Sai phạm của Ngân hàng ACB trong vụ “Bầu” Kiên: Không thể “đổ vấy” cho NHNN và Vietinbank

PV| 05/06/2014 19:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên tòa xử "bầu" Kiên và đồng phạm, các bị cáo, đại diện ACB và các luật sư cho rằng chủ trương và quá trình tổ chức thực hiện “ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank” là không sai luật, nếu có sai thì nguyên nhân do “NHNN chậm hướng dẫn"...

Đồng thời kiến nghị khởi tố “vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại NHNN” để xử lý các cá nhân liên quan. Tuy nhiên, lập luận trên là không có căn cứ thuyết phục.

“Bầu” Kiên và đồng phạm đã “lách luật” như thế nào?

Một vấn đề thuộc về nguyên tắc trong hoạt động ngân hàng ở mọi quốc gia là không bao giờ cho phép một ngân hàng xem việc huy động vốn trong dân cư để gửi lại vào ngân hàng khác thu lãi chênh lệch là một kênh kinh doanh. Hãy thử hình dung các ngân hàng chỉ nhằm đến việc “huy động để cho vay lẫn nhau”, xa rời mục tiêu tập trung nguồn vốn đáp ứng cho các yêu cầu vốn của nền kinh tế, thì thị trường tiền tệ và ý nghĩa của hệ thống ngân hàng sẽ bị biến dạng thế nào?

Bất cập đã không nảy sinh nếu như ACB thực hiện các nghiệp vụ ủy thác thông thường đúng thủ tục như bao ngân hàng khác. Nhưng vấn đề của ACB là ở chỗ: “ủy thác” chỉ là cách ACB gọi tên cho chủ trương gửi tiền vào ngân hàng khác không thông qua thị trường liên ngân hàng - sân chơi mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dành cho các ngân hàng thương mại giải quyết bài toán thừa/thiếu vốn tạm thời; ACB đã cố tình lách luật, chấp nhận rủi ro an toàn vốn bằng việc ủy thác - giao vốn cho nhân viên (cá nhân) để các nhân viên này đem đi gửi tiền vào ngân hàng khác (Vietinbank), trong khi lại lừa dối cơ quan quản lý, báo cáo gian dối với NHNN và với các cổ đông của mình bằng việc hạch toán đó là tiền gửi liên ngân hàng. Thậm chí, ACB đã thông qua Công ty Quản lý Quỹ ACB để mua lại một số hợp đồng tiền gửi để thanh lý bớt đi các hợp đồng ủy thác vốn ẩn chứa đầy rủi ro của mình, làm “sạch đi” báo cáo tài chính.

Sai phạm của Ngân hàng ACB trong vụ “Bầu” Kiên: Không thể “đổ vấy” cho NHNN và Vietinbank

“Bầu” Kiên tại phiên tòa sơ thẩm

Rõ ràng là đã có sự lập lờ, cố tình diễn đạt sai lệch hồ sơ vụ án và các sự kiện đã xảy ra trong thực tế, để bấu víu lợi ích, đổ vấy trách nhiệm cho NHNN trong việc chậm ban hành văn bản “hướng dẫn ủy thác”. Cái chậm phải chăng chính là NHNN đã chưa ban hành một văn bản nêu rõ ràng và dứt khoát rằng: việc ngân hàng gửi tiền vào ngân hàng khác dưới mọi hình thức mà không thông qua thị trường liên ngân hàng, đều bị xem là trái pháp luật và phải bị xử lý. Trong khi xuất phát điểm của sai phạm nằm trong ý thức lách luật và hành vi thực hiện bất chấp rủi ro của một số bị cáo, thì không thể phủi tay đổ lỗi cho NHNN trong việc “để xảy ra việc nhiều cá nhân ACB bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm trái” như cách nói của một luật sư trên báo chí.

Để “tăng điểm nhấn” cho luận điểm của mình, một số luật sư tự tạo dựng mệnh đề: Văn bản 350 ngày 17/5/2012 của cơ quan Thanh tra giám sát NHNN “thực chất là công văn giải thích luật”, từ đó cho rằng NHNN “lạm quyền” khi đã giải thích luật. Trên thực tế, không cơ quan tiến hành tố tụng nào xem Văn bản 350 là một văn bản giải thích luật (vốn chỉ thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội). Cũng như chính các luật sư, mọi cơ quan, tố chức, công dân đều có quyền đọc luật để hiểu và diễn đạt, điều chỉnh hành vi theo cách hiểu luật của mình.

Văn bản 350 đơn giản chỉ là quan điểm của NHNN với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng về vấn đề được hỏi, cơ quan tố tụng có quyền đồng ý hay không đối với một phần/toàn bộ nội dung trả lời đó và dù đồng ý thì đó cũng chỉ xem là một trong các kênh quan điểm, nguồn chứng cứ từ chính cơ quan quản lý về một vấn đề chuyên ngành đã được luật giao “trách nhiệm hướng dẫn”, chứ không phải là “căn cứ luật” để quy buộc. Kết luận điều tra và cáo trạng đã nêu rõ, hành vi ủy thác cho nhân viên gửi tiền tại Vietinbank đã cấu thành tội cố ý làm trái do vi phạm Điều 106 Luật Các TCTD - chứ không phải vi phạm Văn bản 350 như cái sự “cố tình hiểu sai” của quan điểm nào đó.

Cũng cần nói thêm rằng, theo pháp luật tố tụng thì kết luận điều tra và cáo trạng có thể chỉ ra “làm trái quy định nào” và chỉ cần làm trái một quy định cũng đủ yếu tố xác định khách thể trong cấu thành tội đang xét, đồng thời khi xét xử Tòa án vẫn có quyền xác định thêm hành vi đó còn vi phạm quy định nào khác nữa hay không, ví dụ như vi phạm Điều 90 Luật các TCTD như đại diện VKS đã luận tội, hay bất kỳ một điều khoản nào khác trong hệ thống pháp luật thực định Việt Nam. Ngoài ra việc gửi tiền với lãi suất vượt trần còn là một cái sai khác của ACB, nhưng cho dù “không vượt trần” thì bản thân việc ủy thác gửi tiền cũng đã sai luật rồi, và một khi cái sai ấy gây ra hậu quả vật chất thì đã cấu thành tội phạm (với tội cố ý làm trái, thực ra có thể kể đến cả hậu quả phi vật chất, như làm méo mó thị trường tiền tệ, ảnh hưởng các chính sách điều hành nền kinh tế vĩ mô).

Để “tạo công bằng”, có luật sư còn trả lời truyền thông: “Trong vụ án này, kết luận điều tra nêu có 26 ngân hàng nhận tiền gửi chi trả lãi suất vượt trần, nhưng cho đến nay cũng không xử lý bất cứ ai về các sai phạm này”. Là người trực tiếp đọc hồ sơ vụ án, hơn ai hết các luật sư hiểu rõ lý do nào Cơ quan điều tra đã tách các vụ việc trên ra để xem xét xử lý sau. Khi chưa thể “lo chu toàn” cho các thân chủ theo hợp đồng, người ta lại chơi trò bấu víu theo kiểu “cùng chết xem ai chết” mà không chịu biết rằng: pháp luật sẽ sờ gáy đến mọi sai phạm.

Tại sao ACB nhất quyết muốn Vietinbank bồi thường?

Cái sai của ACB đã rõ, vậy tại sao ACB nhất quyết muốn Vietinbank bồi thường? Cũng dễ nhận thấy là trong khi luật sư bào chữa cho các bị cáo cố chứng minh thân chủ không phạm tội thì luật sư của ACB và đại diện ACB lại chú tâm đến việc tranh cãi địa chỉ thu hồi tiền. Dù gì thì 718,9 tỷ đồng ủy thác, dù ai phải trả thì hiện ACB vẫn chưa thu hồi được, tức hậu quả vật chất đã phát sinh, không thể ngụy biện theo kiểu nói nếu Vietinbank phải trả thì ACB không có hậu quả - để vừa giải thoát trách nhiệm cho các bị cáo, vừa đổ vấy trách nhiệm cho Vietinbank.

Trong suốt chu trình trên, Vietinbank không xác lập bất kỳ giao dịch nào với ACB, có chăng là ACB đã xúi giục nhân viên đem tiền của ACB đến gửi theo sự dẫn dụ của Huyền Như. Trong bất kỳ một vụ án hình sự nào cũng xuất hiện các quan hệ dân sự đan xen mà nếu bóc tách độc lập dễ tạo cảm giác các chủ thể ngay tình khi tham gia quan hệ dân sự đó phải có một trách nhiệm mơ hồ nào đó. Một khi các quan hệ dân sự đan xen nằm trong chuỗi hành vi phạm pháp đang bị truy cứu, thì việc xử lý đúng bản chất sự kiện phạm tội là vấn đề hiển nhiên bởi yêu cầu phải xem xét, xử lý một cách “toàn diện” trong bất kỳ vụ án nào. Sự bất chấp rủi ro khi đã giao một lượng tiền lớn cho các cá nhân mà không hề có một biện pháp bảo đảm hữu hiệu, sự yếu kém trong nhận thức khi đã “đồng hóa” việc “cá nhân gửi tiền không cần nhận thẻ tiết kiệm”, thậm chí xem “hợp đồng tiền gửi” (một thỏa thuận bằng văn bản) là bằng chứng thực hiện… hợp đồng tiền gửi thay cho thẻ tiết kiệm (!).

Có lẽ không phải luận bàn thêm khi biết rằng ACB cũng là một ngân hàng nên không thể nói sản phẩm thẻ tiết kiệm như một thứ “xa xỉ” mà ACB không quen dùng, cho đến khi vụ việc Huyền Như vỡ lở thì đích thân Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải đã phải đôn đáo nhờ các thành viên HĐQT ACB “hợp thức hóa, ký lùi ngày các tài liệu liên quan chủ trương gửi tiền nhằm giảm nhẹ trách nhiệm trước các cổ đông, trước pháp luật, và nhằm có thể khởi kiện được đối với Vietinbank”. Tại sao phải “hợp thức”? Câu hỏi này cũng trả lời thêm cho chính câu hỏi tại sao ACB nhất quyết yêu cầu Vietinbank bồi thường.

Chủ sở hữu có quyền đề đạt yêu cầu được bồi thường, bồi hoàn, hoặc không yêu cầu giải quyết nên một khi ACB vẫn tiếp tục “không chịu làm nguyên đơn dân sự đối với bị cáo”, thiết nghĩ theo quy định của pháp luật tố tụng, bị cáo phạm tội chiếm đoạt tài sản (Huyền Như) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nguyên đơn, bị hại nào không có yêu cầu, đồng thời đó cũng là căn cứ để bác yêu cầu của ACB đối với Vietinbank. ACB có lẽ cần suy nghĩ, cân nhắc đến khả năng này khi mà vụ án Huyền Như đang được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai phạm của Ngân hàng ACB trong vụ “Bầu” Kiên: Không thể “đổ vấy” cho NHNN và Vietinbank