Xét xử vụ án tham ô tài sản tại Vinashinlines: Đề nghị án tử hình đối với Giang Kim Đạt

Anh Khôi| 18/02/2017 17:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 18/2, sau hơn hai ngày xét xử, vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm bước sang phần tranh luận. Đại diện Viện KSND thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị mức án dành cho 4 bị cáo.

Theo đó, bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) bị đề nghị mức án chung thân vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng.

Bị cáo Giang Kim Đạt (SN 1977, ở Bình Thạnh, TP.HCM) - nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines - bị đề nghị mức án tử hình vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Văn Khương (SN 1950, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines - bị đề nghị mức án 20 năm tù vì tội Tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt 110 nghìn USD.

Bị cáo Giang Văn Hiển (bố của Giang Kim Đạt) bị đề nghị 8-9 năm tù về tội Rửa tiền.

VKS đề nghị thu hồi số tiền thiệt hại trả lại cho Vinashinlines. VKS cho rằng, tại tòa, các bị cáo không thừa nhận hành vi, phủ nhận toàn bộ lời khai trước đó ở cơ quan điều tra nhưng đủ căn cứ truy tố bị cáo Khiêm, Liêm và Đạt phạm tội Tham ô.

Xét xử vụ án tham ô tài sản tại Vinashinlines: Đề nghị án tử hình đối với Giang Kim Đạt

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Vietnamnet

Trước đó, sau khi VKS công bố cáo trạng, Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt, Trần Văn Khương và Giang Văn Hiển đều cho rằng cáo trạng đã truy tố không đúng.

Tại tòa, bị cáo Đạt khai số tiền có được là do công môi giới của mình, nhưng theo VKS, lời khai này là không có cơ sở. Đạt là cán bộ của Vinashinlines, được giao nhiệm vụ mua tàu. Số tiền chuyển về tài khoản của ông Hiển là do chênh lệch hoa hồng từ các thương vụ mua tàu.

Bị cáo Giang Văn Hiển phủ nhận toàn bộ lời khai của con trai, cho rằng tiền đổ vào tài khoản của mình là tiền sạch, kiếm được từ môi giới. Tuy nhiên, VKS thấy, lời khai tại cơ quan điều tra cho thấy, khi mở tài khoản là do con trai nhờ để gửi tiền. Trước khi gửi tiền, Đạt đều nói trước với bố.

Có bút lục bị cáo Hiển đã thừa nhận hành vi, và đề nghị được kê biên tài sản, để khắc phục. 

Đây là vụ án nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài. Từ năm 2006 đến 2008, bị cáo Liêm điều hành Vinashinlines, chỉ đạo bị cáo Đạt thống nhất tiền hoa hồng, chênh lệch giá mua tàu, cho thuê tàu. Số tiền chiếm đoạt được các bị cáo để ngoài sổ sách.

Cũng trong thời gian này, bị cáo Giang Kim Đạt với vị trí của mình đã trực tiếp tham mưu, tìm kiếm đối tác mua tàu, cho thuê tàu, lợi dụng chức vụ, thông qua công ty môi giới, chiếm đoạt 260 tỷ đồng. Bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho Vinashinlines hơn 249 tỷ đồng.

Theo cáo trạng truy tố, năm 2006, Vinashinlines được thành lập theo quyết định của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Ngày 18/4/2006, bị can Liêm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc. Sau đó, Đạt được tiếp nhận vào công tác tại Phòng Khai thác 2 một thời gian ngắn rồi bị chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đến năm 2008, Đạt lại được Liêm đưa về Vinashinlines và bổ nhiệm vị trí cố vấn cao cấp của Tổng Giám đốc rồi sau đó là quyền Trưởng phòng Kinh doanh.

Trong vòng 2 năm (2006 - 2008), Liêm và Đạt đã rút của Vinashinlines hàng trăm tỷ đồng từ việc trích tiền hoa hồng mua và cho thuê tàu.

Cụ thể, các bị can đã chiếm đoạt tiền hoa hồng mua 3 tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix hơn 711.000 USD và số tiền gửi giá cước ngoài hợp đồng cho thuê 9 tàu biển hơn 15,2 triệu USD.

Ngoài ra, để bỏ túi riêng, Đạt còn nâng tỷ lệ phần trăm tiền gửi nhằm chiếm hưởng cá nhân. Số tiền này, Đạt thông đồng với Khương để ngoài sổ sách. Tổng số tiền các bị can chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng (trong đó, Liêm chiếm đoạt 3,1 tỷ đồng, Khương chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng và Đạt chiếm đoạt 255 tỷ đồng).

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt nhờ bố đẻ trực tiếp đứng tên mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng trong nước để nhận và rút tiền hoa hồng. Mỗi lần thông báo có tiền, Đạt chủ động cân đối và cung cấp số tài khoản của bị can Hiển cho các công ty nước ngoài chuyển về.

Tổng cộng, các công ty nước ngoài có 92 lần chuyển tiền vào tài khoản của Hiển với số tiền hơn 259 tỷ đồng. Bên cạnh số tiền trên, các công ty bán tàu còn nhiều lần chuyển số tiền tổng cộng hơn 1,3 triệu USD vào tài khoản bị can Hiển và số tiền 1 triệu USD vào tài khoản đứng tên Nguyễn Thị Ngân (mẹ đẻ Đạt).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ án tham ô tài sản tại Vinashinlines: Đề nghị án tử hình đối với Giang Kim Đạt