Xét xử phúc thẩm vụ án 800 tỷ: Vì sao thuộc cấp của Đinh La Thăng được chuyển tội danh?

Mạnh Hùng| 27/06/2018 19:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tuyên án chiều (26/6), HĐXX cấp phúc thẩm quyết định chuyển tội danh cho bị cáo Phan Đình Đức, cựu thành viên HĐTV PVN từ tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế ...” sang “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo đó, HĐXX nhận định, ngày 16/5/2011, Nguyễn Xuân Thắng được ủy quyền của Đinh La Thăng ký ban hành Nghị quyết 4266 có nội dung: Chấp thuận điều chính phương án tăng vốn điều lệ ở mức 20%, tương đương 100 tỷ đồng vào OceanBank năm 2010.

Tài liệu liên quan tới việc xin ý kiến, soạn thảo và ký ban hành Nghị quyết 4266 đã được HĐXX thẩm tra cụ thể và qua các lời khai của những người tham gia tố tụng tại phiên phúc thẩm đã làm rõ: Có 4/6 thành viên HĐTV PVN được tham gia về việc ban hành nghị quyết bằng cách xin ý kiến vào văn bản 124 ngày 12/5/2011 của TGĐ PVN. Có 3 thành viên là Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng ký tên đồng ý. Riêng bị cáo Phan Đình Đức có chữ ký của mình trên văn bản 124 nhưng không đủ cơ sở xác định bị cáo Đức ký vào ngày nào.

Bên cạnh đó, HĐXX cũng cho rằng, căn cứ kết quả giám định, lời khai của những người làm chứng thẩm tra tại phiên tòa và các lài liệu do Tổng công ty Hàng không Việt Nam cung cấp, HĐXX phúc thẩm nhận định chưa đủ căn cứ xác định bị cáo Phan Đình Đức ký văn bản 124 trước khi ban hành Nghị quyết 4266 vào ngày 16/5/2011.

Xét xử phúc thẩm vụ án 800 tỷ: Vì sao thuộc cấp của Đinh La Thăng được chuyển tội danh?

Bị cáo Phan Đình Đức tại phiên tòa phúc thẩm

Cũng theo HĐXX, tuy bị cáo Đức không được giao trực tiếp phụ trách tài chính của PVN, nhưng với trách nhiệm là thành viên HĐTV PVN buộc bị cáo phải biết văn bản 124 đề xuất PVN góp 100 tỷ đồng để duy trì 20% vốn điều lệ Oceanbank là trái quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và không nằm trong kế hoạch năm 2011 của PVN.

Với những nhận định và phân tích nêu trên, HĐXX cho rằng, hành vi không kiểm tra, xem xét và ký vào văn bản 124 của bị cáo Đức đã phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tòa sơ thẩm đã xác định bị cáo Đức có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên cấp phúc thẩm có thể xem xét chuyển hình phạt cho bị cáo.

Theo HĐXX, do được chuyển tội danh bị cáo Đức không phải chịu trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, do không thể làm xấu hơn tình trạng của các bị cáo khác trong cùng vụ án nên phần trách nhiệm dân sự Tòa cấp sơ thẩm buộc bị cáo Đức bồi thường sẽ được đối trừ trong tổng số tiền thu lợi bất chính phải sung vào công quỹ tại PVN.

Từ các phân tích và nhận định nêu trên, HĐXX đã quyết định chuyển tội danh cho bị cáo Phan Đinh Đức từ tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, bị cáo Đức nhận hình phạt cảnh cáo và được miễn trách nhiệm dân sự.

Trước đó, bị cáo Phan Đình Đức đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, bị cáo Đức khẳng định bản thân không tham gia vào việc ban hành Nghị quyết các lần góp vốn của PVN vào Oceanbank. Bản án sơ thẩm kết luận bị cáo Phan Đình Đức đã tham gia vào lần góp vốn thứ 3 (100 tỷ đồng), nhưng tại phiên phúc thẩm, bị cáo Đức phủ nhận việc này.

Cũng trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Đức giải thích với HĐXX: Bị cáo có ký vào văn bản 124 vào ngày 17/5/2011. Trên văn bản đó thể hiện ngày 15/5/2011 là hạn cuối nên bị cáo ký để cho thấy mình đã xem và không còn quyền tham gia. Dù có ký nhưng theo bị cáo Đức phải xác minh yếu tố thời gian và trong nhận thức của mình, bị cáo không tham gia.

Nói về phần trách nhiệm dân sự, bị cáo Đức cho rằng bị cáo thấy mình không cố ý làm trái, không gây ra hậu quả, không phạm tội nên không cần phải bồi thường.

Xét xử phúc thẩm vụ án 800 tỷ: Vì sao thuộc cấp của Đinh La Thăng được chuyển tội danh?

Các bị cáo đứng nghe HĐXX tuyên án

Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Đức đã thể hiện niềm tin vào sự điều hành phiên tòa của HĐXX; qua đó, bị cáo Đức mong HĐXX sẽ cho ra bản án minh bạch và nhân văn để sớm trả lại sự công bằng, trong sạch cho bị cáo.

Theo bản án sơ thẩm, đối với bị cáo Phan Đình Đức, quá trình điều tra khai nhận: Đức nhận được báo cáo số 124/CVNB-NXS ngày 12/5/2011 vào ngày 17/5/2011. Đức đồng ý và ký biểu quyết trên báo cáo 124 vào ngày 17/5/2011 sau khi HĐTV PVN ban hành Nghị quyết 4266 ngày 16/5/2011 về việc chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ của Oceanbank năm 2010.

Lý do ký biểu quyết đồng ý ngày 17/5/2011 với báo cáo số 124 là do Đức đi vắng; sau đó bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Phó chánh văn phòng, Thư ký HĐTV PVN đưa cho ông Đức ký. Đối với các nội dung trong báo cáo trên, Đức khai đã nắm được chủ trương từ trước và trước khi ký biểu quyết có gọi điện hỏi Ninh Văn Quỳnh nên việc Đức ký sau khi HĐTV PVN đã ban hành Nghị quyết số 4266 là hoàn toàn bình thường.

Tại Bản kết luận giám định số 5962/C54-P5 ngày 4/12/2017 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an kết luận: Chữ số ngày tháng năm trên bút phê biểu quyết đồng ý của Phan Đình Đức không phải là ngày 13/5/2011 và không đủ cơ sở kết luận là ngày 17/5/2011 hay số ngày nào khác.

Kết quả xác minh tại PVN và Tổng công ty hàng không Việt Nam, Phan Đình Đức vẫn làm việc tại PVN vào ngày 13/5/2011 và trong ngày hôm đó, Đức vẫn cho ý kiến vào một số văn bản do Tổ thư ký trình. Sau đó Đức đi công tác TP Hồ Chí Minh, chuyến bay buổi tối 13/5/2011 đến ngày 16/52011.

Trước đó, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên bị cáo Phan Đình Đức 15 tháng cải tạo không giam giữ với tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và buộc bị cáo Đức phải bồi thường 15 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử phúc thẩm vụ án 800 tỷ: Vì sao thuộc cấp của Đinh La Thăng được chuyển tội danh?