Nếu bị cáo Huyền Như làm đúng quy định của Vietinbank thì không thể chiếm đoạt được tiền của người gửi

Văn Vũ| 19/12/2014 15:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tất cả các hợp đồng cho vay có bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm, mặc dù chủ thẻ tiết kiệm không có mặt và ký bảo lãnh nhưng nhân viên ngân hàng vẫn lập hồ sơ cho vay và giải ngân lên đến hàng trăm tỷ đồng…

Sáng nay 19/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tập trung thẩm vấn về hành vi vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với các bị cáo nguyên là cán bộ của Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng và Điện Biên Phủ Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh.

Nếu bị cáo Huyền Như làm đúng quy định của Vietinbank thì không thể chiếm đoạt được tiền của người gửi

Các bị cáo tại phiên tòa

Tại phiên tòa, bị cáo Đoàn Lê Du, nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh giữ nguyên kháng cáo kêu oan. Đoàn Lê Du khai rằng, bị cáo chỉ vô ý và do tin tưởng Huyền Như nên đã duyệt cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo là thẻ tiết kiệm mà không có mặt của khách hàng.

Theo bản án sơ thẩm, khi được Huyền Như đặt vấn đề cho khách hàng của Như vay tiền tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, thế chấp bằng thẻ tiết kiệm gửi tiền tại Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh nhưng khách hàng không có mặt do bận, đề nghị cho vay trước rồi bổ sung thủ tục hồ sơ sau. Đoàn Lê Du đã chỉ đạo nhân viên Phòng giao dịch lập 51 hồ sơ tín dụng cho vay đứng tên 16 cá nhân vay tổng cộng gần 240 tỷ đồng; thế chấp bằng 37 thẻ tiết kiệm trị giá 246,85 tỷ đồng mang tên 12 cá nhân là nhân viên ACB; NaviBank có tiền gửi tại Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh.

Trong đó, chỉ có 6 cá nhân được Như nhờ đứng tên vay trên 13 khoản vay hơn 70 tỷ đồng là có mặt tại Phòng giao dịch để ký trong hồ sơ tín dụng. Còn lại đều không có mặt người vay, người có tài sản bảo lãnh để ký vào hồ sơ khi vay. Sau khi giải ngân xong mới chuyển lại hồ sơ cho Như để bổ sung chữ ký.

HĐXX, đại diện VKS, các luật sư đã tập trung thẩm vấn về hành vi vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng của bị cáo Du. Những câu hỏi phần lớn tập trung chi tiết về quy trình lập hồ sơ cho vay và giải ngân đối với các hợp đồng vay có đảm bảo bằng thẻ tiết kiệm; về việc vì sao không có mặt và chữ ký của các chủ thẻ tiết kiệm, thậm chí khách hàng vay nhưng vẫn xét duyệt hồ sơ cho vay; về việc tất toán trước thời hạn đối với các hợp đồng vay…

Liên quan đến hành vi này, HĐXX, đại diện VKS và các luật sư còn thẩm vấn bị cáo Như, đại diện VietinBank về các quy định đối với việc cho vay cầm cố bằng thẻ tiết kiệm tại VietinBank; về chữ ký của các người vay vắng mặt và chủ thẻ tiết kiệm trong các hợp vay đảm bảo… 

Sau khi nghe HĐXX thẩm vấn, bị cáo Du đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Liên quan đến hành vi vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, bị cáo Nguyễn Thị Phúc Ngân, nguyên Giao dịch viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh và giảm nhẹ hình phạt. Ngân khai rằng, bị cáo chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Đoàn Lê Du.

Theo bản án sơ thẩm, Ngân đã xác thực hồ sơ và thực hiện giải ngân 51 khoản vay đứng tên 16 người do Như chuyển đến Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng với tổng số tiền gần 240 tỷ đồng; tài sản đảm bảo thẻ tiết kiệm mang tên 10 nhân viên ACB. Mặc dù bị cáo phát hiện không có chữ ký của 10/16 khách hàng vay và 10 khách hàng bảo lãnh nhưng vẫn thực hiện giải ngân theo chỉ đạo của bị cáo Du.

Còn bị cáo Huỳnh Trung Chí, nguyên nhân viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Theo bản án sơ thẩm, Đoàn Lê Du chỉ đạo bị cáo Chí lập 51 hồ sơ tín dụng cho 16 cá nhân đứng tên vay tổng cộng gần 240 tỷ đồng; thế chấp bằng thẻ tiết kiệm đứng tên 12 cá nhân là nhân viên ACB; NaviBank có tiền gửi tại Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh. Trong đó chỉ có 6 cá nhân được Như nhờ đứng tên vay trên 13 khoản vay 70,44 tỷ đồng là có mặt tại Phòng giao dịch để ký trong hồ sơ tín dụng. Còn lại đều không có mặt người vay, người có tài sản bảo lãnh để ký vào hồ sơ khi vay nhưng vẫn đề xuất cho vay. Sau khi giải ngân xong mới chuyển lại hồ sơ cho Như để bổ sung chữ ký.

Thẩm vấn bị cáo Chí, HĐXX, đại diện VKS, các luật sư đặt câu hỏi làm rõ các chi tiết liên quan đến việc 12 nhân viên ACB có đến phòng giao dịch để ký tên bảo lãnh hay không? Thời điểm nào thì tiền được rút khỏi ngân hàng? Việc khách hàng không đến ký giao dịch hoặc người bảo lãnh không ký bảo lãnh nhưng vẫn lập hồ sơ cho vay…

Bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên, nguyên Phó phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng kháng cáo kêu oan. Bị cáo Tiên khai rằng, bị cáo là người ký duyệt hồ sơ tín dụng và ký giải ngân đối với 6 khoản vay cho Trần Thị Tố Quyên và Phan Văn Long đứng tên vay tổng số tiền 33,29 tỷ đồng; tài sản đảm bảo là 5 thẻ tiết kiệm có tổng trị giá 34,3 tỷ đồng mang tên 3 cá nhân là nhân viên ACB và NaviBank. Khi ký duyệt 6 khoản vay trên, bị cáo kiểm tra hồ sơ đều có đầy đủ chữ ký; không làm trái quy trình nghiệp vụ trong việc cho vay các khoản tiền này.

Liên quan đến kháng cáo kêu oan của bị cáo Tiên, HĐXX, đại diện VKS và các Luật sư đã thẩm vấn bị cáo Tiên, bị cáo Huyền Như, bị cáo Huỳnh Trung Chí, bị cáo Đoàn Lê Du, bị cáo Phúc Ngân, để làm rõ tính pháp lý của 6 hồ sơ vay mà bị cáo Tiên ký duyệt.

Bị cáo Bùi Ngọc Quyên, nguyên Phó Phòng giao dịch Điện Biên Phủ kháng cáo xem xét lại tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo bản án sơ thẩm, Quyên là người tham gia duyệt 29 hồ sơ do Tống Nguyên Dũng lập, cho 7 người đứng tên vay tổng số tiền hơn 132 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 20 thẻ tiết kiệm của 5 cá nhân là nhân viên ACB. Tất cả các hồ sơ vay vốn đều chưa có chữ ký của người vay và người bảo lãnh. Quyên cùng giao dịch viên có liên hệ, trao đổi với bộ phận tín dụng để kiểm tra. Như cho biết đây là các khách hàng có uy tín và khẳng định đã tiếp xúc với khách hàng, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ các giấy tờ của khách hàng và chỉ đạo cứ duyệt cho vay trước rồi khách hàng bổ sung chữ ký sau. Bị cáo đã thực hiện các thủ tục cho vay, xong hồ sơ mới được chuyển lại cho Như để bổ sung chữ ký.

HĐXX hỏi bị cáo Quyên: Nếu làm đúng theo quy định của VietinBank thì bị cáo Như có chiếm đoạt số tiền này không? Bị cáo Quyên khẳng định là không.

Bị cáo Phạm Thi Tuyết Anh, nguyên Giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Anh khai rằng, bị cáo có con dưới 36 tháng tuổi, gia đình có công với cách mạng.

Tuyết Anh đã thực hiện xác thực hồ sơ và thực hiện giải ngân 55 khoản vay với tổng số tiền 254,6 tỷ đồng cho 15 khách hàng, tài sản thế chấp là 42 thẻ tiết kiệm của 11 cá nhân theo chỉ đạo của Huyền Như. Trong khi hầu hết hồ sơ thiếu chữ ký của khách hàng vay và người có tài sản bảo lãnh, bị cáo vẫn thực hiện giải ngân theo lệnh chi đã có sẵn chữ ký của khách hàng do Huyền Như cung cấp mà không có mặt khách hàng.

Sau khi thẩm vấn, bị cáo Tuyết Anh thừa nhận hành vi phạm tội và xin giảm nhẹ hình phạt.

Chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nếu bị cáo Huyền Như làm đúng quy định của Vietinbank thì không thể chiếm đoạt được tiền của người gửi