Những phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm năm 2014

Lam Nguyễn| 02/01/2015 14:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2014 đã khép lại với những phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là những vụ án lớn về ma túy, tham nhũng, lừa đảo, xâm hại trẻ em xét xử nghiêm minh, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.

"Đại án" ma túy với 12 tấn heroin

Những phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm năm 2014

Các bị cáo trong vụ "đại án" 12 tấn heroin

Đây là phiên toà xét xử vụ án ma tuý xuyên quốc gia lớn nhất từ trước tới nay về số lượng ma tuý và số lượng người tham gia. Đặc biệt, đây là phiên toà đầu tiên được tổ chức trong trại giam với số lượng bị cáo lên tới 89 người. Sau 19 ngày xét xử, ngày 20/1/2014, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên 30 bị cáo mức án cao nhất là án tử hình; 13 bị cáo lĩnh án chung thân; các bị cáo khác nhận mức án dưới 20 năm tuỳ theo mức độ phạm tội của các bị cáo. Bản án xác định, 30 người lĩnh án tử hình là những mắt xích quan trọng trong vụ án khi tham gia chỉ đạo việc mua bán, vận chuyển tổng cộng 32.000 bánh heroin (tương đương 12 tấn).

Xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm

Những phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm năm 2014

Bị cáo Dương Tự Trọng 

Ngày 8/1, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án nguyên Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm cùng về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài". Tòa đã tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng (52 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Tổng cục VII, Bộ Công an) lĩnh án 18 năm tù. HĐXX xác định, bị cáo chủ mưu, cầm đầu tổ chức đưa nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài là Dương Tự Trọng (em trai Dũng).

Vụ "siêu lừa" 4.000 tỷ đồng

Những phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm năm 2014

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như

Ngày 6/1, Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) cùng 22 bị cáo trong vụ chiếm đoạt số tiền được cho là lớn nhất từ trước đến nay bị đưa ra xét xử. Sau hơn 21 ngày xét xử, đến ngày 27/1, HĐXX đã tuyên án Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; 6 năm tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức", tổng hợp hình phạt chung là chung thân. Để có tiền trả nợ, từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Huyền Như đã tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thỏa thuận, cộng lãi suất thưởng từ 18%-36%/năm. Để thực hiện mục đích của mình, Huyền Như đã thuê người làm giả con dấu, tài liệu ngân hàng và nhiều đơn vị, chữ ký trên các chứng từ và hợp đồng¼ để chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân với hơn 4.911 tỷ đồng cùng về tội "Hành hạ người khác".

Xét xử bảo mẫu hành hạ dã man trẻ mầm non

Những phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm năm 2014

Hai bảo mẫu hành hạ trẻ em tại Tòa 

Ngày 20/1, TAND quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đưa vụ án hành hạ trẻ em, bị cáo là hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, chủ cơ sở Mầm non Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ngụ Kiên Giang) ra xét xử sơ thẩm lưu động. Trước đó, ngày 13/12/2013, Công an quận Thủ Đức nhận được đoạn clip quay được cảnh Phương và Lý hành hạ nhiều trẻ bằng những hành vi đánh đập, đe dọa nên ngày 17/12/2013, cơ quan Công an đã bắt tạm giam hai đối tượng này. Tòa tuyên phạt hai bị cáo Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý, mỗi người 3 năm tù cùng về tội "Hành hạ người khác".

Xét xử vụ đánh bạc lớn nhất miền Bắc

Ngày 17/3, 86 bị cáo bị TAND tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử với các tội danh tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Theo cáo trạng, khoảng cuối tháng 10/2012, Dương Anh Đức (SN 1964) và Khuất Thị Hương (SN 1966) cùng trú tại khu phố chùa Giận - phường Đình Bảng - thị xã Từ Sơn bàn nhau mở sới bạc tại khu vực thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để lôi kéo các con bạc đến đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa nhằm thu tiền phế kiếm lời. TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt các bị cáo Dương Anh Đức 5 năm tù, phạt tiền 20 triệu đồng; Khuất Thị Hương 42 tháng tù, phạt 15 triệu đồng; các bị cáo: Lê Văn Bằng, Nguyễn Duy Hà, Vũ Văn Chinh mỗi bị cáo 3 năm tù và phạt từ 5 đến 10 triệu đồng; Đỗ Minh Tuệ 4 năm tù, phạt 10 triệu đồng về tội Tổ chức đánh bạc.

Dương Chí Dũng bị y án tử hình, bồi thường 110 tỷ đồng

Những phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm năm 2014

Bị cáo Dương Chí Dũng 

Cho rằng án sơ thẩm tuyên tử hình cựu chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng là có căn cứ, để phòng ngừa nạn tham nhũng, cấp phúc thẩm giữ nguyên hình phạt. Phiên phúc thẩm mở từ ngày 22/4 tại TANDTC tại Hà Nội. Giữ nguyên quan điểm truy tố, VKS cho đây là vụ án truy xét, sau 6 năm mới được phát hiện. Tuy nhiên qua lời khai, chứng cứ, có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của các bị cáo. VKS đề nghị bác đơn kháng cáo kêu oan của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, bác kháng án xin giảm hình phạt của bị cáo Khang, Sơn, Chiều. Nhóm các bị cáo là cán bộ đăng kiểm, hải quan được VKS đề nghị tòa giảm một phần trách nhiệm dân sự. Theo án sơ thẩm, ông Dũng, Phúc bị tuyên án tử hình do tham ô và cố ý làm trái. Bị cáo Sơn lĩnh 22 năm tù, Chiều 19 năm, Dương 7 năm tù, Triện 8 năm, Lừng 8 năm, Khang 7 năm tù; Huỳnh Hữu Đức án 8 năm.

Vụ "đại án" tham nhũng ở Đăk Nông

Sau hơn 1 ngày xét xử tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông, ngày 26/9, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã tuyên án tử hình đối với Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Đăk Lăk - Đăk Nông trong vụ án nhận hối lộ, đưa hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng xảy ra tại một số ngân hàng. 12 đối tượng liên quan trong vụ "đại án" tham nhũng này cũng bị Tòa kết án từ 3 năm tù đến chung thân. Trước đó, tại phiên toà sơ thẩm do TAND tỉnh Đăk Nông xét xử vào tháng 3/2014, đã có 13 bản án được tuyên. Theo đó, bị cáo Vũ Việt Hùng, tâm điểm của vụ án bị kết tội cho ba tội danh với hình phạt cao nhất là tử hình; 3 bị cáo phải nhận mức hình phạt tù chung thân. Các bị cáo còn lại nhận mức hình phạt từ 3-20 năm tù.

Vụ tham nhũng tại ALC II

Ngày 26/9, sau 10 ngày xét xử và nghị án, TAND TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Vũ Quốc Hảo (SN 1955, nguyên Tổng Giám đốc ALC II) mức án tử hình. Hai bị cáo khác cũng lãnh án tử hình gồm: Phạm Minh Tuấn (SN 1958, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Long Hải) và Hoàng Lộc (SN 1965, Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định giá Việt Nam-Vivaco) về tội "Tham ô tài sản". Ba bị cáo Lê Thị Minh Huệ (SN 1969, Kế toán trưởng Cát Long Hải), Vũ Đức Hòa (SN 1979, Giám đốc Công ty Cát Long Hải) và Lê Phúc Đức (SN 1976, Trưởng phòng Giám định Vi- vaco), Nguyễn Văn Tài (SN 1959, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty ALC II) lãnh án chung thân. Ngoài ra, Tòa còn tuyên phạt 4 bị cáo khác mức án từ 15 đến 20 năm tù. Tòa nhận định, đây là vụ án có tổ chức, có sự câu kết, phân công nhiệm vụ từng người, hành vi của từng bị cáo có liên quan với nhau gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát 130 tỷ đồng của Nhà nước nên phải xử nghiêm để răn đe.

Xét xử vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường

Ngày 4/12, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - cựu Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường và bị cáo Đào Quang Khánh (SN 1996, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) ra xét xử. Theo đó HĐXX tuyên phạt Nguyễn Mạnh Tường 14 năm về tội "Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác"; 5 năm tù về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả", tổng hình phạt 19 năm tù. Cấm hành nghề 5 năm sau hình phạt tù. Đào Quang Khánh bị tuyên phạt 24 tháng tù về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả", 9 tháng tù về tội "Trộm cắp", tổng hợp hình phạt 33 tháng tù. Về dân sự, buộc Tường bồi thường tổng cộng gần 400 triệu đồng, cấp dưỡng cho hai con của bị hại 1 triệu đồng/tháng

Y  30 năm tù với "bầu" Kiên

Những phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm năm 2014

Xét xử "bầu" Kiên

Ngày 15/12, HĐXX phúc thẩm đã tuyên vụ án Nguyễn Đức Kiên ("bầu" Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB) và 5 đồng phạm. HĐXX xác định các bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm kết tội là có căn cứ, đúng pháp luật. Trên cơ sở xem xét toàn diện, HĐXX đã đưa ra những cơ sở chứng minh Nguyễn Đức Kiên không oan khi bị kết tội trong cả bốn tội danh: Kinh doanh trái phép; Trốn thuế; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Xét kháng cáo của từng bị cáo, HĐXX cho rằng đối với Nguyễn Đức Kiên, Tòa sơ thẩm quy kết là không oan, cần giữ nguyên tội danh và hình phạt.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm năm 2014