Tạm hoãn thi hành án vụ đòi nhà của vợ chồng nghệ sĩ Thành Được

congly.com.vn| 13/04/2012 10:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua, TANDTC có văn bản yêu cầu Cục THADS TP.HCM tạm hoãn thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số 164/2001/DSPT ngày 17-6-2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM về vụ án tranh chấp quyền sở hữu tài sản giữa vợ chồng ông Châu Văn Được (nghệ sĩ Thành Được - đang định cư tại Mỹ) và Công ty Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (nay là Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam, gọi tắt

Trước đó, Bộ VH-TT&DL, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng đã có văn bản yêu cầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét lại vụ án này.

Căn nhà số 143 đường Nguyễn Văn Trỗi


Đòi lại nhà sau 23 năm xuất cảnh


Nghệ sĩ Thành Được và vợ là bà Lê Thị Liên đồng sở hữu căn nhà 143 Nguyễn Văn Trỗi. Năm 1984, ông Thành Được sang Tây Đức biểu diễn và sau đó không về Việt Nam. Năm 1985, bà Liên rao bán nhà để xuất cảnh đoàn tụ gia đình. Theo pháp luật tại thời điểm đó, những người xuất cảnh phải bán nhà cho Nhà nước hoặc hiến tặng cho thân nhân. Khi ấy, bà Liên đã lập hai văn tự bán nhà cho OSC Việt Nam (số 2 Lê Lợi, Tp. Vũng Tàu). Trước khi mua nhà, OSC đã làm đơn xin và được UBND Tp. Hồ Chí Minh, Sở Nhà đất, UBND quận Phú Nhuận đồng ý cho mua căn nhà này.


Ngày 20-11-1985, bà Liên cùng đại diện OSC đã đến UBND phường 11 làm văn tự bán nhà, có sự chứng thực của UBND phường 11. Giá trị căn nhà được thể hiện qua 4 tờ biên nhận ký nhận tiền của bà Liên tổng cộng 729.688 đồng. Sau đó, bà Liên xuất cảnh và OSC làm thủ tục hợp thức hoá căn nhà.


Năm 2008, sau 23 năm định cư ở nước ngoài, vợ chồng ông Thành Được về Việt Nam khởi kiện OSC đòi lại nhà với lý do: Năm 1985, trước khi xuất cảnh bà Liên làm đơn xin bán nhà 143 gửi Sở Nhà đất. Do việc giải quyết của các cơ quan chức năng kéo dài nên ngày 19-5-1986 (trước khi xuất cảnh 7 ngày), bà làm đơn gửi Sở này xin uỷ quyền (giấy uỷ quyền không có chứng thực) cho anh ruột là Lê Mộng Ngọc, thường trú tại quận 5, Tp. Hồ Chí Minh thay mặt làm thủ tục bán nhà và nhận tiền thay bà. Ông Ngọc nhiều lần lên Sở Nhà đất xin giải quyết nhưng không có kết quả. Ông Thành Được cũng cho rằng, căn nhà là tài sản chung của hai vợ chồng, khi ông đi nước ngoài ông chưa hề ký giấy bán nhà cho bất cứ ai, do vậy căn nhà trên vẫn thuộc quyền sở hữu của ông.


Hồ sơ gốc bị đánh cắp?


Vụ án đã qua 2 cấp Tòa với 4 bản án được tuyên. Bản án phúc thẩm lần 2 ngày 17-6-2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh mới đây đã tuyên phần thắng thuộc về nguyên đơn vợ chồng nghệ sĩ Thành Được và buộc OSC phải trả cho gia đình nghệ sĩ Thành Được 75,183 tỉ đồng và hơn 102 triệu đồng tiền án phí. Một trong những căn cứ quan trọng để Tòa ra phán quyết trên là "Văn tự bán nhà" cùng biên nhận các lần nhận tiền chỉ là bản photocoppy nên không giá trị để làm chứng cứ. Do đó, giữa bà Liên và Công ty OSC không tồn tại bất cứ quan hệ mua bán căn nhà 143.


Tuy nhiên, hồ sơ gốc lưu trữ tại Chi cục Lưu trữ - Sở Nội vụ Tp. Hồ Chí Minh liên quan đến căn nhà 143 vẫn còn thể hiện đầy đủ những bản sao có công chứng. Chưa kể, OSC Việt Nam còn lưu giữ 2 bản chính biên nhận nhận tiền bán nhà cũng như nhiều văn bản của UBND Tp. Hồ Chí Minh, Sở Nhà đất, ý kiến của lãnh đạo cao cấp của Nhà nước lúc bấy giờ đều đồng ý cho phép OSC Việt Nam mua nhà của ông Được, bà Liên và chấp nhận để OSC Việt Nam được hợp thức hóa chủ quyền căn nhà này.

Cụ thể, theo “Biên bản bàn giao nhiệm vụ mua bán nhà xuất cảnh” ngày 7-7-1986 giữa Công ty Quản lý nhà cho bộ phận mua bán nhà xuất cảnh thuộc Phòng Chính sách mua bán thuộc Sở Nhà đất có tổng cộng 58 văn kiện, trong đó có 4 văn tự mua bán nhà (bản chính). Không hiểu lý do gì những bản chính của các văn tự này đã biến mất một cách khó hiểu!?


Để bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, bảo vệ sự thật trong quan hệ mua bán ngôi nhà này, Bộ VH-TT&DL đã cử lãnh đạo của Thanh tra Bộ tiến hành xác minh tại Chi cục Văn thư lưu trữ thuộc Sở Nội vụ Tp. Hồ Chí Minh về hồ sơ các văn tự mua bán nhà 143 có lưu tại đây. Kết quả xác minh (có lập biên bản, ký đóng dấu) cho thấy các văn tự bán nhà không phải là bản photocopy mà có công chứng.


Khoản 1 Điều 83 BLTTDS quy định: “Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”. Thế nhưng, những tài liệu xác thực trên đã không được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ.


Nguyễn Văn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạm hoãn thi hành án vụ đòi nhà của vợ chồng nghệ sĩ Thành Được