hai căn này có giá thị trường trên 1 triệu USD/căn), villa tại Điện Bàn (Quảng Nam), căn hộ Ruby tại tòa tháp Ruby (khu dân cư Sài Gòn Pearl), căn hộ Orient Apartment (quận 4), nhà đất tại Đà Lạt, Lâm Đồng...và một số tiền đã dùng để mua nhà đất tại năm công ty bất động sản. Ngoài ra, Huyền Như đã sử dụng và sở hữu đến ba chiếc xe hơi, chiếc đắt nhất có giá gần 4 tỷ đồng. Tất cả tiền đầu tư và mua sắm tài sản đắt tiền một phần lớn do Huyền Như vay nặng lãi. Đầu tư bất động sản dàn trải bằng tiền đi vay ngân hàng, vay cá nhân đến giữa năm 2010 thì bất động sản bắt đầu khó giao dịch, nhưng tiền lãi đến kỳ vẫn phải trả.

 

Chết vì bất động sản 

 

Cũng chính vì vẻ bên ngoài sang trọng, Huyền Như đã vay số tiền lớn của nhiều người rất dễ dàng. Huyền Như thản nhiên khai tại Tòa: “Lỗi cũng tại bị cáo muốn kiếm thêm nên mới huy động vốn. Khi mới vay, bị cáo ký giấy vay tiền, khi nào trả hết nợ lẫn lãi thì xé tờ giấy vay. Sau khi quen dần, không cần ký giấy nữa, bị cáo chỉ gọi điện thoại thôi. Lúc đầu, bị cáo chỉ huy động ít. Nhưng về sau, lãi mẹ đẻ lãi con...”. Trong phần trả lời chất vấn, HĐXX hỏi bị cáo Như vay tiền của những ai và vay như thế nào? Như trả lời, đã vay lãi suất rất cao của nhiều người. “Bị cáo bị các chủ nợ truy đòi, cho xã hội đen uy hiếp đòi giết chết, nên bị cáo phải tìm mọi cách có tiền để trả nợ”. Vì sao bị cáo không bán bất động sản, cổ phiếu để trả nợ mà phải huy động nguồn tiền lớn như vậy?- HĐXX chất vấn. “Bị cáo chỉ còn cách vay người sau trả cho người trước. Cuối năm 2008, qua năm 2009 và cao điểm từ giữa 2009 trở đi là thời gian bị cáo đi vay nhiều. Bị cáo có bán bất động sản nhưng không thấm vào đâu so với lãi suất ngày càng lớn. Bán bất động sản, cổ phiếu, bị cáo lỗ khoảng trên 50%. Thế nhưng bị cáo vẫn bán để thanh toán nợ. Bị cáo đã bán nhưng nợ, lãi cao nên cố gắng bán hết cũng không đủ trả nên phải vay” - Như thừa nhận. HĐXX truy tiếp: Sao không tuyên bố phá sản? “Bị cáo sợ xấu hổ, ảnh hưởng cơ quan nên cầm cự nhưng đến cuối cùng, bị cáo không thể trả tiền cho họ. Do nợ quá lớn, cứ sáng đi làm là bị điện thoại nhắn tin, đe dọa. Bị cáo sợ, rối trí nên nghĩ cách nào kiếm tiền nhanh để trả”. 

 

Theo kết quả điều tra, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Như đã làm giả 8 con dấu đứng tên nhiều cơ quan, đơn vị tạo lập nhiều giấy tờ, chứng từ, hợp đồng… lừa đảo của 9 công ty, ba ngân hàng và ba cá nhân số tiền hơn 4.900 tỷ đồng. Cho đến khi vụ án được phát hiện và khởi tố, Như còn chiếm đoạt gần 4.000 tỷ. Phần lớn số tiền chiếm đoạt được Như dùng để trả tiền vay nặng lãi cho 14 cá nhân (hơn 1.200 tỷ đồng), chi chênh lệch ngoài hợp đồng cho “cò” ngân hàng hơn 42 tỷ, trả nợ gốc, nợ lãi cho bốn công ty hơn 925 tỷ đồng. Còn hơn 1.200 tỷ, Như thừa nhận dùng để trả các khoản lãi “cắt cổ” khác và tiêu xài hết. 

 

Bị cáo Huyền Như bị xác định là kẻ cầm đầu nên bị truy tố về hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với mức án cao nhất là tù chung thân. Với vai trò là người giúp sức tích cực cho Như trong việc huy động tiền của các ngân hàng và chiếm đoạt, Võ Anh Tuấn cũng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Liên quan đến vụ án, 21 bị cáo khác cũng bị truy tố về hai tội như Huyền Như cùng các tội “Cho vay lãi nặng”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó có 13 bị cáo nguyên là Trưởng, Phó phòng, cán bộ các phòng giao dịch thuộc Ngân hàng Vietinbank và nhiều Giám đốc, Phó Giám đốc của các doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ lừa đảo 4.000 tỷ đồng: Từ “đại gia” bất động sản trở thành “siêu lừa”