Vụ Vinashin: Phạm Thanh Bình bị đề nghị 19-20 năm tù

congly.com.vn| 13/04/2012 10:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 29-3, HĐXX dành hơn nửa tiếng thời gian đầu giờ tiếp tục thẩm vấn các bị cáo để làm rõ thêm các sai phạm của các bị cáo tại dự án đầu tư mua tầu Bình Định Star. Buổi chiều, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư về lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát.

Trước đó, ngày 28-3, HĐXX dành toàn bộ thời gian buổi sáng và đầu giờ buổi chiều để thẩm vấn các bị cáo có liên quan đến sai phạm trong dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (tỉnh Nam Định).

Các bị cáo tại tòa Ảnh Thư Kỳ

Cáo trạng của VKSNDTC quy kết: Trong năm 2006 - 2007, Phạm Thanh Bình khi chỉ đạo thực hiện dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng đã không lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư công trình nhóm A; quyết định phê duyệt dự án không có trong quy hoạch phát triển ngành điện, không lập hồ sơ thiết kế cơ sở để thực hiện thủ tục thẩm định, không tổ chức đấu thầu mà chỉ định đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty CP Cửu Long, vốn không có giấy phép hoạt động điện lực, cho phép sử dụng vốn vay để thực hiện dự án sai mục đích. Tổng thiệt hại mà bị cáo Bình cùng các bị cáo Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Tuấn Dương, Đỗ Đình Côn gây ra là 316,5 tỷ đồng.

Trước Tòa, ông Bình khai rằng, vào thời điểm tiến hành dự án (tháng 8-2006), bị cáo nhận thức dự án này thuộc nhóm B, không phải trình Chính phủ phê duyệt. Bị cáo cho rằng, đây là dự án của Công ty CP CNTT Hoàng Anh, mà trong đó, Tập đoàn Vinashin chỉ góp vốn danh nghĩa 51%. Tập đoàn Vinashin không cho Công ty Hoàng Anh vay tiền làm nhiệt điện mà chỉ cho vay để Công ty này thực hiện một số hạng mục phục vụ việc đóng tàu. Bị cáo Bình cũng cho rằng trên cương vị người đứng đầu Vinashin, bị cáo chỉ có trách nhiệm chỉ đạo chung, không phải là người tổ chức thực hiện như cáo trạng quy kết.

Trong dự án này, bị cáo Đỗ Đình Côn thừa nhận với tư cách là Kế toán trưởng của Công ty Hoàng Anh, biết dự án chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, nhưng theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Tuyên vẫn làm thủ tục thanh toán chi phí vào dự án. Cụ thể là Côn thực hiện các thủ tục vay vốn ngắn hạn từ Ban tài chính Tập đoàn Vinashin và làm giả hồ sơ vay 42,8 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu quốc tế của Chính phủ để chuyển cho Công ty CP Cửu Long sử dụng vào dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng sai mục đích sử dụng vốn vay. Côn khai thêm, nếu không có sự “bao che, giúp đỡ” của bà Trịnh Thị Hậu, nguyên Tổng Giám đốc (VFC) thì không thể giải ngân khoản vay này được. Phản bác lại lời khai của bị cáo Côn, bà Trịnh Thị Hậu cho rằng, tất cả các hồ sơ xin vay của khách hàng gửi đến VFC đều được cán bộ tín dụng của Công ty thẩm định rồi mới trình để bà ký duyệt…

Cuối phiên làm việc buổi chiều, HĐXX tiến hành thẩm vấn các bị cáo liên quan đến sai phạm trong dự dán đầu tư mua tàu Bình Định Star. Theo cáo trạng, Công ty CP CNTT Bình Định được thành lập từ năm 2004, Tập đoàn Vinashin là cổ đông có 51% vốn. Khi thực hiện việc mua tàu Bình Định Star, bị cáo Trịnh Thị Hậu theo chỉ đạo của Hồ Ngọc Tùng (hiện bỏ trốn) đã ký duyệt giải ngân cho Công ty Bình Định vay 29 tỷ đồng từ nguồn vốn phát hành trái phiếu Quốc tế của Chính phủ mà không có tài sản bảo đảm, hồ sơ vay vốn chưa được thẩm định và chưa được Hội đồng quản lý nguồn vốn phê duyệt, gây thiệt hại 30,4 tỷ đồng. Sau khi mua tàu Bình Định Star, đến ngày 30-3-2010, Công ty Bình Định vi phạm trách nhiệm trả nợ nên các công ty cho thuê tài chính đã thu hồi và bán con tàu này, dẫn đến VFC và Vinashin không còn khả năng thu hồi vốn vay…

Sáng ngày 29-3, HĐXX dành hơn nửa tiếng thời gian đầu giờ tiếp tục thẩm vấn các bị cáo để làm rõ thêm các sai phạm của các bị cáo tại dự án đầu tư mua tầu Bình Định Star.

Sau khi kết thúc phần thẩm vấn, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận. Vị đại diện Viện kiểm sát đã đọc lời luận tội về hành vi phạm tội của các bị cáo. Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với bị cáo Phạm Thanh Bình từ 19 - 20 năm tù, bị cáo Trần Văn Liêm và bị cáo Tôn Nghiêm mỗi bị cáo bị đề nghị mức án từ 17 - 18 năm tù, bị cáo Nguyễn Văn Tuyên bị đề nghị mức án từ 15 - 16 năm tù, bị cáo Trần Thị Hậu bị đề nghị mức án từ 13 - 14 năm tù, bị cáo Hoàng Gia Hiệp bị đề nghị mức án từ 12 - 13 năm tù, bị cáo Trần Quang Vũ và bị cáo Đỗ Đình Côn mỗi bị cáo mức án từ 11 - 12 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng đối với bị cáo Nguyễn Tuấn Dương, vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX chuyển tội danh từ tội “Cố ý làm trái…” sang tội “Sử dụng trái phép tài sản” với mức án bị đề nghị từ 3 - 4 năm tù.

Chiều 29-3, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư về lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát.

Hùng Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Vinashin: Phạm Thanh Bình bị đề nghị 19-20 năm tù